Mất mát lớn từ một sự ra đi

Phạm Huỳnh Tam Lang ra đi, để lại phía sau mình một khoảng trống không thể lấp đầy. Ông được người hâm mộ xem là một tượng đài, một nhân cách lớn trong bóng đá. Chính những nhân tố rất khó tìm thấy ở bóng đá Việt Nam hiện nay này càng khiến sự ra đi của ông là một mất mát lớn, quá lớn.

Ngay khi còn tiểu học cắm đầu chạy theo quả banh nhựa nhồi rơm nặng trịch trong sân trường mỗi giờ ra chơi, chúng tôi đã nghe đến cái tên Tam Lang. Chưa được một lần nhìn thấy, chưa biết ông đá hay đến cỡ nào, không biết ông đá vị trí nào… nhưng hễ đứa nào sút được một bàn thì được cả bọn tung hô “sút như Tam Lang”! Thần tượng ấy dường như xuất hiện trên khắp mặt sân, vị trí nào cũng là Tam Lang. Ai được xem “đá hay như Tam Lang” là sướng rân về không ngủ được. Rất lâu sau này khi được biết ông bằng xương bằng thịt, chứng kiến cuộc sống của ông với những khó khăn khó bù đắp, càng thấy ông đúng là một nhân cách tài hoa của bóng đá.

Cái ông để lại không chỉ là thành tích, những bài học kỹ thuật, hay những mảng miếng, lối đá, mà lớn nhất vẫn là nhân cách bóng đá. Hiếm có cầu thủ nào lừng lẫy khi là cầu thủ, rồi vẫn duy trì tinh thần ấy khi với vai trò huấn luyện viên. Bạn bè, đồng nghiệp ông, có những người cùng nâng cao chiếc cúp Merdeka với ông năm 1966 rồi cũng giải nghệ và mưu sinh bằng nhiều nghề khác. Còn ông, vẫn nặng lòng với bóng đá. Chắc chắn một điều rằng, không có Phạm Huỳnh Tam Lang thì chưa hẳn có lối đá nhỏ rặt kỹ thuật làm mê mẩn hàng triệu con tim khán giả sân Thống Nhất của đội Cảng Sài Gòn. Tên ông gắn với tên Cảng Sài Gòn, một đội bóng con cưng của người dân TPHCM, là chứng nhân của một giai đoạn phát triển mạnh nhất của bóng đá nước nhà.

Tam Lang để lại cho bóng đá Việt Nam bài học về tài và đức. Chính điều này càng tạo ra nỗi niềm tiếc nuối quá lớn về sự ra đi đột ngột của ông. Nơi nào có mặt ông, nơi đó xuất hiện lối đá đẹp. Đội tuyển bóng đá Việt Nam giai đoạn ông làm huấn luyện viên trưởng cũng đi theo hình mẫu này. Triết lý bóng đá của ông không có chỗ của sự triệt hạ đối phương, không lấy cay cú ăn thua làm phương tiện và không đánh đổi thành tích bằng việc đánh mất mình. Ông dạy đá bóng bằng tình người và lấy đó làm sức mạnh. Nhiều thế hệ học trò của ông giờ cũng đã giải nghệ, cũng phải chạnh lòng khi nhìn thấy triết lý ấy bị môi trường bóng đá xô bồ hiện nay phá hỏng.

Tượng đài bóng đá ra đi đã khiến người hâm mộ bàng hoàng. Và điều tồi tệ hơn có thể chúng ta phải tiếp tục đối mặt sau sự ra đi của ông: một nền bóng đá nhân bản ngày càng bị xóa nhòa. Bạo lực, phi đạo đức ngày càng nổi lên lấn át vẻ đẹp bóng đá. Không còn một Tam Lang trên sân bóng, ở hàng ghế huấn luyện, hay một ông giáo già dạy bóng đá cho trẻ em. Có lẽ nào chúng ta để tiếp tục mất đi cái nền tảng bóng đá đẹp đẽ mà các bậc tiền bối như ông đã gầy dựng mấy chục năm qua?

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục