Đi về phía khát vọng

Có một điều rất đặc biệt đã xảy ra khi SEA Games 27 vừa khép lại, đó là lần đầu tiên, những đánh giá về SEA Games của các quan chức thể thao Việt Nam đều đọng lại nhiều trăn trở, cho dù đã hoàn thành đúng chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.

Có một điều rất đặc biệt đã xảy ra khi SEA Games 27 vừa khép lại, đó là lần đầu tiên, những đánh giá về SEA Games của các quan chức thể thao Việt Nam đều đọng lại nhiều trăn trở, cho dù đã hoàn thành đúng chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.

“Chúng ta có thể làm được”

Xin mượn thông điệp này của lễ bế mạc SEA Games 27 để nói về những thành tích ấn tượng của thể thao Việt Nam mà ở đó, 2 chiếc HCV của Vũ Thị Hương trên đường chạy tốc độ xứng đáng được xem là biểu tượng của khát vọng.

Có 2 chi tiết đáng nhớ: Thứ nhất, đây đã là kỳ SEA Games thứ 6 của cô gái xứ chè Thái Nguyên, tính từ lần đầu tiên Hương xuất hiện và đoạt HCĐ tại SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà. 6 lần dự giải, lần nào cũng có huy chương, trong đó có đến 7 HCV và 3 lần lập cú đúp ở 2 nội dung 100m và 200m tốc độ.

“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Không có VĐV nào tại khu vực Đông Nam Á có thể ổn định thành tích trong một thời gian dài đến vậy. Chi tiết thứ 2, đó là năm nay Hương mới 28 tuổi, vẫn còn có thể dự thêm SEA Games và đoạt thêm huy chương.

Hoàn toàn có thể tin vào điều đó nếu đã chứng kiến cách Hương tập luyện, vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp lẫn cuộc sống riêng, để trở lại một cách ngoạn mục trên đường chạy. Trong khi lâu nay điền kinh Việt Nam không mạnh ở các cự ly tốc độ.

Sau trường hợp của Vũ Bích Hường ở nội dung 110m rào (tại SEA Games 18) và Nguyễn Thị Tĩnh ở nội dung 200m (tại SEA Games 22) đều dành cho nữ, đến nay điền kinh Việt Nam chủ yếu “tấn công” vào các cự ly trung bình và dài. Điều này đồng nghĩa với việc Vũ Thị Hương chủ yếu tập một mình, đấu với chính mình, không có đối thủ cả trong lẫn ngoài nước (do hạn chế tập huấn).

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: NHẬT ANH

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Ảnh: NHẬT ANH

2 chiếc HCV “quý hơn vàng” của Vũ Thị Hương góp công lớn vào thành tích cao nhất của điền kinh Việt Nam tại một kỳ SEA Games với 10 HCV, đồng thời tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng chinh phục những cự ly tốc độ khác cho điền kinh Việt Nam.

Nhanh hơn nữa, khát khao hơn nữa

Thành công của Vũ Thị Hương còn được củng cố thêm bằng 3 HCV và 2 kỷ lục SEA Games trên đường đua xanh của kình ngư 17 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên. Điều này cho thấy, đã đến lúc thể thao Việt Nam có thể chuyển hướng đầu tư vào các môn thể thao có tính tranh đua thành tích, đúng tiêu chí “cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn” của phong trào Olympic.

Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 có sự đóng góp rất lớn từ các môn võ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 có sự đóng góp rất lớn từ các môn võ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đây cũng chính là lý do mà lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam khá hạn chế những đánh giá thành công đối với việc hoàn thành chỉ tiêu HCV tại SEA Games 27. Với tỷ trọng lớn HCV từ các môn võ, thành tích của thể thao Việt Nam vẫn chưa thật sự ổn định, trong khi chúng ta đang phải chuẩn bị cho Asiad 2019 tổ chức trên sân nhà.

10 năm kể từ khi lên ngôi số 1 tại SEA Games 2003, cơ cấu huy chương của thể thao Việt Nam không có nhiều thay đổi. Nếu ở môn bơi, đã xuất hiện một thế hệ VĐV trẻ thì môn điền kinh và nhiều môn thể thao cơ bản khác, khoảng trống vẫn còn đó ở tuyến kế thừa.

Nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam các kỳ SEA Games 24, 25, ông Nguyễn Hồng Minh, đánh giá thể thao Việt Nam không nhất thiết phải đạt mục tiêu vào tốp 3, thay vào đó, cần đi sâu vào chất lượng thi đấu.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: HOÀNG MINH

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: HOÀNG MINH

Lấy ví dụ, đoàn thể thao Malaysia chỉ đứng hạng 4 tại SEA Games 27 với 43 HCV, nhưng tất cả các môn có HCV đều nằm trong chương trình thi đấu Asiad và hơn phân nửa số huy chương đó thuộc nội dung thi đấu Olympic. Thế nên, nếu xét trên tiêu chí đẳng cấp thì đoàn Malaysia xứng đáng có mặt trong tốp 3, sau Thái Lan và Indonesia.

SEA Games 27 là một trải nghiệm đáng giá cho thể thao Việt Nam. Phía sau những phút giây tỏa sáng của Nguyễn Thị Ánh Viên, Vũ Thị Hương, Hoàng Xuân Vinh… cũng có không ít những giọt nước mắt tức tưởi của các VĐV tại các môn võ vốn chịu nhiều sức ép từ trọng tài và nước chủ nhà.

10 năm kể từ SEA Games 2003, thể thao Việt Nam đã hòa nhập và phát triển vượt bậc trên đấu trường Đông Nam Á, nhưng sẽ vô cùng lãng phí nếu những khát vọng của những người âm thầm một mình tập luyện như Vũ Thị Hương, Nguyễn Thị Ánh Viên… không trở thành nguồn cảm hứng để các nhà quản lý định hướng lại cách đầu tư nhằm tìm kiếm những chiến thắng rõ ràng hơn, thuyết phục hơn và được công nhận nhiều hơn.

QUỐC CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục