Khối rubik của HLV Miura

HLV  Miura không đưa Công Phượng vào sân ở trận giao hữu tuyển Việt Nam với CHDCND Triều Tiên hôm 17-5, hôm sau cầu thủ này mới được ra sân trong trận giao hữu giữa U.23 và Hải Phòng.

Ông bày tỏ quan điểm: “Đội tuyển Việt Nam hiện nay có những chân sút rất tốt. Công Vinh, Hải Anh, Văn Quyết, hay một vài cầu thủ nữa đều có thể đảm nhận vai trò săn bàn tốt hơn Mạc Hồng Quân hay Công Phượng. Vì thế, cơ hội để 2 cầu thủ này tại đội tuyển Việt Nam, ít nhất là ở trận đấu sắp tới gặp Thái Lan là không nhiều”. Tuy nhiên, việc ông bổ sung thêm 5-7 cầu thủ U.23 lên tuyển không phải chỉ là sự lắp ghép chiếu lệ, ít nhất 3 cầu thủ có thể ra sân thi đấu, đó là Quế Ngọc Hải, Mạc Hồng Quân và Võ Huy Toàn. Như vậy, ghi tên Công Phượng vào danh sách cũng là cách ông HLV Miura công nhận năng lực của cầu thủ này đã đạt đến tiêu chuẩn của một tuyển thủ quốc gia.

Nhìn bề ngoài, tưởng chừng như HLV Miura đang bối rối về việc sử dụng người nhưng kỳ thực, ông đang áp dụng đúng mô hình nhân sự của các HLV chuyên nghiệp như cách mà Calisto đã làm trước đây. Đưa Công Phượng vào danh sách là kiểu thông điệp “ai cũng có cơ hội”, tuy nhiên việc dùng Công Phượng ở mức tối thiểu là thông điệp khác: “Chỉ có những người đủ chất lượng mới được ra sân”. Người ta có cảm giác HLV Miura đang xoay rubik ở 2 đội tuyển, bất kỳ miếng ghép nào cũng có giá trị riêng và bản thân ông sẵn sàng thử nghiệm khi có cơ hội.

Ở góc độ khác, người hâm mộ có quyền yên tâm khi HLV Miura cho thấy ông đã có sẵn bộ khung cho SEA Games 28, đó chính là những cầu thủ được bổ sung cho tuyển quốc gia tại trận đấu với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018. Có thể nói, chưa có kỳ SEA Games nào mà đội U.23 lại sở hữu đội hình giàu kinh nghiệm, nhiều tuyển thủ quốc gia đến thế. HLV Miura đã khéo léo “ép” những tuyển thủ quốc gia trẻ tuổi ấy đến một sự chờ đợi đủ để họ khao khát thể hiện mình hơn trong màu áo U.23 tại SEA Games 28.

Cách làm thì phức tạp nhưng phương pháp của HLV Miura thì lại rất khoa học.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục