Chiếc vỏ ốc tinh thần

Có một điều rất lạ vẫn thường xảy ra ở bóng đá Việt Nam: Khi thắng một trận đấu, dù trước đội yếu hay mạnh, dư luận vẫn cứ hay dùng “yếu tố tinh thần” để đề cao sức mạnh của các đội tuyển Việt Nam. Vậy mà khi thắng khá chật vật trước Lào, lại có hàng loạt nghi ngờ về chuyện cầu thủ bán độ. Nói đúng hơn, người ta vẫn hay nghĩ đội tuyển Việt Nam mạnh nên khi đá dở là chắc có chuyện.
Chiếc vỏ ốc tinh thần

Có một điều rất lạ vẫn thường xảy ra ở bóng đá Việt Nam: Khi thắng một trận đấu, dù trước đội yếu hay mạnh, dư luận vẫn cứ hay dùng “yếu tố tinh thần” để đề cao sức mạnh của các đội tuyển Việt Nam. Vậy mà khi thắng khá chật vật trước Lào, lại có hàng loạt nghi ngờ về chuyện cầu thủ bán độ. Nói đúng hơn, người ta vẫn hay nghĩ đội tuyển Việt Nam mạnh nên khi đá dở là chắc có chuyện.

Thất bại ở SEA Games 26 là bài học đắt giá để bóng đá Việt Nam cải tổ lại một cách mạnh mẽ, triệt để hơn. Ảnh: Nhật Anh

Thất bại ở SEA Games 26 là bài học đắt giá để bóng đá Việt Nam cải tổ lại một cách mạnh mẽ, triệt để hơn. Ảnh: Nhật Anh

Có lẽ, cái được duy nhất ở đội U23 Việt Nam sau thất bại tại SEA Games đó là gạt bỏ đi cái ảo tưởng về một trình độ cao của bóng đá Việt Nam. Hãy bắt đầu làm quen với mệnh đề: Yếu thì phải thua, phải vất vả mới thắng được.

Nhân đây, nếu có chờ đợi sự đổi thay từ các đội tuyển bóng đá trong tương lai, cũng xin đừng bắt đầu bằng yếu tố tinh thần. Hãy cất nó sang một bên kể cả khi đá với một đội mạnh hơn mình rất nhiều lần. Chúng ta không cần nỗ lực bằng mọi giá, kể cả tính mạng của cầu thủ để cố mà có một kết quả đẹp. Cái chúng ta cần là những trận thua, dù là thua đậm, nhưng rõ ràng. Và những chiến thắng, dù là thắng nhẹ, nhưng thuyết phục. Đừng cố gắng với "thắng lợi tinh thần nữa" !

Thật ra, những bất ổn của đội U23 đã có từ lâu. Con người của chúng ta chỉ có thế và suốt quá trình chuẩn bị đã không ổn. Thế nhưng, cũng vì quá kỳ vọng vào đội tuyển mà rất nhiều người vẫn hy vọng, yếu tố tinh thần sẽ giúp đội bóng hoàn thành giấc mơ vàng. Sự thật là vị trí thứ 4 phản ảnh khá chuẩn xác những gì chúng ta đang có. Với một đội tuyển mà thủ yếu, công kém, thầy… lơ tơ mơ thì dù 11 cầu thủ cắn răng quấn băng ngang đầu chịu đau mà đá như Thành Lương thì đi đến đâu? Không lẽ với chừng ấy thứ mà chúng ta thắng Indonesia, vượt qua Malaysia để đoạt HCV sao? Mà nếu có đoạt được HCV, thì nói lên được điều gì?

Chẳng có thứ đẳng cấp nào được xây dựng thuần túy chỉ bằng nỗ lực tinh thần cả. Và cũng xin nhớ một điều là đâu chỉ có mình Việt Nam mới có tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc. Hãy xem cách Myanmar đánh bại chúng ta ở trận tranh HCĐ thì biết, đấy là chiến thắng của tinh thần vì màu cờ sắc áo đấy thôi.

***

Có thoát khỏi chiếc vỏ ốc tinh thần, dẹp bỏ đi ảo tưởng về sức mạnh bóng đá Việt thì mới hy vọng chấp nhận một cách sòng phẳng thất bại tại SEA Games 26. Ở đây, chúng tôi không kết luận là năng lực cầu thủ của chúng ta kém ngang mức của Lào hay Philippines, nhưng sự thật là có những giới hạn không thể vượt qua. Ngoại trừ Thành Lương, đa số cầu thủ U23 khi đón bóng đều để văng ra, tạo cơ hội cho đối thủ. Hàng tiền đạo của Việt Nam dù là Đình Tùng 3 năm liên tiếp ghi bàn ở tốp đầu V-League hay “tân binh” Hoàng Thiên đều không có sự nhạy cảm săn bàn.

Khi đặt lên Trọng Hoàng vai trò quá lớn ở khu giữa sân, không còn nhận được hỗ trợ như hệ thống vệ tinh cũng như cách chơi phòng ngự - phản công tại SLNA thì Trọng Hoàng nhanh chóng đánh mất chính mình. Người chơi ổn định nhất ở U23 là Thành Lương nhưng kỳ thực, anh chỉ sử dụng được chân trái, không khó để ngăn chặn nếu hậu vệ đối phương có kinh nghiệm. Tóm lại, con người của đội U23 không tốt, mất cân đối. Đã thế, lại thiếu cọ xát cũng như sự điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp của HLV F.Goetz.

Nhìn một cách xuyên suốt, nếu bỏ qua những nghi vấn tiêu cực (nếu có) thì trận thắng nhọc nhằn trước Lào cũng chẳng khác gì 4 trận trước đó và 2 thất bại sau này.

Vì thế, hãy chấp nhận là chúng ta yếu. Đã yếu thì phải thua. Không có gì phải xấu hổ hay cắn rứt khi thua Indonesia và Myanmar, những đội bóng ổn định hơn chúng ta về chất lượng. Và chắc chắn, tinh thần họ đâu kém hơn chúng ta được.

***

Chất lượng kém của cầu thủ đội U23 tại SEA Games 26 không khó để giải thích nếu chúng ta nhìn lại V-League. Tại đó, bóng đá bạo lực được ưa chuộng. Cầu thủ được yêu cầu phải đá rắn hơn để bù vào những khiếm khuyết về trình độ. Liên tiếp trong 2 năm 2010, 2011, các đội vô địch V-League là Hà Nội T&T và SLNA đâu phải là đội bóng chơi hay nhất mà là “đội bóng chơi nỗ lực nhất”. Cả một làng cầu được xây dựng trên các tiêu chí gần như phi chuyên môn như vậy thì “sản phẩm” của nó như thế nào, không cần phải đoán.

Rất tiếc, cho đến nay, dư luận vẫn đang tập trung vào việc cố gắng giảm cầu thủ ngoại, tạo thêm vị trí cho cầu thủ nội địa mà quên rằng, đấy chưa phải là phần quan trọng nhất. Dù 100% cầu thủ nội đá với nhau mà quan điểm và cách nhìn nhận về những giá trị chuyên môn vẫn ưa thích tôn vinh yếu tố tinh thần thì kết quả cũng khó mà khác được.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục