Bác sĩ trên đường đua

Được cấp hẳn một chiếc xe chuyên dụng đầy đủ còi hụ, đèn pha, kèm theo một xe mô tô được sử dụng tuỳ ý; được hỗ trợ tối đa với đầy đủ quyền ưu tiên, nhóm công tác cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM luôn được xem là một tổ quan trọng của giải đua xe đạp.

Lần đầu tiên được theo đoàn đua xe đạp với sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, 2 điều dưỡng Trần Hồng Phương và Vũ Đức Hồng vô cùng háo hức. Trước mỗi chặng đua, Phương và Hồng lại ngồi bàn thảo cùng bác sĩ Nhật Tuệ để chuẩn bị dụng cụ, máy móc và đề ra những tình huống cấp cứu giả định trên đường đua. Ngoài ra, cả nhóm cùng với tài xế Nguyễn Trọng Hiếu tìm hiểu thật kỹ chặng đường di chuyển của chặng đua, nhằm có thể biết được cở sở y tế nào gần nhất để nhanh chóng chuyển nạn nhân vào đó, nếu như có sự cố cấp cứu trầm trọng phải chuyển viện.

Bác sĩ Nhật Tuệ đang sơ cứu cho tay đua Trần Thanh Điền (VUS TPHCM) ngay trên đường đua. Ảnh: Anh Tài

Không chỉ đơn giản là người điều khiển phương tiện thông thường, với một tài xế xe cấp cứu trên đường đua, “tay lái lụa” Trọng Hiếu phải biết quan sát, phát hiện các sự cố bất thường cũng như “đánh võng” phù hợp khi mình ở giữa một nhóm đông đang cùng di chuyển tịnh tiến nhằm đến được hiện trường tai nạn. Bác sĩ Nhật Tuệ cho biết: “Sơ cấp cứu vô cùng quan trọng, nhất là đối với các tai nạn thể thao. Chỉ cần cấp cứu sai phương pháp, nạn nhân có thể chịu tổn thương suốt đời với các di chứng như bại liệt, hư khớp”. Lý giải này của bác sĩ Tuệ khiến ta luôn hiểu tại sao với các toán cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM luôn trang bị các phương tiện tiên tiến, hiện đại cùng tinh thần sẵn sàng bất cứ lúc nào cho các CB-CNV của mình.

Dù phải làm công văn rồi đủ mọi thủ tục để có được toán cấp cứu đầy chuyên môn từ Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM, thế nhưng Phó BTC thường trực Lê Văn Phú đã tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng các anh đi chung như là một chuyến du lịch mà thôi”. Thật sự với toán cấp cứu này, do bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ làm trưởng nhóm, vẫn luôn mong muốn 20 ngày đồng hành với cuộc đua là những ngày không có được việc làm.

Với cử nhân điều dưỡng Nguyễn Châu Sơn, người có thâm niên hơn 10 lần theo đoàn, sau mỗi tiếng còi xuất phát là mỗi lần anh phải căng mắt cùng các tay đua trên đường với mong muốn mọi chuyện suôn sẻ. Là người có kinh nghiệm lâu năm, anh Châu Sơn thường được cử ngồi dưới mô tô để bám đường và có mặt nhanh nhất tại hiện trường, nếu như có sự cố xảy ra. Với kinh nghiệm dạn dày, đã hơn 80 ca được anh Sơn hoàn tất sơ cứu thành công tại các cuộc đua xe đạp mà anh đã tham dự. Một trong những ca thành công nhất chính là việc sơ cứu cho tay đua Lê Nguyệt Minh, khi tay đua này va phải thanh chắn đường tại Quảng Nam ở cuộc đua cúp truyền hình 2012. Nhờ việc sơ cứu đúng mà chỉ sau 8 tháng, Minh đã hồi phục và quay trở lại tập luyện.

Không những chịu trách nhiệm trên đường đua, ngay tại các điểm nghỉ chặng, nhóm trở thành nơi chăm sóc sức khoẻ cho cả đoàn, trong đó có cả các phóng viên theo đoàn với các bệnh như cảm nắng, sốt... bắt nguồn từ sự khắc nghiệt của thời tiết.

Minh Minh

Tin cùng chuyên mục