Kể ra, nói như HLV Vũ Ngọc Lợi, nếu cô học trò xuất sắc nhất của ông – Nguyễn Thị Huyền (Vô địch SEA Games 29 ở các cự ly 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức) – không chia tay đội tuyển quốc gia hồi đầu năm để chăm sóc gia đình nhỏ, khả năng thành tích của tổ chạy tiếp sức đã vượt hơn tấm HCĐ mà các cô gái Nguyễn Thị Oanh, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng và Quách Thị Lan giành được tối 30-8.
Mặc dù đã đánh bại đối thủ Trung Quốc (HCĐ Asiad 2014), nhưng cái cảm giác hơi tiếc nuối vẫn xuất hiện trong lòng giới làm nghề, vì trên thực tế thông số thành tích 3 phút 33 giây 32 có thể còn được cải thiện nhiều hơn nữa nếu có thêm Huyền.
![]() |
Quách Thị Lan (7) thi đấu cự ly 4x400m nữ
Tấm HCĐ mà Vũ Thị Mến giành được ở nội dung nhảy 3 bước nữ cũng đầy ý nghĩa, vì đây là dấu ấn đầu tiên mà cô đạt được ở Asiad. Tuy thành tích 13m93 còn thua xa kỷ lục quốc gia mà cô đang nắm giữ (14m15), nhưng đấy cũng được xem như tấm huy chương quý giá mà cô đóng góp cho đội tuyển điền kinh Việt Nam.
![]() |
Vũ Thị Mến thi đấu nội dung nhảy 3 bước nữ

Trong ngày thi đấu 30-8, Việt Nam còn có thêm các VĐV Nguyễn Thị Oanh thi đấu chung kết cự ly 1.500m nữ, Nguyễn Văn Lai dự chung kết 5.000m nam và tổ chạy tiếp sức 4x100m nữ (Lưu Kim Phụng, Hà Thị Thu, Lê Thị Mộng Tuyền và Lê Tú Chinh) nhưng không giành được thêm tấm huy chương nào.
Điền kinh Việt Nam đã khép lại cuộc tranh tài ở Asiad 2018 với những ấn tượng nhất định, và người mang lại nhiều cảm xúc nhất chính là cô gái vàng Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ. Sở hữu 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ có thể xem là bước tiến đáng nể của điền kinh Việt Nam ở đấu trường châu, thành tích mà từ trước đến nay chúng ta chưa từng chạm đến.
![]() |
Vũ Thị Mến vui mừng với HLV Nguyễn Mạnh Hiếu sau khi đoạt HCĐ