Quả bóng vàng Việt Nam và những câu chuyện

Những cuộc đổi ngôi giờ chót

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả Quả bóng vàng (QBV) châu Âu hay FIFA sau này đều có những kỳ bầu chọn mà chưa cần công bố, người ta cũng có thể dự đoán được chủ nhân của giải thưởng cao quý nhất. Tuy nhiên, trong lịch sử 17 lần trao giải của QBV Việt Nam, có khá nhiều cuộc đổi ngôi giờ chót với nhiều lý do khá thú vị.
Những cuộc đổi ngôi giờ chót

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả Quả bóng vàng (QBV) châu Âu hay FIFA sau này đều có những kỳ bầu chọn mà chưa cần công bố, người ta cũng có thể dự đoán được chủ nhân của giải thưởng cao quý nhất. Tuy nhiên, trong lịch sử 17 lần trao giải của QBV Việt Nam, có khá nhiều cuộc đổi ngôi giờ chót với nhiều lý do khá thú vị.

  • Cú nước rút của Hồng Sơn

Nhiều khả năng, cuộc bầu chọn QBV 2012 năm nay sẽ tái hiện lại cuộc đua tương tự năm 2000, kỳ giải mà tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn đã thực hiện pha “nước rút” ngoạn mục để qua mặt Lê Huỳnh Đức. Ở kỳ bầu chọn năm đó, không có một ai nổi trội xuất sắc sau khi đội tuyển Việt Nam thất bại nặng nề tại Tiger Cup 2000 (chỉ đứng hạng 4). Đã thế, giải vô địch quốc gia năm đó là năm cuối cùng của thời kỳ “bóng đá bao cấp” nên chất lượng khá kém. Tại thời điểm bầu chọn, Nguyễn Hồng Sơn gần như không có “cửa” để đoạt danh hiệu cao nhất khi đội Thể Công suýt nữa rớt hạng trong khi đội Công an TPHCM của Lê Huỳnh Đức là á quân quốc gia.

Tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn (giữa) - Huỳnh Đức (phải) và Trần Công Minh nhận các danh hiệu Quả bóng vàng, bạc, đồng năm 2000. Ảnh: H.L.

Tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn (giữa) - Huỳnh Đức (phải) và Trần Công Minh nhận các danh hiệu Quả bóng vàng, bạc, đồng năm 2000. Ảnh: H.L.

Thế nhưng, đúng vào lúc phiếu bầu được phát ra thì Hồng Sơn lại được cử đi tham gia trong thành phần đội tuyển quốc gia dự vòng loại World Cup 2002 tại Saudi Arabia. Thời điểm đó, đội tuyển Việt Nam là thành phần U.23 để chuẩn bị cho vòng loại Asiad 2002 sau đó nên có rất ít cựu binh tham gia. Dù đội tuyển chơi không thành công nhưng cá nhân Hồng Sơn lại nổi bật với 3 bàn thắng và chính điều này đã ảnh hưởng đến những quyết định bầu chọn và kết quả là Hồng Sơn đăng quang QBV 2000 ngay lúc anh còn đang trên máy bay từ Saudi Arabia trở về.

Cú nước rút của Hồng Sơn cũng liên quan đến một đặc điểm của giải thưởng QBV Việt Nam đó là thời điểm bầu chọn thường rơi vào năm kế tiếp. Nếu có sự kiện nào diễn ra trùng lúc thì rất dễ tác động đến kết quả bầu chọn.

  • Trần Công Minh và kỳ kiểm phiếu gây cấn

Năm 1999, BTC giải thưởng QBV Việt Nam đã có một quyết định hết sức táo bạo là sẽ thực hiện kiểm phiếu ngay đêm Gala trao giải, một sự kiện có tính chất “vô tiền khoáng hậu” bởi sự phức tạp và rủi ro. Bộ phận kiểm phiếu được “nhốt” vào phòng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập suốt 5 giờ đồng hồ. Có tổng cộng 7 đợt công bố điểm được thông báo trực tiếp xen kẽ chương trình nghệ thuật trao giải tạo nên một cuộc đua cực kỳ hấp dẫn và độc đáo khiến những ai có mặt tại nhà hát Bến Thành, quận 1 năm đó đều ở trong trạng thái hồi hộp từ đầu đến cuối. Đến lượt công bố thứ 5, Lê Huỳnh Đức vẫn dẫn đầu một cách rõ ràng và Trần Công Minh vẫn còn xếp thứ 3 về điểm số. Đến lượt thứ 6, hậu vệ Đồng Tháp vươn lên đứng thứ 2 và chiến thắng sát nút ở lượt công bố cuối cùng với điểm số 156 so với 128 của Lê Huỳnh Đức. Đây cũng chính là tỷ lệ chiến thắng sít sao nhất trong lịch sử giải thưởng khi QBV chỉ hơn QBB có 18% số điểm, trong khi tỷ lệ trung bình của giải thưởng là 43%. Vì lý do này mà sau lần đó, BTC không thể mạo hiểm kiểm phiếu trực tiếp vì một sai sót vô tình có thể làm lệch kết quả bất kỳ lúc nào.

Cũng không khó giải thích cho sự kiện này bởi đây là lần đầu tiên mà một cầu thủ đá ở hàng phòng ngự, vốn ít ưu thế hơn các vị trí tấn công, được tôn vinh. 

THÚY OANH


“Cuộc phục thù ngọt ngào” của Nguyễn Minh Phương 

Tiền vệ được xem là một trong những tài hoa lớn nhất của bóng đá Việt Nam này đã từng 2 lần ngậm ngùi về nhì ở 2 kỳ trao giải liên tiếp các năm 2006, 2007 hết sức đáng tiếc. Đấy đều là những năm mà Minh Phương tỏa sáng rực rỡ trong màu áo đội GĐT.LA và được giới chuyên môn đánh giá là cầu thủ số 1 của V-League. Thế nhưng, anh lại có tỷ lệ phiếu bầu kém rất xa so với Lê Công Vinh, người đoạt liên tiếp 2 QBV bất chấp việc CLB SLNA của Công Vinh chơi không thành công tại V-League.

Có khá nhiều may mắn dành cho Công Vinh ở 2 lần bầu chọn ấy. Thời điểm bầu chọn QBV 2006 rơi vào đầu năm 2007 và đấy cũng là năm mà giải AFF Cup 2006 lại thi đấu rơi vào cuối tháng 1 của năm 2007. Với 3 bàn thắng, Công Vinh tự nhiên nổi bật hơn Minh Phương, người đá ở hàng tiền vệ. Đến kỳ trao giải 2007 thì Công Vinh còn tuổi đá SEA Games 2007 (ghi được 4 bàn) còn Minh Phương thì không.

Nhưng rốt cuộc chàng tiền vệ tài hoa Nguyễn Minh Phương cũng đã có cú “phục thù ngọt ngào” khi đăng quang ở kỳ giải 2010, ngay ở thời điểm anh tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia sau 8 năm cống hiến để hoàn tất các danh hiệu cao quý nhất của một sự nghiệp bóng đá. Chính Minh Phương là người tạo ra kỷ lục về sự chênh lệch lớn nhất giữa QBV và QBB khi anh có 387 điểm so với 132 điểm của Phạm Thành Lương (hơn đến 66%).

Nguyễn Minh Phương đang trên đường thực hiện cuộc “phục thù ngọt ngào” cuối cùng khi anh đang được xem là sáng giá nhất trong kỳ bầu chọn QBV 2012 năm nay. Anh là cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2012 và lại chơi tốt tại V-League 2013 đang diễn ra. Nếu lần thứ 2 đoạt QBV thì đấy sẽ là kết cuộc quá hoàn mỹ cho Minh Phương khi năm 2013 này sẽ là mùa bóng cuối cùng của anh trong sự nghiệp cầu thủ trước khi chuyển sang làm HLV. 

Yến Phương

Tin cùng chuyên mục