Ai vô địch V-League?

Mới đá 2 vòng, hỏi câu này tưởng là… vô duyên nhưng trên thực tế, chức vô địch V-League luôn được “xếp đặt” ngay từ trước khi bóng lăn. Vì sao? Vì về cơ bản, muốn vô địch V-League phải có đủ một số điều kiện. đội nào thiếu, thì… quên đi.

Hơn một thập kỷ của V-League, chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ. Thật ra, trên thực tế chỉ có một đó là trường hợp của Cảng Sài Gòn năm 2003. Khi đó, với rất nhiều yếu tố “kỳ quặc”, đội bóng của ông Phạm Huỳnh Tam Lang đăng quang trong hoàn cảnh mà chính họ cũng chẳng biết tại sao (một năm sau, Cảng xuống hạng như một điều tất yếu). Khi đó, Cảng vô địch vì chẳng ai chịu vô địch, đã thế còn có vụ “tự thua” của Nam Định và cú ra kèo ngoạn mục của SLNA.

Trường hợp thứ 2 liên quan đến SLNA vô địch mùa 2011. Thật ra năm đó SLNA có rất ít cửa nhưng ở giai đoạn cuối cuộc đua bỗng nhiên có một loạt ứng viên không… thèm đua nữa. HLV Nguyễn Hữu Thắng chớp lấy thời cơ, “bịt tai” phi thẳng đến chức vô địch bao gồm cả trận “chung kết” với HN T&T trên sân nhà, một trận đấu mà lẽ ra đội khách phải thắng để lên ngôi.

Chính vì chức vô địch ngoài tính toán đó mà năm kế tiếp, đội của Nguyễn Hữu Thắng “lên bờ xuống ruộng” khi gặp đội nào cũng phải căng sức ra đá. Đây là lý do mà dù năm 2012 có đội hình cực mạnh, SLNA vẫn bị cầm hòa đến 14 trận (một kỷ lục).

Hà Nội T&T (Văn Quyết, trái) và B.Bình Dương (Anh Đức) đều muốn giành chức vô địch lần thứ 3. Anh: Minh Hoàng

Hà Nội T&T (Văn Quyết, trái) và B.Bình Dương (Anh Đức) đều muốn giành chức vô địch lần thứ 3. Anh: Minh Hoàng

Với 13 đội, về mặt tỷ lệ mà nói, khả năng vô địch V-League là khá lớn. Thế nhưng, chiếc cúp danh giá chỉ thuộc về một vài cái tên hội đủ các điều kiện.

Và nếu chúng tôi không lầm, trong 6 ứng viên hiện nay, các đội Thanh Hóa, SLNA, SHB Đà Nẵng, HAGL đều “không có cửa”. Một trong 2 đội HN T&T và B.Bình Dương sẽ vô địch.

Ở thời điểm này, rất khó giải thích. Tuy nhiên, xét về tiềm lực lẫn  chiều dài lịch sử thì đây là năm mà bầu Hiển (HN T&T) và bầu Hùng (B.Bình Dương) sẽ chiến đấu quyết liệt. Đơn giản vì trong lịch sử V-League, chưa có đội nào đoạt chức vô địch lần thứ 3. Cả B.Bình Dương lẫn HN T&T đều muốn là người đạt đến cái đích đó đầu tiên.

Chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Vì sao không phải là 4 đội bóng còn lại? Về Thanh Hóa, đội này “máu” vô địch nhưng họ lại thiếu quá nhiều thứ. Đầu tiên là vị thế của một ông bầu. Kế đến là một HLV có “quyền lực ngầm” và sau cùng, họ không đủ mối quan hệ cần thiết. Nội tại vùng đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa đã không được sự ủng hộ của V.Ninh Bình, Hải Phòng thì làm sao họ có thể nhận được sự “hợp tác” của những đội trong Nam?

Với HAGL, cái khó của họ là bầu Đức không còn “máu” vô địch sau khi U19 Việt Nam đang chiếm trọn tâm trí của ông. Năm 2014, Tập đoàn HAGL đang cần những cú hích mạnh trên thị trường chứng khoán cho hoạt động kinh doanh,  giữa CLB HAGL và U19 thì rõ ràng, các cầu thủ của Học viện HAGL đem lại những giá trị tốt hơn cho bầu Đức.

Còn SHB Đà Nẵng và SLNA thì sao? Về thực lực, 2 đội này đủ sức vô địch nhưng về quan hệ, họ buộc phải “nhường” cho HN T&T nếu như bầu Hiển muốn có chức vô địch lần thứ 3. Như đã biết, SHB Đà Nẵng là “người một nhà”. Còn với SLNA, món “nợ” từ trận “chung kết” V-League 2011 vẫn còn đó…

Công bằng mà nói, HN T&T hay B.Bình Dương vô địch đều xứng đáng. Và cũng công bằng mà nói, cuộc đua của 2 đội này đủ sức đem lại sự thú vị cho mùa bóng. Thế nên, hãy tin rằng V-League 2014 sẽ rất đáng xem. Cứ nhìn cách bầu Hiển phản ứng trọng tài thì biết…

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục