Federer và ký ức dễ thương

Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) vừa cho xuất bản một cuốn kỷ yếu để giới thiệu lại về quãng đường phát triển của quần vợt kể từ khi trở thành một môn thể thao chính thức của các kỳ Olympic suốt từ Thế vận hội Seoul 1988 cho đến nay – chuyến hành trình kéo dài 28 năm trời. Cuốn kỷ yếu mang tựa đề: “Cuộc đời của tôi, Huy chương của tôi” tiết lộ lại nhiều kỷ niệm và ký ức đầy màu sắc, không kém phần dễ thương nhưng cũng có những góc khuất “đổ mồ hôi sôi nước mắt” của nhiều tay vợt chuyên nghiệp ở đấu trường Olympic, giải đấu không còn dành riêng cho những VĐV nghiệp dư nữa.

Với cựu số 1 nam thế giới người Thụy Sỹ – Roger Federer – người đã đạt không ít thành công ở đấu trường Olympic, dù thành tích ở đây của anh thua kém rất nhiều so với thành tích tại Grand Slam, nơi anh vẫn giữ “ngai thống trị” với 17 danh hiệu vô địch, Thế vận hội thậm chí là nơi rất thú vị không chỉ mang tính tranh đấu, mà đó còn là nơi anh lần đầu gặp mặt Mirka Vavrinec, người sau này trở thành bạn đời tuyệt vời của anh. Đó là ở Olympic Sydney 2000, nơi Federer (khi đó vẫn còn đang là một tay vợt trẻ giàu triển vọng) đã “làm một cuộc phiêu lưu kỳ thú” đến tận bán kết trước khi thúc thủ trước Tommy Haas (Đức). Sau đó, trong trận tranh HCĐ, Federer tiếp tục để thua Arnaud di Pasquale (Pháp) sau 3 ván đấu, đánh mất cơ hội giành được tấm huy chương Olympic đầu tiên trong sự nghiệp.

Roger Federer.

Federer – người đã thắng tấm HCV đôi nam ở Olympic Beijing 2008 (đánh cặp cùng với Stan Wawrinka trong trận chung kết) và HCB đơn nam ở Olympic London 2012 (thua Andy Murray sau vỏn vẹn 3 ván đấu trong trận chung kết) – kể lại cái ký ức dễ thương của mình hồi 16 năm trước. Sau khi gặp nhau buổi đầu tiên trong tư cách là đồng đội trong đội hình tuyển quần vợt Thụy Sỹ, cả 2 nhanh chóng kết thân và trở thành bạn bè. Thế rồi, Federer lại nhận ra rằng, tình cảm giữa họ còn lớn hơn cả tình bạn. Federer đã nghĩ rất nhiều về tình cảm mà Mirka dành tặng cho anh. Ở Sydney 2000, Mirka đã bị loại từ rất sớm, cô để thua ngay ở vòng đấu đầu tiên trước Elena Dementieva (người sau đó lọt đến tận trận đấu chung kết trước khi thất thủ trước Serena Williams, đành chấp nhận HCB). Tuy vậy, Mirka không sớm quay về Thụy Sỹ, cô vẫn kiên nhẫn ở lại với giải đấu, để xem Federer tranh tài, cho đến khi anh này chơi xong trận tranh HCĐ, Mirka luôn cổ vũ hết mình cho Federer. Federer hồi tưởng: “Chúng tôi nhận ra rằng, tình cảm của chúng tôi còn hơn cả tình bạn bè, và tôi rất hạnh phúc khi mọi chuyện đã phát triển theo hướng ấy, hướng tình yêu lứa đôi”.

Federer và Mirka, sau Olympic 2000, nhanh chóng trở thành “một cặp đôi hoàn hảo, nhưng không hề ồn ào”. Cùng với nhau, họ vượt qua những ngày tháng giông bão, cùng với nhau, họ dắt tay nhau bước vào cái kỷ nguyên khi Federer trở thành một tay vợt vĩ đại, một huyền thoại sáng ngời. Dù “vật đổi, sao dời”, tình yêu của Federer dành cho Mirka vẫn là bất biến, bất chấp việc anh trở thành một trong những người đàn ông hấp dẫn nhất hành tinh, được nữ giới hâm mộ rất nhiều. Tháng 11-2009, 9 năm sau lần đầu gặp gỡ, Federer và Mirka kết duyên vợ chồng. Giờ đây, họ đang rất hạnh phúc khi là cha mẹ của 2 cặp sinh đôi cực kỳ kháu khỉnh. Tất cả mọi thứ, đều được xây dựng từ một phút giây ngắn ngủi ở Olympic, đấu trường mà Novak Djokovic luôn miêu tả “là nơi vinh danh những giá trị của con người”. Với Federer, cái khoảnh khắc anh giáp mặt Mirka, có khi còn là tấm huy chương đáng giá hơn những chiếc HCV, HCB mà anh từng thắng được, có thể xem, khoảnh khắc đó là tấm huy chương… kim cương chẳng hạn.

Olympic còn là nơi gợi nhớ lại cho Federer về tình đồng đội giữa anh và Wawrinka, người đã cổ vũ anh rất nhiều sau nỗi thất vọng của trận thua James Blake ở tứ kết đơn nam. Khi đó, nếu không có Wawrinka ở kế bên, biết đâu, Federer vẫn là “kẻ trắng tay với niềm hy vọng Vàng” ở đấu trường Olympic. Nhớ lại và suy nghĩ, Federer nói: “Những lời động viên, lên giây cót tinh thần mà Stan dành tặng cho tôi thật sự đã khiến tôi khôi phục lại niềm tin. Bởi vì tôi đã kỳ vọng rất nhiều vào bản thân trong việc thắng một tấm huy chương ở nội dung đơn nam nhưng lại không thể. Stan giống như là: “Chuyện đã như vậy rồi, thì phải ráng lên thôi, hãy cùng nhau vượt qua chuyện này và chơi tốt ở giải đôi nam nhé”.

Federer cũng kể một câu chuyện thú vị giữa anh và Del Potro ở Olympic London 2012. Số là, Federer đã đánh bại tay vợt người Argentina (người từng thắng anh ở chung kết US Open 2009) với điểm số 19-17 trong ván quyết định của trận bán kết. Sau đó, Federer tiến vào trận chung kết tranh HCV với Murray (và anh đã thua rất chóng vánh, một kết quả mà có tin đồn cho rằng anh đã “nhường” Murray), còn Del Potro đấu trận tranh HCĐ với Djokovic. Sau khi kết thúc trận đấu, Federer không biết rằng Del Potro đã thắng Djokovic, anh tính toán rằng… tay vợt người Argentina đã thua. Tôi hỏi cậu ấy: “Cậu như thế nào rồi”. Del Potro nói rằng cậu ấy đã thắng. “Tôi nghĩ, điều tuyệt vời là giành HCB, và tôi hạnh phúc khi Andy thắng HCV (!?). Tôi cũng vui khi Del Potro giành HCĐ. Cả 3 chúng tôi luôn giữ liên lạc thường xuyên kể từ ngày đó (đây là giọng điệu rõ ràng của một người rất ghét Nole, dù anh chưa từng chính miệng thừa nhận chuyện này)”, Federer thổ lộ.

Đỗ Hoàng

Tin cùng chuyên mục