Như thừa nhận của Lê Hồng Quân và Trần Đức Danh - 2 võ sĩ giành HCB nội dung đôi nam, các võ sĩ nước chủ nhà luôn rất mạnh ở các nội dung quyền. Điều này cũng dễ hiểu vì Pencak silat là môn võ có xuất xứ từ xứ vạn đảo, chủ yếu phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Indonesia mạnh về quyền, đối kháng có phần nghiêng về Việt Nam, nhất là khi các võ sĩ của Việt Nam tiếp cận môn võ này rất nhanh và vẫn đang được đánh giá là đứng đầu về thành tích ở các hạng cân đối kháng, bất kể khi Pencak silat được đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games hay Asiad.
Hồng Quân và Đức Danh biểu diễn bài quyền đôi nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chính vì vậy, giới chuyên môn không tỏ ra quá bất ngờ khi Indonesia giành trọn 3 HCV ở các nội dung biểu diễn quyền diễn ra vào ngày 27-8. Cuộc chiến còn lại chỉ xoay quanh Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào. Chưa kể, việc chấm điểm theo cảm nhận của các trọng tài cũng phần nào đó giúp cho các võ sĩ nước chủ nhà nắm hoàn toàn quyền kiểm soát ở các bài quyền.
Các động tác được thực hiện thuần thục. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngoài tấm HCB mà đôi nam Hồng Quân/Đức Danh giành được sau bài biểu diễn được chuẩn bị khá công phu, thuần thục và có thẩm mỹ cao (nhận 562 điểm), Pencak silat cũng chỉ giành thêm được 1 tấm HCB nữa ở nội dung biểu diễn quyền đồng đội nam nhờ bộ ba Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Thành và Lưu Văn Nam (đạt 450 điểm).
Bài biểu diễn của các võ sĩ Việt Nam rất tốt. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đáng tiếc, ở nội dung biểu diễn quyền nữ, võ sĩ Vương Thị Bình thi đấu không thành công, lọt ra khỏi nhóm tranh chấp huy chương cùng với các đối thủ Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Nhưng chỉ nhận được HCB, xếp sau các võ sĩ nước chủ nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG