Điền kinh: Lê Tú Chinh không thể vào chung kết 100m nữ

Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng dường như đấu trường Asiad 2018 đang trở thành thách thức khó vượt qua đối với nhà vô địch SEA Games 29 Lê Tú Chinh, vì ở cuộc giành vé vào chung kết cự ly 100m nữ diễn ra tối 26-8, cô chỉ về đích ở vị trí thứ 12/18 VĐV góp mặt…

Đấu trường Asiad 2018 thực sự là thử thách lớn đối với Lê Tú Chinh (841). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đấu trường Asiad 2018 thực sự là thử thách lớn đối với Lê Tú Chinh (841). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lê Tú Chinh xuất phát khá tốt sau phát súng lệnh ở đợt chạy bán kết 100m nữ, nhưng chỉ sau vài thước tràn lên phía trước, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đã để các đối thủ Wei Yongli (Trung Quốc, đương kim HCV Asiad), Edidiong Odiong (Bahrain), Liao Yanjun (Đài Bắc - Trung Hoa) và thậm chí là bại tướng của mình ở SEA Games là Zulkifli Zaidatul (Malaysia) qua mặt.

Có vẻ như Tú Chinh chưa hết “ngợp” vì đấu trường Asiad quá rộng lớn, khác hẳn cuộc đua nhàn tản ở khu vực. Thêm vào đó, việc chứng kiến các đối thủ cực mạnh đạt thông số thời gian cách quá xa so với mình cũng là điều khiến Tú Chinh ngán ngẩm. Cô chạy vòng bán kết đạt 11 giây 76, đứng thứ 5 của một đợt chạy nên không đủ điều kiện lọt vào chung kết.

Lê Tú Chinh (bìa phải) chuẩn bị thi đấu bán kết 100m nữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây không phải là điều quá bất ngờ, vì như đã nói, Lê Tú Chinh mới chỉ vừa đặt chân sang Mỹ tập huấn được chừng 4 tháng. Chưa kể trong khoảng thời gian đó, theo ông Mai Bá Hùng (Phó  Giám đốc Sở VH-TT TPHCM), Tú Chinh phải đổi đến 3 vị chuyên gia huấn luyện chuyên môn, thành thử cô chỉ vừa làm quen với người thầy này chưa lâu đã phải chia tay, ảnh hưởng rất lớn đến giáo án tập huấn cũng như tốc độ phát triển của cô gái 21 tuổi này. Chưa kể Tú Chinh đang trong giai đoạn điều chỉnh và thậm chí thay đổi một số kỹ thuật cho các cự ly tốc độ nên thành tích sẽ không được như ý muốn.
Xuất phát khá tốt, Tú Chinh gây sức ép lên các đối thủ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thất bại ở cự ly 100m nữ, nhưng cái được dành cho Tú Chinh là những bài học lớn, từ chính các đối thủ hàng đầu châu Á và nghiệm ra mình hãy còn quá nhỏ bé khi “mở cửa bước ra thế giới” và cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn gấp bội nếu muốn vươn tới thành công trong tương lai.
Tiếc là Tú Chinh không thể lọt vào tốp 3 VĐV đầu tiên của đợt chạy để thi đấu chung kết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngành TDTT TPHCM vẫn kiên quyết đầu tư dài hạn cho Lê Tú Chinh, vì đây mới là giai đoạn đầu trong cả kế hoạch dài hơn dành cho VĐV chạy cự ly tốc độ xuất sắc nhất của mình. Hy vọng rằng, Asiad 2018 sẽ trở thành động lực giúp Tú Chinh nhìn về phía trước một cách lạc quan và tự tin hơn. Đường đua tốc độ tuy ngắn, có khi chỉ 100 hoặc 200m, nhưng lại vô cùng dài và khốc liệt đối với những người làm chuyên môn điền kinh và bản thân của chính VĐV đó.

*Ở ngày thi đấu 26-8, điền kinh Việt Nam có VĐV Nguyễn Thị Hằng góp mặt ở chung kết cự ly 400m nữ, nhưng cô thi đấu không thành công và chỉ về đích ở vị trí thứ 8 với thông số 54 giây 30. Đây cũng là thời gian tốt nhất trong sự nghiệp của Hằng tính đến thời điểm hiện tại. Giành HCV cự ly 400m nữ là Salwa Naser (Bahrain, xuất thân từ Nigeria) với thời gian phá kỷ lục của Asiad là 50 giây 09.

Tin cùng chuyên mục