Ai là người quyết định

Khi The Times đưa tin rằng Boro Primorac, HLV đội 1 của Arsenal, người thân cận với Wenger, tiết lộ Wenger sẽ ở lại Arsenal thêm một mùa bóng nữa, không ít người đã tỏ ra thất vọng và bực bội. Làn sóng chống đối Wenger chưa từng mạnh mẽ như thế suốt 20 năm ông làm việc tại CLB.

Nhưng Wenger là Wenger, ông vẫn tập trung vào công việc của mình, vẫn gửi Grimandi đến Stade de Louis II xem giò cẳng các tài năng trẻ Monaco. Ở lại, ông sẽ hỏi mua họ cho Arsenal. Ra đi, ông sẽ hỏi mua họ cho nơi ông tới.

Nói đến chuyện Wenger bị chống đối và Grimandi xem giò xem cẳng cầu thủ Monaco, chúng ta hẳn sẽ nghĩ đến một trong những lý do mà CĐV Arsenal thất vọng về HLV người Pháp. Đó là sự yếu kém của Arsenal ở mỗi mùa chuyển nhượng, và họ đổ lỗi tại Wenger, cho rằng ông keo kiệt và bủn xỉn.

Giờ đây, có thể chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về quy kết ấy nếu nghe qua những câu chuyện khác. Có thể chính sách của Wenger đưa ra không cho phép phung phí; có thể năng lực huấn luyện của ông đã cạn kệt vì lạc hậu nhưng không thể nói ông chỉ thích giữ tiền mà bỏ qua chuyện đầu tư mua cầu thủ có hạng.

Trước trận Man United gặp Rostov ở lượt về Europa League, giới săn ảnh phát hiện Mino Raiola đến khách sạn của Man United để gặp GĐĐH Ed Woodward. Họ cùng ăn tối và bàn công chuyện. Sẽ không có gì lạ bởi vì Raiola là đại diện của Ibra và Pogba nhưng khi Lukaku đang muốn rời Everton, chuyện Raiola gặp Woodward quả thực đáng ngờ. Raiola là đại diện của Lukaku và chính Raiola đã đánh tiếng rằng Lukaku sẽ rời Everton dù tới chưa lâu. Phải chăng, Ed Woodward tăng cường hàng công cho Mourinho bằng tiền đạo người Bỉ?

Có thêm một cầu thủ giỏi thì tốt thôi nhưng chúng ta hãy nhớ lại thời kỳ Mourinho trở lại Chelsea. Trong mùa hè, ông đã khen ngợi Lukaku hết lời trong những trận đấu tập. Vậy mà Lukaku vẫn bị mang cho mượn, rồi bị bán đi, dù nhiều người nhận định rằng dưới tay Mourinho, anh ta hoàn toàn có thể là Drogba thứ hai. Phải chăng Mourinho ghét Lukaku đến thế?

Mourinho không ghét bỏ Lukaku. Chính sách chuyển nhượng ở Chelsea được quyết định bởi Emenalo và Marina Granovskaia (trợ lý cá nhân của Abramovich) nhiều hơn. Họ mới là người quyết định ở Chelsea, giống như Woodward quyết định ở Man United. Mourinho hay bất kỳ ai chẳng có giá trị gì, ngoài quyền tham gia góp ý kiến tư vấn.

Vậy thì tại sao Emenalo và Granovskaia lại bán Lukaku, dù anh ta là cầu thủ tốt, do họ chiêu mộ, và Mourinho cũng thích Lukaku? Dễ hiểu, họ là người quyết định nhưng kẻ chi phối công tác chuyển nhượng ở Man United lại là một kẻ khác: Jorge Mendes.

Jorge Mendes từ lâu đã được coi là kẻ có tầm ảnh hưởng rất lớn lên nhiều CLB, từ Real cho tới Chelsea, từ Monaco cho tới Atletico Madrid. Mà Lukaku lại là người của Raiola, một đồng nghiệp nhưng có cạnh tranh với chính Mendes. Bởi vậy, Lukaku phải rời Chelsea là chuyện đương nhiên.

Bây giờ, khi Raiola có cả Ibra lẫn Pogba và thêm vào đó lại đang làm việc với một loạt cầu thủ tài năng như Matiudi, Rabiot, Kimpembe… Raiola là đối trọng của Mendes tại Premier League khi chi phối chuyển nhượng của Man United. Có tiếng nói ở Man United nhờ vào cả Pogba và đang nắm thế chủ động trong việc gia hạn hợp đồng Ibra, Raiola hoàn toàn có khả năng đưa Lukaku về Old Trafford một cách dễ dàng.

Như vậy, đủ hiểu ai mới là người quyết định tại các CLB lớn ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Đó chính là những siêu cò quyền lực nắm giữ những siêu sao trong tay. Bởi thế, trách Wenger keo kiệt là hơi quá lời. Ông sẽ không làm gì nổi để chống lại những tay cò, khi họ lựa chọn ngôi sao của mình về những nơi mà họ có mối liên hệ làm ăn thân thuộc. Thế mới hiểu, vì sao có lúc Wenger tuyên bố “ngôi sao ư? Hãy chỉ cho chúng tôi ai đang có sẵn để mua đây?”.

Giờ đây, Conte tuyên chiến bằng cách đòi hỏi quyền tự quyết trong chuyển nhượng ở Chelsea. Thắng hay thua, rất khó nói. Nhưng Conte sẽ phải đương đầu với một lực lượng mạnh mẽ nhưng vô hình. Sẽ ra sao nếu chính những tay cò bị phật ý giật dây cầu thủ lật ghế Conte? Kinh nghiệm ấy, Mourinho, Ranieri đã nếm đủ trái đắng.

Hà Quang Minh

Tin cùng chuyên mục