Khi mà Aasif và Ambreen Durrani lần đầu tiên đưa con trai đến một hồ bơi ở Dubai, ý nghĩ rồi sẽ có một ngày cậu bé này hiện diện ở trong hồ bơi của đấu trường Olympic không hề thoáng qua một chút nào.
Khi đó, họ chỉ quan tâm tìm kiếm thứ gì đó cho con trai mình bận rộn, vì cậu nhóc thường có cảm giác bồn chồn. Họ thử qua rất nhiều môn thể thao. Gần nhất là quần vợt, nhưng tất cả đều không thành công.
Vì vậy, họ gửi cậu bé đi học bơi. HLV đưa cậu bé xuống nước, đưa ra một số thử thách khá là cơ bản, chẳng hạn như lặn xuống để nhặt những chiếc vòng nhỏ đang nằm dưới đáy hồ...
Mỗi một chuyến hành trình đều phải có các bước đi đầu tiên. Thứ Sáu tới đây, chàng trai trẻ này sẽ có mặt trên một chiếc thuyền giữa dòng sông Seine với tư cách là thành viên trẻ nhất ở trong đoàn 7 VĐV Pakistan dự Olympic.
Cậu sinh viên 18 tuổi học Trường Cao đẳng nói tiếng Anh Dubai sẽ tham gia thi đấu ở cự ly bơi 200m tự do dành cho nam vào Chủ nhật này tại Trung tâm Thể thao dưới nước Paris.
“Đến Paris là cơ hội chỉ có một lần trong đời, nhưng tôi thật sự lo lắng. Tôi biết mình đã tập luyện rất tận tụy và không đi tắt đón đầu. Tôi tự tin vào những gì mình có thể làm”, Durrani nói trước chuyến bay từ Dubai.
“Tôi là VĐV Pakistan trẻ nhất thi đấu tại kỳ Olympic Paris, thế cho nên họ rất coi trọng tôi. Chỉ có 4 VĐV được hiện diện ở chiếc thuyền trên sông Seine, vì vậy, đây sẽ là cơ hội độc nhất vô nhị của tôi”.
“Khi tôi còn nhỏ, tôi thường xem Lễ khai mạc các kỳ Olympic trên YouTube. Nhìn thấy các buổi lễ đó, thật sự rất là tuyệt vời. Thậm chí tôi cũng chẳng cần xem trực tiếp vẫn đủ thấy phấn khích”.
“Giờ đây, được tham dự Lễ khai mạc là một trải nghiệm hoàn toàn khác hẳn. Tôi đang rất mong chờ điều đó xảy ra”, Durrani hào hứng kể về tâm trạng sắp được đi thuyền trên sông Seine của anh.
Durrani sinh ra tại Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan. Nhưng anh đến UAE năm 2 tuổi vì cha anh, ông Aasif làm việc trong ngành xây dựng, cần sang Tây Á để phát triển sự nghiệp.
Anh học bơi ở trong các hồ bơi của Dubai. Ngay từ buổi thử sức đầu tiên dưới hồ, có 2 điều đã nhanh chóng hiện ra rõ ràng: Anh có năng khiếu bơi lội và có khả năng cạnh tranh quyết liệt.
“Tôi luôn có cảm giác rằng, mình thích chạm vào thành hồ trước tiên. Khi bạn thi đấu, giành lấy huy chương chỉ vì sự tham gia của mình, ngay từ nhỏ tôi đã ghét như vậy. Hoặc là bạn giành chiến thắng, hoặc là quên nó đi”.
“Tôi rất thích bơi đua với mọi người, cố gắng đánh bại họ và đó là cách tốt nhất để giải tỏa những suy nghĩ trong đầu. Bơi lội là một môn thể thao độc đáo. Bên ngoài mặt nước, mọi thứ hỗn loạn và diễn ra quá nhanh”.
“Nhưng khi bạn đắm chìm dưới nước trong hồ bơi, chỉ có bạn và nước ở xung quanh. Mọi thứ đều rất là tĩnh lặng”, Durrani nói về 2 nhịp sống khác hẳn ở trong và ngoài làn nước lạnh.
“Nó bình yên và tĩnh lặng. Khi tôi còn nhỏ, mục tiêu duy nhất của tôi là chạm thành hồ trước tiên. Khi tôi trưởng thành, mục tiêu là trở nên hiệu quả hơn. Làm thế nào để tiết kiệm năng lượng theo cách hiệu quả nhất”.
“Tôi đã nghĩ rằng: “Được rồi, khủy tay có thể hạ xuống ở đây nè”. Và “Nếu họ đang đánh bại bạn, làm sao bạn có thể chắc chắn sẽ đến sát họ hơn. Nó đã trở thành cả một quá trình”.
Khi Durrani lần đầu tiên tham gia tuyển trường Dubai, anh được thông báo rằng, anh không đủ nhanh. Điều đó không thể ngăn cản anh. Bố mẹ đăng ký cho Durrani vào Học viện bơi lội Aqa. Một năm sau, không ai bỏ qua anh nữa.
“Tôi phá vỡ một kỷ lục của trường học vào năm học thứ 3. Tôi nghĩ rằng, kỷ lục mới mà tôi lập ra vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay, và HLV thật sự cảm thấy ấn tượng với bản thân tôi”.
Lớn lên ngoài Pakistan cũng gây ra nhiều vấn đề. Lần đầu tiên Durrani muốn tham gia ở một cuộc thi trong nước, khi đó mới 12 tuổi, Durrani và gia đình đã phải vật lộn rất rất nhiều.
Ban đầu, Durrani định đại diện cho đội tuyển Karachi, nơi anh sinh ra, nhưng bị chê thành tích quá chậm. Sau đó, gia đình Durrani phát hiện một “lỗ hổng” cho phép anh gia nhập đội Khyber Pakhtunkhwa, nơi một thành viên gia đình anh xuất xứ. Đó là khoảnh khắc quan trọng.
“Tôi rất đau lòng”, Durrani có chia sẻ về việc bị Karachi từ chối, “Giải vô địch quốc gia các nhóm tuổi diễn ra chỉ sau đó vài tháng thôi, nhưng họ đã nhanh chóng nói: “Không” đối với tôi”.
“Rồi tôi phát hiện ra mình đủ điều kiện tham gia một đội tuyển ở tỉnh khác, và may mắn thay, họ đã cho tôi một cơ hội. Họ nói: “Cậu là hoàn hảo đối với đội tuyển chúng tôi”.
“Tôi tham gia giải vô địch quốc gia đầu tiên hồi năm 2018, trong bộ đồ bơi bó sát người khi mới 12 tuổi, kính bơi bị rò rỉ giữa chặng đua, nhưng tôi vẫn thiết lập đến 3 KLQG”.
“Điều đó khiến mọi người cảm thấy ngạc nhiên - đặc biệt là những người ở đội Karachi. Mới vài tháng trước họ còn từ chối tôi, giờ đây tôi đã đánh bại tất cả những người ở tuyển Karachi”.
“Đây là nền tảng để tôi thúc đẩy sự nghiệp bơi lội của mình. Sự từ chối luôn là động lực để tôi tiến lên, và chắc chắn đó không phải là lần đầu tiên tôi bị từ chối ở đâu đó trong môn bơi lội”.
“Với tôi, nó là bước ngoặt. Tôi có thể về nhà trong tâm trạng chán nản, hoặc là tìm kiếm giải pháp. Tôi chọn tìm kiếm giải pháp. Tôi không xem đó là chuyện cá nhân, nhưng tôi nghĩ bản thân mình nên chứng tỏ năng lực”.
Trong giải vô địch các nhóm tuổi, Durrani luôn nổi lên ở vị trí hàng đầu. Anh bất bại trong suốt 3 năm trời. Rồi đến khi tham gia giải vô địch bơi lội lứa tuổi trưởng thành, anh bắt đầu nuôi dưỡng tham vọng trở thành VĐV Olympic.
Sau kì thi GCSE cuối cùng, anh bay đến Lahore để tham dự giải vô địch lứa tuổi trưởng thành đầu tiên. Trong 5 cuộc đua, anh thắng đến 3 HCV và 2 HCB, không kém quá xa thành tích của các kình ngư Pakistan giành quyền tham dự Olympic.
“Điều đó khiến tôi suy nghĩ rằng, lần đầu tiên tôi có thể tham gia Thế vận hội. Có lẽ, tôi có cơ hội làm điều này”. Pakistan thường có 2 suất đặc cách tham dự bơi lội Olympic, trên thang điểm liên quan đến mức độ gần với KLTG ở mỗi nội dung.
Đối thủ gần nhất của Durrani là Haseeb Tariq. Anh này khi đó tham gia thi đấu ở một giải đấu tại Bắc Mỹ (Canada), màn trình diễn chỉ diễn ra vào nửa đêm, theo giờ của Dubai.
Durrani nhớ lại và kể, anh phải thức đêm để “canh me” thành tích thi đấu của đối thủ của mình: “Tôi đã hoàn thành cuộc thi của mình vào ngày hôm trước và đã về đến Dubai từ Singapore”.
“Vẫn còn một gã trai, là VĐV Olympic, chưa tham gia thi đấu. Tôi đã ở cùng bố mẹ, chờ đợi kết quả của anh ta đến tận 3 giờ sáng. Anh ấy bơi ở làn 4, và tất cả chúng tôi đều háo hức chờ đợi”.
“Mẹ tôi là người đầu tiên báo cho tôi kết quả của anh ta, và tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng suốt 20 phút. Tôi không thể tin nổi. Tôi cảm thấy phấn khích hơn bao giờ hết. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất tôi từng trải qua”.
Durrani là ví dụ điển hình cho lý tưởng nghiệp dư xưa cũ ở đấu trường của Olympic. Để tham gia Thế vận hội đối đầu với các kình ngư rất chuyên nghiệp, anh phải gác lại các môn học máy tính, toán, và địa lý trình độ A.
Thậm chí, anh còn phải gác lại kế hoạch học Đại học của mình, ở Mỹ hoặc Canada tùy theo chương trình học thuật. Anh cũng phải gác lại các hoạt động bơi lội cho trường học Dubai...
Việc đối đầu với các VĐV chuyên nghiệp, những người dành trọn thời gian mài giã trong hồ bơi không nằm trong suy nghĩ của anh. “Không có lý do gì để so sánh bản thân với bất kỳ ai ngoài chính mình”, Durrani nói, “Mục tiêu là cải thiện thành tích bản thân”.
Anis Billi, HLV của anh tại Speedo Swim Squads ở Dubai, tin tưởng rằng cậu học trò tuổi teen của ông sẽ phát triển mạnh mẽ tại Paris, ngay cả khi điều đó không thể hiện bằng vị trí ở vòng bơi chung kết hay những tấm huy chương.
“Cậu ấy nói với tôi rằng, cậu ấy cảm thấy rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên cậu ấy đối đầu với các VĐV bơi lội đến từ nhiều quốc gia khác nhau ở một trình độ thi đấu rất cao”, Billi nói.
“Cậu ấy cũng nói mình rất hồi hợp vì được đại diện cho Pakistan, đất nước 240 triệu dân, lượng dân số khổng lồ. Gia đình của cậu ấy cũng cảm thấy đây là một giải đấu khó tin, và cậu ấy cảm thấy áp lực từ gioa đình nữa”.
“Mục tiêu của cậu ấy là đạt được thành tích cá nhân xuất sắc nhất (PB). Lọt vào vòng bơi bán kết hoặc chung kết ở đấu trường Olympic là rất khó. Cột mốc lọt vào chung kết khoảng 1 phút 46 đến 1 phút 47 giây. PB của Durrani chỉ là 1 phút 55 giây”.
“Nhưng mà cậu ấy còn rất trẻ, chỉ mới 18 tuổi. Đây là một bước tiến rất tốt cho Ahmed và việc từng thi đấu ở Olympic hiển thị trong hồ sơ sẽ giúp cậu ấy có bước tiến tốt cho năm sau”.
“Mùa giải tiếp theo sẽ là mùa giải cuối cùng cậu ấy thi đấu cho trường Dubai, sau đó cậu ấy sẽ vào đại học. Cậu ấy là một sinh viên giỏi, nếu cậu ấy có thành tích tham dự Olympic, cậu ấy sẽ có cơ hội nhận được học bổng”.
Mục tiêu của Durrani thì rất đơn giản: Phá PB của mình 1 phút 55 giây 69 ở cự ly bơi 200m nam. Quan trọng hơn, trở thành một đại biểu tươi tắn và tuyệt vời cho thể thao Pakistan.
“Tôi muốn trở thành một hình mẫu tốt nhất có thể. Tôi muốn chia sẻ một số nhận thức về bơi lội và chứng tỏ rằng, cricket không phải môn thể thao duy nhất mà chúng ta đang chơi”.
“Nếu Liên đoàn nhận được những hỗ trợ, vẫn còn nhiều tài năng thô ở ngoài kia. Tôi đã thấy điều đó ở Khyber Pakhtunkhwa. Nếu chúng ta khai thác tốt, thì ai biết được? Có lẽ, một ngày nào đó, chúng ta sẽ thắng Vàng ở Olympic”.