VTRIF là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 16/QĐ-BNV ngày 10-1-2024; có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và sự quản lý của các bộ ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của liên đoàn. Tại đại hội, Ban Thường vụ VTRIF nhiệm kỳ I đã được bầu ra, trong đó, ông Lê Hồng Minh (Tổng giám đốc VNG) giữ chức vụ Chủ tịch VTRIF; bà Nguyễn Thu Phương (Cục TDTT) làm Tổng Thư ký VTRIF; ông Phạm Minh Quang (Giám đốc Công ty BoiDapChay) làm Phó chủ tịch thường trực; các ông bà Lê Thị Thu Thủy (Tổng Giám đốc Vinfast), Nguyễn Nam Nhân (Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM), Nguyễn Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty BoiDapChay) làm phó chủ tịch và ông Đào Nguyên Phương (Chủ tịch CLB Hanoi Triathlon Club) là ủy viên thường vụ.
Sự ra đời của Liên đoàn Triathlon Việt Nam và việc gia nhập Liên đoàn Triathlon Thế giới được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội cho các vận động viên (VĐV) 3 môn phối hợp (bơi - đạp - chạy) của Việt Nam được đào tạo bài bản, nâng cao trình độ chuyên môn, cọ xát tại các giải đấu thuộc hệ thống Triathlon thế giới, góp phần đưa Triathlon trở thành một trong những bộ môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam trong tương lai, hướng tới mục tiêu tham dự ASIAD và Olympic.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục TDTT, nhấn mạnh: Chúng tôi đề nghị liên đoàn tiếp tục phối hợp sâu sát với các địa phương để thúc đẩy tìm kiếm và đào tạo thế hệ VĐV trẻ có chuyên môn, có phẩm chất, hướng tới mục tiêu phát triển phong trào và nâng cao thành tích. Cục TDTT tin tưởng ban chấp hành sẽ là một tập thể lớn mạnh và đoàn kết, từng bước góp phần đẩy mạnh thể thao nước nhà nói chung và bộ môn 3 môn phối hợp nói riêng.
Dù mới phát triển tại Việt Nam nhưng Triathlon, một môn thể thao Olympic (còn được biết đến là môn thi tổng hợp bơi lội - đạp xe - chạy bộ) đã nhanh chóng thu hút được một cộng đồng VĐV chuyên nghiệp và phong trào khá đông đảo, nhất là trong các cuộc thi Ironman tại Đà Nẵng và Phú Quốc.
Tại SEA Games 30 (năm 2019), lần đầu tiên, đoàn thể thao Việt Nam có VĐV 3 môn phối hợp tranh tài. Tuy nhiên, các VĐV này hầu hết là VĐV phong trào, phải tự túc chi phí thi đấu. Đến các kỳ SEAGames 31 và 32, Việt Nam đã xuất sắc giành được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về bộ môn này.
“Từ đại hội này trở đi, liên đoàn kỳ vọng bộ môn Triathlon sẽ có sự phát triển vượt bậc tại Việt Nam. Các thành viên ban chấp hành đều là những người yêu bộ môn thể thao này và sẽ thực hiện các công tác mà liên đoàn giao phó dựa trên tình yêu đó. Chúc cho tất cả chúng ta sẽ được gặp nhau trên đường đua, gặt hái thật nhiều thành công cho bộ môn này tại Việt Nam, và xa hơn là ghi dấu trên bản đồ Triathlon quốc tế”, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Liên đoàn Triathlon Việt Nam, Tổng giám đốc VNG, nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 5-2022, Ban vận động VTRIF cũng đã nhận 1 tỷ đồng tài trợ từ VNG nhằm hỗ trợ kinh phí cho các VĐV và thành viên ban vận động phối hợp tập luyện và thi đấu, tổ chức thành công sự kiện Triathlon của SEAGames 32 tại Tuần Châu (Quảng Ninh), được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao. Năm 2015, VNG cũng là đơn vị làm việc với Nhà tổ chức World Triathlon Corporation để lần đầu tiên đưa mô hình thi đấu Ironman về Việt Nam với tên gọi VNG Ironman 70.3, đồng thời là đơn vị tài trợ cho sự kiện này nhiều năm liên tiếp.
Số lượng VĐV Việt Nam tham gia giải đấu khắc nghiệt này cũng tăng mạnh qua các năm, từ 20 VĐV năm 2015 lên hơn 1.200 VĐV năm 2023. Riêng VNG, đến nay đã có hơn 200 nhân viên công ty tham gia tập luyện và trở thành VĐV 3 môn phối hợp, tích cực tham gia các giải đấu Triathlon trên cả nước, góp phần lan tỏa cộng đồng Triathlon tới nhiều doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam.