Hơn nhau ở cơ chế

Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5 (ABG5) là sự kiện gần nhất để các tuyển thủ trông chờ vào thưởng sau thành tích thi đấu. Với những người đã giành HCV, HCB, HCĐ thì mức thưởng theo quy định của Nhà nước nên họ sớm nhẩm tính mình sẽ được thưởng bao nhiêu. Tuy nhiên, một điều mà nhiều HLV, VĐV mong mỏi chính là phần thưởng từ đơn vị địa phương của mình đối với thành tích ấy.

Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5 (ABG5) là sự kiện gần nhất để các tuyển thủ trông chờ vào thưởng sau thành tích thi đấu. Với những người đã giành HCV, HCB, HCĐ thì mức thưởng theo quy định của Nhà nước nên họ sớm nhẩm tính mình sẽ được thưởng bao nhiêu. Tuy nhiên, một điều mà nhiều HLV, VĐV mong mỏi chính là phần thưởng từ đơn vị địa phương của mình đối với thành tích ấy.

Rõ ràng, thưởng mang về niềm vui có tiền vào tài khoản là một chuyện. Điều những người làm thể thao mong chờ hơn là nếu địa phương của mình làm lễ vinh danh mừng công cũng có nghĩa thành quả thi đấu của họ được ghi nhận. Điều đấy, giới thể thao mong mỏi đáng kể. Ngay sau ABG5, những đơn vị như Quảng Ninh hay Đà Nẵng đã làm lễ vinh danh trao thưởng ngay cho các HLV, VĐV của mình đã giành kết quả ở đại hội. Quảng Ninh chi thưởng tới 75 triệu đồng cho một tấm HCV còn Đà Nẵng thưởng các mức 25 triệu đồng, 12,5 triệu đồng, 10 triệu đồng tương ững mỗi HCV, HCB, HCĐ tại ABG5. Phần thưởng tiền như vậy vô cùng quý và ai nấy đều hồ hởi vì vừa đấu xong, có thành tích đã được thưởng ngay.

Võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (giữa) giành HCV môn Kurash hạng cân 52 kg. Ảnh: Anh Tài

Tới đây, chắc chắn nhiều địa phương, thành phố lớn có VĐV giành thành tích tại ABG5 cũng tổ chức lễ vinh danh. Không ít lần, giới thể thao (giữa VĐV, HLV với nhau) luôn so sánh cách thưởng của 2 đơn vị mạnh nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM. Hẳn nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng vì mỗi nơi có cơ chế khác nhau và tất cả chỉ mang tính tham khảo. Thể thao Hà Nội luôn giữ vai trò đứng đầu cả nước. ABG5 này, quân số VĐV, HLV của thể thao Hà Nội tham gia trong các đội tuyển không ít và thành tích HCV, HCB, HCĐ của đơn vị này rất đáng kể. Dù vậy, HLV và VĐV của Hà Nội vẫn chưa biết liệu mình có được đơn vị chủ quản thưởng hay không. Có thể sẽ có. Nhưng, chưa ai đoán chắc điều này và khi nào được thực hiện. Quân số đông đảo như vậy nhưng mức thưởng của thể thao Hà Nội cho VĐV là ít. Thi đấu giải VĐQG của các môn, mức thưởng quy định mà thể thao Hà Nội dành cho VĐV nếu dành HCV, HCB, HCĐ chỉ là 3 triệu đồng, 2 triệu đồng, 1 triệu đồng tương ứng.

Không ít tuyển thủ của đơn vị này chỉ cười và ngậm ngùi mỗi khi nhận về tiền thưởng như vậy. Còn nhớ, SEA Games 28-2015, VĐV Hà Nội đạt số huy chương chiếm tới 1/3 thành tích tổng đoàn Việt Nam. Dù vậy, thưởng của tuyển thủ Hà Nội cũng khá ít, chỉ chừng 6 triệu đồng, 4 triệu đồng, 2 triệu đồng cho mỗi HCV, HCB, HCĐ. Thành ra, bản thân tuyển thủ Hà Nội mỗi khi lên đội tuyển và được đi dự các đại hội thể thao lớn đều thấy tủi thân vì biết được nhiều địa phương khác đãi ngộ lương, thưởng cho VĐV luôn gấp 9, 10 lần so với mình. Theo tìm hiểu, Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội cùng Sở VH-TT Hà Nội đang xây dựng dự thảo chế độ mới dành cho các HLV, VĐV thể thao.

Tín hiệu mừng là các mức thưởng trong bản dự thảo được lãnh đạo thành phố yêu cầu phải cao (ít nhất bằng với quy định của Nhà nước) thì mới ghi nhận được đúng đắn công sức mà VĐV, HLV bỏ ra. Tuy nhiên, bản dự thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng và khi nó hoàn tất trình tới lãnh đạo thành phố thì mọi người hy vọng tạo được một cơ chế mới cho lĩnh vực thể thao thủ đô. Người làm thể thao tại Hà Nội biết rằng, tiền dành cho thưởng trong thi đấu đạt kết quả không phải không thể “phá cách” nhưng mấu chốt nằm ở người quản lý đứng đầu. Khi người quản lý (ở đây vai trò của lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội quan trọng nhất) thấy thể thao là lĩnh vực quan trọng phải phát triển đúng người đúng việc thì sự đầu tư và thay đổi cơ chế mới được hanh thông.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục