Ở Olympic Rio de Janeiro 2016, Sandi Morris vượt qua mức xà 4m85 và giành HCB. Tuy vậy, thành tích của cô ngang bằng với của Katerina Steanidi (Hy Lạp) - người giành tấm HCV danh giá.
Khác biệt ở đây là rất mong manh: Cả 2 đều có số lần chinh phục các mức xà 4m80, 4m85 là ngang bằng nhau. Khác biệt là ở mức xà 4m70, nơi mà Stefanidi vượt qua chỉ với 1 lần nhảy (còn với Morris là đến 2 lần). Morris chỉ thua một chút xíu.
Tại Olympic Tokyo, khát vọng “thắng Vàng” của cô nàng sinh năm 1992 bất ngờ sụp đổ. Cảm giác lần này là đau đớn nhất, và nó đã trở thành “ngày tồi tệ nhất trong suốt cuộc đời” của cô.
Thi đấu vòng đấu loại, để củng cố vị trí của mình ở vòng thi chung kết, cây sào của cô bị va chạm và gãy khiến Morris ngã xuống. Cô bị chấn thương hông khá nặng, phải ngay lập tức rời khỏi cuộc tranh tài.
Morris nhớ lại và kể: “Trong suốt sự nghiệp của mình, có lẽ tôi đã thực hiện 15 ngàn đến 20 ngàn cú nhảy, và tôi đã làm gãy chỉ 4 cây sào. Chuyện này thật sự rất, rất là hiếm hoi...”.
Sự kiện đau lòng ở Tokyo hồi năm 2021 đã khiến cô rời xa khát vọng “thắng Vàng”. Nhưng ở kỳ Thế vận hội thứ 3 của sự nghiệp, nó khiến cô có thêm nhiều động lực hơn nữa. “Tôi đang rất phấn khích”, Morris cho biết.
Khi còn nhỏ, Morris đã từng tham gia vô số môn thể thao. Nhưng tại sao, cuối cùng cô lại quyết định “dừng lại” ở môn nhảy sào này, và lựa chọn nó như là môn thể thao của cuộc đời???
Morris tiết lộ, cô không hề lựa chọn nó, mà chính bản thân môn nhảy sào đã lựa chọn cô... Theo như Morris, môn nhảy sào chinh phục tầm cao phù hợp với tính cách và khả năng thể thao của cô.
“Bản thân tôi vốn cứng đầu như một con bò mộng vậy. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc... Đó là lý do, tôi vẫn tiếp tục gắn kết với bộ môn nhảy sào này”, Morris tâm sự về cá tính của cô.
Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng cô cũng giành vé tham dự kỳ Olympic Rio de Janeiro 2016. Thế nhưng, khi đó, cô nói rằng cô giống như “một đứa trẻ trong cửa hàng bánh kẹo ngọt ngào”, háo hức muốn ăn nhưng không kỳ vọng gì về bản thân.
“Tôi như là một đứa trẻ tròn mắt cực kỳ háo hức. Tuy nhiên, tôi đã bước vào năm tham dự Olympic mà không hề có chút mong chờ nào vào chính bản thân của mình”, Morris nhớ lại.
8 năm trước, thắng HCB khi không kỳ vọng. Rồi 3 năm trước, chấn thương và trắng tay khi đặt rất nhiều tham vọng. Còn giờ đây, cô cố gắng trở nên giống bản thân mình thời xa xưa: Sẽ không có kỳ vọng gì.
“Đó là khi các VĐV làm tốt nhất có thể, khi họ không có gì cả. Không có áp lực. Bạn chỉ cần bước ra ngoài đó để cạnh tranh hết khả năng của mình, bật nhảy một cách tự do và để bản thân của mình thoải mái tung bay”.
“Trong thể thao, không có từ: “Có thể sẽ phải”. Thể thao là hướng đến thứ tiếp theo, nó sẽ bỏ bạn tuột lại phía sau nếu không nắm lấy dây cương và quyết tâm tiến lên phía trước”.
Mặc dù mục tiêu tiếp theo của Morris vẫn là “thắng Vàng”. Cô cũng không hề quên bày tỏ lòng biết ơn của mình với những người đã ở bên cạnh cô khi khó khăn nhất, sau thất bại tại Paris chẳng hạn...
“Tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình khi có được hệ thống ủng hộ như vậy. Tôi không nghĩ rằng, mọi người thật sự nhận ra, tầm quan trọng của sự ủng hộ mà họ giành cho tôi là lớn đến như thế nào”.