Đau đầu, nhớ kiểm tra… đôi mắt

Thuốc trị đau đầu hiện không thiếu, thừa là khác, nhưng đau đầu vẫn trước sau là nỗi khổ của nhiều người vì tiền cứ mất dài dài nhưng tật vẫn mang. Dễ hiểu vì nếu chỉ chữa triệu chứng thì tuy có hài lòng trước mắt nhưng bệnh sớm muộn cũng trở lại.

Thêm vào đó, vì quan điểm tượng hình theo kiểu “đau đâu chắc bệnh gần đó” nên người nay đau đầu mai căng đầu thường có khuynh hướng tìm xem trong đầu có gì trục trặc mà đau? Một số không ít bệnh nhân vì thế có trong tay xấp hình CT chụp phần đầu dày cộm nhưng chẳng khá gì hơn. Một số khác được, nói đúng hơn, bị điều trị viêm xoang, thoái hóa cột sống cổ, rối loạn tiền đình… tùy theo chẩn đoán mang định kiến của thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Ít ai lưu ý đến đôi mắt mặc dầu thầy thuốc đã biết rõ từ lâu về mối liên hệ giữa áp lực nội nhãn và cơn đau đầu! Không đau sao được nếu thủy tinh thể căng phồng (còn gọi là cườm nước) vì áp lực đẩy mạnh từ bên trong.

Kẹt ở điểm là dấu hiệu báo động phải chi rõ ràng thì đỡ biết mấy cho nạn nhân lẫn thầy thuốc. Thay vì đau mắt, đối tượng bị tăng áp lực nội nhãn thường là nạn nhân của tình trạng: 

* Đau đầu mỗi tháng hơn 10 ngày.

* Choáng váng khi đổi tư thế.

* Hồi hộp sau thời gian ngắn phải tập trung thị lực, như đọc sách chữ quá nhỏ, chơi game, làm việc với máy vi tính…

* Mỏi vùng ót kéo dài xuống bả vai, thậm chí tê 2 cánh tay sau vài giờ làm việc.

Khỏi nói thêm cũng hiểu nạn nhân không thể có cuộc sống với chất lượng và hiệu năng lao động học tập như mong muốn.

Đáng nói là bệnh nhân khi được khám mắt cho thấy: 

* Tăng áp lực nội nhãn dù hãy còn rất trẻ.

* Kết mạc quá khô nên thường xuyên là nạn nhân của bệnh viêm giác mạc.

* Mỏi điều tiết vì cần phải đeo kính mà chưa biết là mình đã cận thị hay loạn thị hoặc giảm thị lực vì 70% đang đeo kính lại dùng kính sai độ do lâu nay không đổi kính.

Đó là lý do tại sao y sĩ đoàn ở châu Âu từ lâu cảnh báo về mối nguy của “hội chứng tăng áp lực nội nhãn” ở người phải điều tiết thị lực quá thường, như người làm việc nhiều giờ trước máy vi tính, người làm việc dây chuyền trong phòng thiếu ánh sáng, người đóng đinh bàn tọa trước máy truyền hình đổi đài liên tục…

Tất cả triệu chứng thuyên giảm rất nhanh khi áp lực nội nhãn trở về định mức bình thường. Đó cũng chính là động cơ khiến càng lúc càng có nhiều thầy thuốc tìm về hoạt chất thiên nhiên có công năng “nhiều trong 1”, vừa điều chỉnh áp lực nội nhãn, vừa che chở tế bào sắc tố võng mạc, vừa bảo vệ thủy tinh thể, thay vì trị đau đầu chỉ bằng thuốc giảm đau, thay vì chữa đau đầu không cần quan tâm đến đôi mắt. Éo le, nhất là trong bối cảnh của xứ mình, chính ở điểm thầy thuốc hiện nay hình như không đủ thời giờ để nhìn thẳng vào đôi mắt của… bệnh nhân.

GÓC TƯ VẤN CỦA BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục