Nhiều môn thể thao trọng điểm ở Việt Nam đang thực hiện rất hiệu quả công tác xã hội hóa, tức là tận dụng tối đa nguồn lực ngoài ngành để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, mối lương duyên giữa thể thao với các nhà đầu tư cũng chưa thuận lợi, bởi trên thực tế đã xảy ra nhiều chuyện “dở cười, dở khóc”…
Sự kiện kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm của bơi lội TPHCM có thể lỡ dở con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp vì mâu thuẫn với chính HLV của mình, đang khiến dư luận quan ngại cho ngành TDTT trước nguy cơ mất nhà đầu tư. Tìm được một doanh nghiệp chịu “chống lưng” cho những môn thể thao cá nhân vốn rất gian truân, làm gì để giữ được mối thiện cảm còn khó hơn gấp bội.
Kinh phí đầu tư cho Phương Trâm đi tập huấn ở Mỹ theo chương trình kéo dài đến 9 năm, lên tới hơn 2 tỷ đồng/năm (nguồn tiền đủ để nuôi cả một CLB bóng chuyền, bóng rổ hoặc bóng bàn trong một năm hoạt động) đã thể hiện sự cầu thị thực sự đối với thể thao của nhà tài trợ Nutifood. Song, nếu rắc rối không được giải quyết, hoặc có nhưng chỉ hời hợt thì khả năng “thương vụ” xã hội hóa này đổ bể giữa chừng là rất lớn, dù nó mới chừng nửa năm.
Bài học rút ra từ câu chuyện này chính là công tác quản lý HLV và VĐV của ngành TDTT TPHCM chưa thực sự sát sao, vai trò cố vấn và giám sát của CLB Bơi lội Phú Thọ, nơi được giao theo dõi quá trình tập huấn và thi đấu của cô trò VĐV Phương Trâm khá mờ nhạt, nếu không muốn nói là rất lỏng lẻo. Chính vì giao phó hoàn toàn chương trình cho một cá nhân và thiếu đôn đốc cũng như kiểm tra, nên khi xảy ra mâu thuẫn giữa HLV và VĐV ở Mỹ, ngành TDTT không nắm bắt được để đưa ra phương án xử lý kịp thời, gây ra hậu quả không thể cứu vãn.
Vốn dĩ, nhà tài trợ tìm đến thể thao để làm thương hiệu, một phần cũng vì đam mê. Trục trặc ở bất cứ khâu nào về chuyên môn hay về cung cách quản lý cũng đều khiến họ phải trăn trở, cân nhắc sẽ tiếp tục hay dừng lại khi xảy ra sự cố. Bóng đá là môn thể thao được đánh giá là làm rất hiệu quả công tác xã hội hóa vì có nhiều đội bóng khoác áo doanh nghiệp, kéo theo đó là trào lưu đầu tư ở môn bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn, xe đạp, bóng rổ… nhưng luôn có những khoảng lặng và sóng ngầm trong lòng những mối lương duyên đó, mà nếu giới làm nghề thể thao không tinh ý và giải quyết khủng hoảng một cách hợp lý, hợp tình, sẽ dẫn đến một cuộc chia tay sau thời gian ngắn hợp tác.
Bóng đá TPHCM từng chứng kiến những đội bóng giải tán dù đang mang thương hiệu như Cảng Sài Gòn, Ngân hàng Đông Á, Navibank, Xuân Thành Group. Những nhà tài trợ Seaprodex, Dệt Thành Công, Thép Việt, Vifon, Bưu điện, Xây lắp dầu khí TBD đã rời bỏ bóng chuyền TPHCM trong quá khứ xa gần; quần vợt ngậm ngùi chia tay Tanimex… là những minh chứng sống động cho sự đổ bể của công tác xã hội hóa thể thao vì nhiều nguyên nhân, dù ở vạch xuất phát đã xuất hiện những hứa hẹn và cam kết giữa đôi bên về một tương lai bền vững. Càng kể ra càng thấy nuối tiếc cho thể thao TPHCM…
LÊ HÙNG