Được chê

Lướt qua nhiều cái tít như “Báo Anh chê tơi tả bóng đá Việt Nam”, “Báo Anh chê bai V-League nặng nề”… ai cũng tò mò và có chút đồng cảm bởi những tồn tại của một nền bóng đá vùng trũng thì ai cũng hiểu. Nhưng đẩy vấn đề lên thành quá mức lại cho thấy việc tiếp cận thông tin, không chỉ riêng lĩnh vực bóng đá, hiện có “vấn đề”, bởi thực tế bài báo của tác giả Thomas Barrett đăng trên Guardian là cảm nhận của một người đến Việt Nam trong thời gian ngắn, không khác mấy với những cảm nhận của một du khách về một vùng đất mới.

Chắc hẳn tác giả cũng biết chẳng thể đem giải ngoại hạng Anh ra so sánh với V-League mà không thấy khập khiễng. Khán giả Việt mê bóng đá Anh là điều quá dễ hiểu, bởi đó là nơi hội tụ của hầu hết các ngôi sao thế giới. Và đó cũng là say mê của hàng tỷ khán giả trên toàn cầu chứ nào đâu ở xứ này. Và khi đã xem Premier League thì hỏi sao mà không ngán V-League, nó cũng tương tự như xem một bộ phim bom tấn Hollywood rồi đem so sánh với bộ phim hài chọc cười vào mỗi dịp tết của các nhà sản xuất trong nước vậy.

Câu chuyện hàng nhái, hàng giả cũng chẳng có gì mới lạ. Ngoài châu Âu, Mỹ và một số nước tiên tiến ra thì chắc hẳn không nhiều câu lạc bộ bóng đá sống được và thu lợi qua kinh doanh sản phẩm như áo thi đấu, vật dụng, đồ lưu niệm… Ngay như CLB Hoàng Anh - Gia Lai mấy mùa trước đã muốn đi theo con đường của các câu lạc bộ lớn, bán vé từng mùa có ghế ngồi cố định, bán áo thi đấu hàng xịn… nhưng rồi cũng ngắc ngứ. Bóng đá chưa phát triển đủ mức để người ta dám bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm của câu lạc bộ, đó là chưa nói chất lượng thi đấu bấp bênh từng mùa. Ngay cả chuyện tài trợ áo đấu cho cầu thủ, theo HLV Lê Thụy Hải thì những bộ đồ thi đấu hàng hiệu in trên áo cũng chỉ là loại 3 loại 4 chứ không phải hàng xịn như nước ngoài… Rồi chuyện V-League là giải đấu được xếp vào một trong các giải đấu tệ nhất cũng không xa lạ gì. Nói chung, một bài viết dài mang đầy tính cảm nhận của một người mới đến và có quan tâm tìm hiểu, thậm chí là có tình cảm với bóng đá Việt Nam.

Nhưng những vấn đề đặt ra trong bài báo sẽ tiếp tục có ý nghĩa trong quá trình khắc phục khiếm khuyết để phát triển của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam. V-League đã có hàng chục năm kinh nghiệm, chưa hẳn dài nhưng cũng không phải quá ngắn để một giải đấu có thể định hình và phát triển. Thế nhưng, có vẻ như VFF vẫn chưa nhìn thấy một mô hình nào phù hợp nhất để đưa V-League trở thành giải đấu có chất lượng và độ tin cậy cao. Rồi định hướng chiến lược bao gồm các cấp độ để định hình cho một nền bóng đá phát triển vẫn còn là điều khá mờ mịt. Ngoài ra, phát triển bóng đá trong giai đoạn mà thông tin sôi động như hiện nay thì ngoài chuyên môn ra, đòi hỏi những người có trách nhiệm còn có bản lĩnh đương đầu. Bộ máy VFF đoàn kết, tỉnh táo, đi đúng lộ trình sẽ tốt hơn là nay đi học Đông, ngày kia đi học Tây, rồi sau đó có thể dễ dàng xóa hết để đi theo một hướng khác chỉ vì áp lực dư luận, nhất là bệnh thành tích có vẻ như “hết thuốc chữa” hiện nay.

“Sẽ rất đáng tiếc nếu V-League không thể vượt lên trên quá khứ rắc rối của nó, để tìm lại sự ủng hộ từ những cổ động viên đang thiếu niềm tin nhưng có thừa nhiệt huyết”, lời kết trong bài báo của Thomas Barrett này rất mang tính xây dựng. Rất mong tất cả mọi người yêu bóng đá, muốn bóng đá Việt Nam phát triển đều cùng bắt tay xây dựng chứ đừng vội tự ti về những gì mình có được.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục