Đừng để bầu Tú cô đơn

1. Cái cảnh những khán đài trống vắng ở lượt đi giải vô địch futsal toàn quốc vừa kết thúc có lẽ không khiến ông Trần Anh Tú - “ông bầu của futsal Việt Nam” – thấy buồn. Đơn giản bao nhiêu năm qua, nó đã thế. Chỉ có điều, sau kỳ tích World Cup của futsal mà bầu không khí lại tĩnh lặng như vậy, cũng không thể tránh được một nỗi buồn. Nói đúng hơn, một chút cô đơn với những người như bầu Tú.

Người ta hay nói: muốn phong trào phát triển thì đỉnh cao phải có thành tích. Nhưng tại sao ở futsal, chúng ta đã có kỳ tích thế mà không kéo nổi phong trào lên, dù chỉ là sự hiếu kỳ của người hâm mộ. Thật ra, bản chất vấn đề không phải nằm ở chuyện phong trào có trước hay đỉnh cao phải có thành tích, cốt lõi vẫn nằm trong 2 từ: Đam mê.

Bầu Tú (thứ 2 từ trái qua) vẫn thầm lặng đóng góp cho futsal Việt Nam trong suốt 10 năm qua.
Ảnh: Quang Thắng

Bóng đá Việt Nam có rất nhiều người khi nói đến, vẫn bảo mình có đam mê. Thực ra, chẳng ai biết đó là đam mê kiểu gì, đơn giản vì chẳng ai chịu thể hiện bằng hành động. Cứ nhìn futsal thì biết, không đam mê thì chắc ông Tú chẳng chịu nổi cảnh 10 năm ngồi một mình trên khán đài VIP để xem các trận đấu vắng khán giả. Ấy thế nhưng, cũng 10 năm qua, chẳng thấy ai đi cùng ông Tú trên con đường ấy mặc dù chính ông từng thừa nhận: Làm futsal cũng có hiệu quả kinh doanh lắm, thế nên mới có chuyện Thái Sơn Nam bỏ tiền “bao” trọn gói các giải đấu, hỗ trợ cho nhiều đội “đá cho vui”. Thế nhưng, vẫn chẳng ai làm theo. Điều này, bầu Tú cũng đành chịu, không lý giải được.

2. Bóng đá Việt Nam hoàn toàn không thiếu những người như bầu Tú, chỉ có điều, số lượng ngày càng ít. Trước khi trách tại sao các doanh nhân không đam mê đến cùng với bóng đá, thì nền bóng đá hãy tự trách mình.

Ví dụ như tại các địa phương, điều đầu tiên người ta nghĩ khi tìm một doanh nghiệp để chuyển giao đội bóng, đó là túi tiền thay vì phải xem thử ông chủ của doanh nghiệp đó có mê bóng đá hay không. Đây là lý do mà khi Cà Mau không đủ tiền để đá hạng Nhất, việc đầu tiên người ta làm đó là xin giải thể. Đơn giản vì họ tìm chẳng ra người có tiền để chuyển giao trong khi có một cách dễ dàng hơn đó là thay vì tìm 1 người có nhiều tiền thì hãy tìm nhiều người ít tiền nhưng cùng đam mê.

Rồi cái thời V-League hưng thịnh những năm 2005-2010 cũng vậy. Hàng chục doanh nghiệp nhảy vào bóng đá nhưng tuyệt đối không thấy ai nghĩ ra cách giữ chân họ ở lại. Tiền hết thì người cũng đi. Những người ở lại như bầu Hiển thì ai cũng biết, vì ông này mê bóng đá quá, đến mức mua luôn 4-5 đội cùng lúc.

Trở lại với câu chuyện của bầu Tú. Những lúc ngồi một mình trên khán đài, liệu ông có cô đơn không? Chúng tôi nghĩ là không, nếu như tâm trí của ông khi đó chỉ tập trung vào trận đấu. Bóng đá khi đó là một niềm vui mang tính cá nhân, không nhất thiết phải đông đảo, hội hè, chúc tụng.

Chỉ có điều, niềm vui rồi cũng cần được chia sẻ, đó chính mới là nỗi cô đơn thật sự của bầu Tú.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục