Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM Lê Hùng Dũng: Rút lui vì lòng tự trọng

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất của bóng đá TPHCM trong mùa bóng 2010 vừa qua không ai khác chính là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) Lê Hùng Dũng. Hai năm trước, ông đã rất hồ hởi với giấc mơ vực dậy bóng đá TPHCM cả ở đỉnh cao lẫn phong trào. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, CLB TPHCM xuống hạng ở V-League 2009, năm sau suýt nữa cả hai đội cùng TP cùng xuống hạng tại V-League và giải hạng nhất. Bóng đá đỉnh cao TPHCM vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn lận đận. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Dũng (ảnh) xung quanh tình hình bóng đá TPHCM.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM Lê Hùng Dũng: Rút lui vì lòng tự trọng

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất của bóng đá TPHCM trong mùa bóng 2010 vừa qua không ai khác chính là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) Lê Hùng Dũng. Hai năm trước, ông đã rất hồ hởi với giấc mơ vực dậy bóng đá TPHCM cả ở đỉnh cao lẫn phong trào. Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, CLB TPHCM xuống hạng ở V-League 2009, năm sau suýt nữa cả hai đội cùng TP cùng xuống hạng tại V-League và giải hạng nhất. Bóng đá đỉnh cao TPHCM vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn lận đận. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Dũng (ảnh) xung quanh tình hình bóng đá TPHCM.

Với trách nhiệm của người đứng đầu HFF, ông Lê Hùng Dũng thẳng thắn xin từ chức vào giữa nhiệm kỳ nhưng vào trung tuần tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp của BCH HFF, 8/9 ủy viên tham dự đã bỏ phiếu tán thành việc ông Dũng tiếp tục nắm giữ vai trò chủ tịch đến hết nhiệm kỳ. Nhưng xem ra, dù có đa số phiếu không đồng thuận việc rút lui, ông chủ tịch vốn có nhiều tâm huyết và cũng là người làm không công (không nhận lương) của HFF vẫn đeo đuổi mục tiêu rút lui của mình…

° PV: Mùa bóng 2010 quả là năm đáng thất vọng của bóng đá TPHCM?

° Ông LÊ HÙNG DŨNG: Căn cứ vào thành tích thì bóng đá đỉnh cao của TP quả là kém cỏi nhưng bóng đá nữ thì khá, có chăm chút, đầu tư và đoạt chức vô địch dù chỉ tiêu ban đầu là tốp 3. Về mảng phong trào, tôi nghĩ đang đi đúng hướng. Hai năm qua, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với đoàn Tầm nhìn châu Á của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và mới đây, Tổng thư ký AFC đã đánh giá chương trình mà TPHCM thực hiện là xuất sắc.

Tôi nghĩ, bóng đá phong trào cần được tổ chức quy củ hơn, theo những tiêu chuẩn của AFC đặt ra. Đó là nền móng rất tốt để chúng ta phát triển sâu rộng hệ thống bóng đá phong trào của TPHCM.

° Nhưng bóng đá đỉnh cao của TPHCM lại quá lận đận. Đó là một bài học dù TPHCM từng có kinh nghiệm từ mùa trước?

° Mảng đỉnh cao, dù HFF không trực tiếp quản lý điều hành nhưng cũng phải có trách nhiệm. Nói gì thì nói, bóng đá đỉnh cao không thể không quan tâm. Nhắc lại chuyện cũ, nếu CLB TPHCM đá đúng sức trong trận đấu cuối cùng mùa bóng 2009 sẽ không đến nỗi rớt hạng. Nhìn lại việc này chúng tôi đau xót lắm, có góp ý rồi nhưng không ai nghe. Có nhiều cuộc họp, chúng tôi nói thẳng: Nếu các anh lo không được thì chuyển về cho UBND TPHCM hoặc HFF, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà tài trợ khác cùng chung sức để làm cho CLB TPHCM đủ mạnh, xứng đáng nằm trong tốp đầu của giải. Nhưng không thấy ai trả lời và tiếp tục đầu tư cầm chừng trong mùa bóng 2010.

Tôi thấy đội bóng nhà cứ lận đận cũng đau lòng lắm. Không giúp trực tiếp được gì cho đội bóng mà cứ “nhận trách nhiệm”, tôi thấy… kỳ quá. Trách nhiệm, nói thật tôi đã làm hết sức rồi. Nhưng đội bóng đó được quản lý bởi công ty cổ phần, mình nóng ruột nhưng là “con” của người ta thì mình nói gì được đây?! Cơ chế chỉ có vậy, mình có cố sức đến đâu cũng không thể vực dậy được đội bóng lại còn bị mang tiếng là đứng đầu tổ chức mà có đội bóng kém cỏi như vậy.

° Vì vậy mà ông xin từ chức? Do áp lực hay do ông thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ?

° Tôi có ý định rút lui bởi lòng tự trọng. Nếu tôi làm tốt ở VFF (ông Dũng đang là Phó chủ tịch) mà ở HFF lại làm không được thì nên rút lui để tập trung cho công việc ở VFF. Tôi nghĩ trong đại hội thường niên sắp tới, các cơ quan báo đài, lãnh đạo… thấy ai làm tốt hơn, nên giao nhiệm vụ cho người đó.

Quả thật là trong cơ chế chuyển đổi như hiện nay, bóng đá đỉnh cao thuộc về các ông chủ CLB. Vì vậy, tốt nhất nên giao cho một ông chủ của CLB đỉnh cao giữ chức Chủ tịch HFF thì phù hợp hơn.

° Nhưng như vậy thì vai trò của HFF ở đâu?

° Tôi nghĩ nên khoanh lại vai trò của HFF là chỉ hỗ trợ, tập trung nhiệm vụ cho phong trào. Nên xác định rõ điều đó thì HFF sẽ nhẹ thở hơn.

Bóng đá TPHCM trên đường tìm lại hào quang. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bóng đá TPHCM trên đường tìm lại hào quang. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

° Được biết, UBND TPHCM có yêu cầu Sở VH-TT-DL và HFF cùng nghiên cứu để định hướng vực dậy phát triển bóng đá đỉnh cao TPHCM?

° Navibank sẽ phối hợp chặt chẽ với HFF trong việc chuẩn bị cho mùa giải tới, các cán bộ HFF đã bàn kỹ với lãnh đạo CLB này về chuyện chuẩn bị lực lượng. Củng cố thì cần có sự hợp tác, mỗi bên một vai trò, một vị trí công việc khác nhau cùng phối hợp thành một đội hình làm việc chặt chẽ và toàn tâm toàn ý

QUỐC CƯỜNG (thực hiện)

UBND TPHCM vẫn đánh giá cao hoạt động của HFF

Chủ trì cuộc họp bàn về việc củng cố hoạt động của HFF vào ngày 14-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu thực hiện một số công việc chính: Chuẩn bị cuộc họp thường niên của LĐBĐ TPHCM; nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và định hướng để vực dậy và phát triển bóng đá đỉnh cao TPHCM. Về nhân sự, vì chưa hết nhiệm kỳ và có sự tín nhiệm của đa số ủy viên BCH, đề nghị ông Lê Hùng Dũng vẫn tiếp tục giữ nhiệm vụ Chủ tịch HFF.

Đáng chú ý là UBND TPHCM chỉ đạo Sở VH-TT-DL xem xét chuyển toàn bộ kinh phí từ ngân sách Nhà nước hàng năm để tổ chức các giải bóng đá TP cho HFF tổ chức các giải đấu vốn thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước.

H.GIANG

Tin cùng chuyên mục