Bóng đá luôn có cơ hội

Bỏ tiền ra tài trợ, làm luôn sản phẩm để bán kèm “thương hiệu” U19, quảng cáo rợp trời, vé bán không kịp, không cần nói cũng biết Nutifood đã thắng to trong “thương vụ” hết sức mạo hiểm khi gắn tên với một đội bóng đá trẻ.

Bỏ tiền ra tài trợ, làm luôn sản phẩm để bán kèm “thương hiệu” U19, quảng cáo rợp trời, vé bán không kịp, không cần nói cũng biết Nutifood đã thắng to trong “thương vụ” hết sức mạo hiểm khi gắn tên với một đội bóng đá trẻ.

Liên tục 2 năm vừa qua, VFF đã không thể tổ chức được VFF Cup chỉ vì không có nhà tài trợ. Thông thường, người ta sẽ “đổ lỗi” cho tình hình kinh tế khó khăn nên không dễ tìm vài tỷ đồng cho một giải đấu. Nhưng thực tế thì những khán đài trống vắng ở các giải trước đó đã khiến cho quyết định tài trợ trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp.

Ở tầm cỡ đội tuyển quốc gia đã như vậy, ở cấp độ CLB, nếu không có sự hào phóng của Eximbank với tầm ảnh hưởng của ông Lê Hùng Dũng thì chưa chắc các giải bóng đá nội địa đã khó có thể thành công. Với mức độ hơn 30 tỷ đồng cho giải V-League, không đơn giản để thuyết phục các doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ khi mà hình ảnh và khả năng tác động của V-League với xã hội không còn như trước.

U19 Việt Nam đang chăm tập luyện chuẩn bị cho ngày ra mắt tại Nutifood Cup 2014. Ảnh: Minh Trần

U19 Việt Nam đang chăm tập luyện chuẩn bị cho ngày ra mắt tại Nutifood Cup 2014. Ảnh: Minh Trần



Trong bối cảnh đó, giải bóng đá U19 quốc tế tạo nên sự khác biệt, trong đó sự hào hứng của nhà tài trợ Nutifood là sự khác biệt lớn nhất. Từ trước đến nay, ít khi nào người ta thấy nhà tài trợ lại “hạnh phúc” và “sung sức” trong việc bỏ tiền đến như vậy. Tài trợ trong bóng đá Việt Nam có đến 80% nằm ở trạng thái “cho”, chỉ 20% mới thực sự tìm đến bóng đá để có hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm. Với “cơn sốt” hiện nay xung quanh sân Thống Nhất, rõ ràng Nutifood có lý do để “sung” hơn nữa.

o0o

Rõ ràng bóng đá luôn đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp. Chính bầu Đức hiểu hơn ai hết và vì thế ông mới nỗ lực xây dựng Học viện HAGL. Thế nhưng, đấy chỉ là một trường hợp hiếm hoi.

Hơn một thập kỷ phát triển của bóng đá Việt Nam, đến một sản phẩm tối thiểu để bán, bóng đá Việt cũng chẳng có, nói gì đến chuyện sẽ thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư vào để tìm hiệu quả kinh doanh.

Một kỳ giải V-League kéo đài đến 6 tháng trời nhưng nếu không có sự nhiệt tình của báo chí trong việc tuyên truyền, thử hỏi các nhà tổ chức đã làm được gì để khiến người chưa yêu bóng đá sẽ thích bóng đá, người yêu bóng đá nội sẽ say mê nó hơn.

Rồi ở cấp đội đội tuyển quốc gia, sau khi giao trọn gói quyền khai thác quảng cáo cho Công ty Dentsu, loanh quanh cũng chỉ có những thương hiệu Nhật Bản vốn là khách hàng ruột của công ty này. Những thương hiệu đó cũng chỉ bỏ ra một số tiền tài trợ chứ hoàn toàn không khai thác thương hiệu đội tuyển để thêm phần hiệu quả.

Nutifood dùng “thương hiệu” U19 để ra mắt sản phẩm bán hàng, còn thập kỷ chuyên nghiệp Việt Nam có mấy cầu thủ ký được hợp đồng quảng cáo? Bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư hay tài trợ cho bóng đá xây dựng một chiến lược quảng cáo ăn theo? Quá ít và rất kém về tầm vóc.

Câu chuyện của Nutifood, của HAGL, của giải quốc tế U19 đã cho thấy bóng đá chưa hề mất đi sự hấp dẫn vốn đã mang tính “độc quyền” của mình. Người ta cũng biết, mọi việc tốt đẹp như vậy cũng là do ông Lê Hùng Dũng mất thời gian để xúc tiến và kết nối. Vấn đề là có bao nhiêu người như ông Dũng tại VFF?  Công ty VPF ở đâu trong quá trình nâng cao hình ảnh bóng đá Việt?

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục