Trước Lễ khai mạc Olympic Paris 2024, có đến hơn 450 VĐV Ả rập đã sẵn sàng “xung trận”, thể hiện năng lực thi đấu của mình trên sân đấu, ở trên đường chạy, trong phòng thi đấu và dưới hồ bơi để dùng thể thao đẩy lùi mọi bóng ma cuộc sống.
Dưới cái bóng của cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra tại Dải Gaza, nhiều VĐV - trong đó còn có cả 8 VĐV người Palestine, được thúc đẩy bởi thứ mục tiêu còn vượt ra ngoài đấu trường thể thao đơn thuần...
“Đối với tôi, vấn đề không phải là những tấm huy chương, mà là tiếp cận được nhiều người nhất với những chuyện đang xảy ra tại quê nhà. Tôi hiện không quan tâm đến những tấm huy chương”, VĐV bơi lội Yazan Al Bawwab chia sẻ với The National.
“Ý của tôi muốn nói là, nếu như mà một tấm huy chương giúp tôi được nhiều người biết đến hơn, thì đó mới là điều tôi quan tâm. Nhưng với bản thân tôi, thể thao vốn là một công cụ cho hòa bình”, Al Bawwab nói khi đoàn thể thao Palestin vừa đến Paris.
Ở thời điểm này, việc thu hút sự chú ý hẳn sẽ không quá khó khăn đối với các VĐV người Ả rập, bởi vì tại nước Pháp và tại thủ đô của quốc gia này, nơi Thế vận hội mùa Hè sắp sửa diễn ra, cộng đồng người Ả rập rất đông, tất cả đều đã sẵn sàng cho thành công...
Trong môn thể dục dụng cụ, VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên của Jordan - Ahmad Abu Al Soud đã hạ cánh xuống Paris. Abu Al Soud là VĐV thi đấu nội dung ngựa tay quay số 1 thế giới và là Ứng viên hàng đầu cho tấm HCV Olympic nội dung này năm nay.
Cũng gây ấn tượng không kém ở nội dung xà lệch nữ là nữ VĐV người Algeria gốc Pháp - cô Kaylia Nemour, người rất có khả năng sẽ trở thành VĐV thể dụng dụng cụ châu Phi hoặc là Ả rập đầu tiên giành huy chương tại Thế vận hội.
Trong khi đó, VĐV điền kinh người Algeria - anh Djamel Sedjati, thậm chí còn đang “táo bạo đe dọa KLTG cự ly chạy 800m”. Anh đang sở hữu phong độ “cực hot” khi đến với kỳ Thế vận hội năm nay, còn Mutaz Barshim (Qatar) cũng sẽ xuất hiện để bảo vệ HCV nhảy cao.
Đội bóng ném Ai Cập đang nỗ lực lần đầu tiên giành huy chương Olympic sau khi họ chỉ kém một chút tại Tokyo hồi 3 năm trước (xếp Hạng 4 chung cuộc). Tuy nhiên, họ phải làm mọi cách để vượt qua bảng đấu khắc nghiệt có ĐKVĐ Pháp và ĐKVĐ thế giới là Đan Mạch.
Với UAE, các VĐV môn judo và cưỡi ngựa là những người có khả năng thắng huy chương cao nhất. Ngoài ra, Dunya Abutaleb rất có thể sẽ trở thành nữ VĐV đầu tiên của Vương quốc Saudi Arabia giành huy chương Olympic với ở nội dung taekwondo nữ hạng 49kg.
Bên cạnh Abutaleb, thì VĐV cử tạ người Ai Cập - Sara Samir, võ sĩ taekwondo người Jordan - Julyana Al Sadeg, rồi cả VĐV chạy marathon người Morocco - Fatima Ezzahra Gardadi cũng sẽ là những nhân vật thể thao rất có triển vọng “phong vân” tại Paris.
Tuy nhiên, không chỉ những “cựu binh giàu kinh nghiệm”, Thế vận hội này cũng là cơ hội để cho khán giả Ả rập tiếp cận những tài năng trẻ trung mới nổi tươi tắn. Song song với nhau, người cũ và người mới, “sóng sau và sóng trước” mang lại sự đa dạng cho thể thao.
Từ VĐV môn cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật đã 52 tuổi và đang tham dự kỳ Olympic lần thứ... 6 - ông Ramzy Al Duhami (Saudi Arabia) đến kiếm thủ mới 14 tuổi người Ai Cập - cô bé Sara Hossny, người sẽ tham gia cả các nội dung cá nhân lẫn đồng đội kiếm liễu.
Từ xạ thủ kỳ cựu người Lebanon - Ray Bassil và VĐV bóng bàn lão luyện của Ai Cập - cô Dina Meshref (những người đang tham dự kỳ Thế vận hội thứ 4) đến thần đồng bóng bàn 16 tuổi người Ai Cập đang háo hức cầm vợt lần đầu đến Olympic - Hana Goda.
Có một khía cạnh rất đặc biệt ở kỳ Thế vận hội lần này: Nhiều VĐV Ả rập sẽ tham gia vào các môn thể thao trước đây không vốn không có một chút gì liên quan đến quốc gia và đất nước của họ, những môn thể thao “chưa mang tính truyền thống”.
Aya Asaqas (Morocco) sẽ tham dự môn trượt ván Olympic đầu tiên, còn đồng hương của cô - là B-Girl Fatima Zahra El Mamouny cũng sẽ tham gia môn thể thao “gây tranh cãi” với lần đầu tiên xuất hiện tại đấu trường Thế vận hội: Breakdancing.
Ngoài ra, đó còn là Ramzi Boukhiam (Morocco) ở môn lướt sóng, rồi cả Ines Laklalech (cũng đến từ Morocco) trong môn đánh golf, Malak Hamza (Ai Cập) với môn thể dục nhào lộn. Thậm chí còn cả Noor Slaoui (Morocco) trong mon cưỡi ngựa.
Slaoui là VĐV người Ả rập đầu tiên giành quyền tham dự Olympic 3 môn phối hợp, cô đang cố gắng giải thích tại sao người nước cô đang rất chú ý và đã dần xuất hiện rất nhiều trong môn thi mang tính “quý tộc phong kiến châu Âu” đẹp mắt này.
“Người Morocco chúng tôi chúng tôi vốn rất tò mò. Chúng tôi luôn muốn thử những điều mới mẻ. Nếu bạn đi quanh đất nước tôi trong các Trung tâm thể thao, họ sẽ luôn muốn tập những môn đấu mới. Theo cách nào đó, chúng tôi là những người đam mê”.
Một VĐV khác mở cánh cửa cho những phụ nữ đồng hương của mình là Safiya Al Sayegh. Cô là nữ cua rơ xe đạp Emirate (UAE) đầu tiên đủ điều kiện tham dự môn đua xe đạp tại đấu trường Thế vận hội.
Al Sayegh thường thi đấu với khăn trùm đầu, với cô đây không phải là trở ngại mà là đặc ân với một người sùng đạo. Tuy vậy, ở Olympic Paris, các VĐV hồi giáo người Pháp bị buộc phải thi đấu mà không mang khăn trùm đầu, vì các nguyên tắc thế tục của nước Pháp.
Với Al Sayegh, cô sẽ sử dụng Olympic Paris làm nơi chứng tỏ: Khăn trùm đầu không bao giờ là lý do ngăn cản phụ nữ tham gia thể thao. “Hy vọng những chị em Hồi giáo chúng tôi có thể đưa ra tuyên bố tại Thế vận hội ở Paris”.
“Để chứng minh rằng, khăn trùm đầu không hề hạn chế chúng tôi theo bất kỳ cách nào và chúng tôi vẫn có thể cạnh tranh thậm chí cạnh tranh tốt hơn những người khác ngay cả với bất kỳ trang phục hay bất kỳ điều gì từ tôn giáo chúng tôi”.
Với thế giới Ả rập, có rất nhiều điều đáng mong đợi ở Olympic Paris, nhờ sự tham dự của rất nhiều VĐV đến từ các tầng lớp khác nhau. Tất cả các môn thể thao, kể cả bóng đá, đều chờ đợi sự cháy lửa từ thế giới Ả rập.