Khi bóng đá trở thành... sô diễn

Trận thua tan tác của đội tuyển nam futsal trong trận chung kết hôm qua đã biến chiến thắng “kỳ tích” trước những nhà vô địch thế giới Brazil tại giải giao hữu tại TPHCM trở thành một… sô diễn không hơn không kém. Điều đáng nói là đó không chỉ là sô diễn duy nhất.
Khi bóng đá trở thành... sô diễn

Trận thua tan tác của đội tuyển nam futsal trong trận chung kết hôm qua đã biến chiến thắng “kỳ tích” trước những nhà vô địch thế giới Brazil tại giải giao hữu tại TPHCM trở thành một… sô diễn không hơn không kém. Điều đáng nói là đó không chỉ là sô diễn duy nhất.

Khi bóng đá trở thành... sô diễn ảnh 1

Thất bại đậm 1-8 trước Thái Lan càng tô đậm “sô diễn” chiến thắng của futsal Việt Nam trước nhà vô địch thế giới Brazil. Ảnh: Nhật Anh

Có vẻ như trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ngày càng đánh mất lòng tin nơi người hâm mộ, “chộp” được cơ hội nào thì người ta lập tức biến nó trở thành cái gì đó… lấp lánh. Câu chuyện của U19 là một ví dụ. Trận thắng Brazil ở môn futsal là một ví dụ khác. Thậm chí ngay chuyện đội tuyển nữ vào chung kết SEA Games 27, cũng là cơ hội để người ta biến thành một sự kiện đặc biệt.

Công bằng mà nói, những sự kiện đặc biệt nếu có làm cho nó trở thành khác biệt, cũng là điều bình thường. Vấn đề là dường như một vài khía cạnh chuyên môn bị gạt sang một bên, thay vì đánh giá một cách cho đúng tầm mức thì người ta cố tình “đẩy” nó lên một tầm mức khác, như thể để che giấu một sự việc khác không được như kỳ vọng.

Trên thực tế, những cái gọi là “chiến tích” vừa qua của bóng đá Việt Nam chẳng giải quyết được chuyện gì của thực trạng nền bóng đá. Chiến thắng trước Brazil chẳng cứu nổi một đẳng cấp còn quá xa so với futsal Thái Lan. Thành công của U19, như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, cũng chỉ là một chút hy vọng từ một cách làm, cũng chẳng đại diện cho toàn bộ bóng đá trẻ Việt Nam. Đấy là chưa nói, từ U19 đến một đội bóng trưởng thành không hề đơn giản trong việc duy trì thành công.

o0o

Nhưng “sô diễn” kỳ công nhất chính là quá trình chuẩn bị của đội U23. Gần 20 trận đấu giao hữu, chỉ có các trận đấu tại BTV Cup là còn được đánh giá tốt về chuyên môn, số còn lại không có nhiều giá trị khi mà các đối thủ của đội U23 đều “làm nền” cho một đội bóng chỗ nào cũng yếu nhưng ông HLV lại chẳng biết làm gì để sửa chữa những điểm yếu đó chỉ vì không ai chỉ ra cho ông thấy.

Trong quá trình chuẩn bị ấy, những nhà làm chuyên môn của VFF cứ xoa tay hài lòng, cứ như thể mọi thứ đã hoàn hảo. Đến khi biết là không ổn, lại bày ra chuyện đình chỉ chức vụ HLV rồi sau đó phục chức. Không thành công trong việc “thay ngựa giữa dòng”, mới có thêm màn chia tay đầy cảm động của người đứng đầu VFF mà người ta nói chẳng qua đó là “hạ cánh an toàn”.

Ai cũng biết, về bản chất bóng đá Việt Nam chẳng có cái gì tốt cả. Nó đang thụt lùi và suy giảm niềm tin đến mức đáng sợ. Thay vì tìm cách để chấn hưng, người ta nghĩ nhiều đến việc che giấu. Thay vì phải cải tổ bộ máy, người ta lại chăm chăm việc tìm người đứng đầu. Một giải nội địa tan tác vì không có tiền, thiếu chất lượng lại được che mờ bởi thành công của U19 với những lời hứa hẹn kiểu như “đây là tương lai của bóng đá Việt”.

Trong suốt quá trình đó, không ai tại VFF dám nói thật về bản chất của nền bóng đá mà họ quản lý. Thậm chí, họ còn vỗ tay tán thưởng những “sô diễn” được dàn dựng rất khéo léo vốn để dành cho một “sô diễn” lớn hơn vào kỳ đại hội 7 năm sau.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục