Bài 2: Doanh thu bất tận

Vì sao? kiểu gì thì Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (BQTH EPL) cũng sẽ được bán cho thị trường Việt Nam cho dù các nhà đài có trả giá thấp. Câu chuyện nằm ở một góc khuất của việc kinh doanh bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao, một phần của chính sách “Cây gậy và củ cà rốt”. Có người đã gọi đó là “cuộc chơi của quỷ”

Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) - Vòng Xoáy Kim Tiền

Vì sao? kiểu gì thì Bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh (BQTH EPL) cũng sẽ được bán cho thị trường Việt Nam cho dù các nhà đài có trả giá thấp. Câu chuyện nằm ở một góc khuất của việc kinh doanh bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao, một phần của chính sách “Cây gậy và củ cà rốt”. Có người đã gọi đó là “cuộc chơi của quỷ”

Bài 2: Doanh thu bất tận ảnh 1

Bên trong tổng hành dinh sản xuất chương trình giải Ngoại hạng Anh của IMG.        Ảnh: T.L

Tham vọng không biên giới

Những hình ảnh phát trên các đài truyền hình Việt Nam liên quan đến EPL xuất phát từ một studio khổng lồ trong tòa nhà lớn gần sân bay quốc tế Heathrow (London). Đấy là tổng hành dinh sản xuất chương trình của IMG, một tập đoàn kinh doanh thể thao có trụ sở tại New York (Mỹ). Từ đây, người ta sẽ tổng hợp toàn bộ nhu cầu của CĐV trên toàn thế giới để biết rằng một fan của Arsenal tại Kenya xa xôi và một fan của các Pháo thủ tại Singapore hay Việt Nam muốn được nhìn thấy gì về đội bóng họ yêu quý mỗi khi chuyển kênh xem các chương trình về EPL.

Với một thị trường được dự tính sẽ có doanh số trên 3 tỷ bảng Anh trong 3 mùa 2016-2019 đang được phân phối, những gì mà studio của IMG thực hiện suốt nhiều năm qua đang nhận được kết quả tốt đẹp. Kể từ năm 2007, khi BQTH EPL toàn cầu tăng từ 8 triệu bảng ở năm 1997 lên con số 208 triệu bảng thì những “gã khổng lồ” như IMG biết rằng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Vấn đề không còn ở nhu cầu mà bắt đầu từ khả năng cung cấp mọi thứ để khai thác tận cùng cái nhu cầu của người xem. IMG được BTC giải Ngoại hạng Anh ủy quyền quản lý thương mại mà họ đã biến EPL thành một cỗ máy khổng lồ có thể biến một CĐV trở thành “con nghiện” suốt 24 tiếng đồng hồ/ngày với các chương trình do IMG sản xuất bên ngoài những trận đấu.

Năm 2012, IMG bắt đầu triển khai gói thầu bản quyền trên hệ thống tàu viễn dương và máy bay. Như vậy, chỉ còn có tàu không gian là họ chưa đụng đến. Số lượng người xem toàn cầu hiện đã đạt mức 2,7 tỷ trong khi doanh số từ bản quyền chiếm 41% tổng doanh thu, 153 vùng, lãnh thổ phát sóng EPL và câu chuyện phủ sóng toàn thế giới có lẽ chẳng còn xa với chiến lược “Cây gậy và củ cà rốt” của những tập đoàn như IMG.

Thị trường toàn cầu: tăng, tăng nữa

Đến cuối năm 2010, doanh số BQTH EPL toàn cầu chỉ chiếm 25% doanh thu, 3 mùa kế tiếp là 42% và hiện đang giữ mức 40-45% trước khi mùa bóng 2016-2017 bắt đầu.

Thông tin từ tờ Daily Mail cho biết, mức tăng doanh thu của kỳ bản quyền sắp đến (từ 2016-2019) là 93%. Có thị trường tăng đến 231% như Brazil trong khi đó, ở châu Á, thị trường Hồng Công tăng 116%. Khó tính như thị trường Bắc Mỹ, với rất nhiều môn chơi giá trị còn cao hơn EPL nhưng mức tăng đã đạt đến ngưỡng 100% trong 3 năm tới. Hoặc ngay tại châu Âu, các thị trường Bắc Âu tăng 108%. Hiện tại người ta chưa thống kê được khu vực đầy tiềm tăng là Trung Quốc và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam khi quá trình mở thầu chỉ mới bắt đầu.

Người ta chỉ rút ra một kết luận: Tăng bao nhiêu % thì không biết, chỉ biết là doanh thu BQTH EPL sẽ không bao giờ dừng lại. Với sự lọc lõi trong kinh doanh, những đơn vị phân phối bản quyền quốc tế luôn biết cách đẩy nhu cầu lên cao trước khi ra giá trên bàn đàm phán. Người ta thậm chí đã nghi ngờ cái bắt tay giữa các đơn vị tiếp thị hình ảnh như IMG với các tập đoàn cá cược quốc tế nhằm mở rộng "lãnh thổ”. Doanh thu từ BQTH EPL không thể so sánh với những khoản lợi nhuận khổng lồ đến từ cá cược, nhưng để thúc đẩy nhu cầu cá cược thì không thể có chuyện người chơi không thoải mái khi xem bóng đá Anh trên truyền hình. Nếu tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu phải mất hơn một thập niên mới đạt mức tăng 100% thì những thị trường kiểu như Brazil, châu Á lại luôn gây “sốc” với những nhu cầu cực cao mà ai cũng biết, nó không hoàn toàn xuất phát từ sự đam mê bóng đá mà bắt nguồn từ những gì ở studio của IMG tại Heathrow đang làm suốt 24 giờ mỗi ngày.

Hồ Việt



Truyền hình Việt Nam đừng mong chen chân


Chúng ta đều biết rằng BQTH EPL 3 mùa bóng gần nhất tại thị trường Việt Nam vào khoảng 40 triệu USD chưa bao gồm các gói nội dung đi kèm. Giá mà đại lý có được từ BTC giải Ngoại hạng là 33 triệu USD (trung bình mỗi năm 11 triệu USD), tức là mức lợi nhuận của đơn vị phân phối cũng không quá nhiều.

Đặt trường hợp Việt Nam trực tiếp đấu thầu thì sao? Chưa chắc cái giá cuối cùng đã là 40 triệu USD mà còn hơn bởi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường có mức tăng khá tốt, vượt hơn 200% trong 10 năm qua và không có lý do gì chúng ta có được “giá gốc” tốt. Quan trọng hơn, những nhà điều hành EPL thông qua các công ty như IMG không có nhu cầu “bán lẻ” cho từng thị trường mà chủ yếu phân phối qua các công ty có uy tín về kinh doanh bản quyền thể thao quốc tế.

Thống kê tiền bản quyền truyền hình của Ngoại hạng Anh ở khu vực châu Á, Việt Nam là nước có số tiền mua ít nhất khu vực. Ảnh: T.L

Cũng cần phải làm rõ một chi tiết: Việc tăng giá bản quyền không đồng nghĩa với số lượng người xem (nôm na là người hâm mộ). Một thị trường như Singapore với vài triệu dân nhưng ở đợt bán gần nhất lại có tổng doanh thu cao hơn thị trường Mỹ. Trong khi đó, Thái Lan với 3 đài truyền hình trả tiền hiện đang dẫn đầu thế giới với bình quân mỗi năm chi 105 triệu USD cho BQTH EPL, cao gấp 7 lần so với thị trường Trung Quốc cộng với lãnh thổ Macao. Với các con số này, sẽ không ngạc nhiên khi các CLB Anh lại hay đến Hong Kong, Malaysia thay vì đến nơi có dân số đông nhất thế giới như Trung Quốc bởi đơn giản là những thị trường kia có doanh số cao gấp 3-4. Như vậy, thị trường Việt Nam hiện đang có chi phí bản quyền gần bằng với Trung Quốc và hiện đứng thứ 18 thế giới, ngay sau Nhật Bản (12 triệu USD/năm).

Cần phải quan tâm đến những con số nói trên để thấy câu chuyện BQTH EPL không đơn thuần là hoạt động kinh doanh của các nhà đài Việt Nam. Các đài có mua hay không thì bản quyền cũng đã được bán ra cho các đơn vị phân phối như IMG hay MP&Silva và họ bán cho các đối tác Việt Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề nhu cầu nội địa mà còn đi kèm những bí ẩn phía sau những khoản giá quá lớn so với thu nhập bình quân của người Việt. Với một cách tính toán của những “con buôn” quốc tế, việc chúng ta tham gia đấu thầu cũng chỉ là “cho vui” và chắc chắn không bao giờ đạt đến mức độ mong muốn của những nhà kinh doanh bản quyền nếu chỉ dựa trên các con số về hoạt động kinh doanh thuê bao.

Việt Long


Còn tăng đến đâu?


Theo các con số được Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam công bố thì tổng cộng số lượng thuê bao ở những đơn vị lớn như SCTV, VTVCab, K+ thì vào khoảng 5 triệu thuê bao, một con số quá khiêm tốn so với thị trường gần 100 triệu dân. Như vậy, dù dân số cao nhưng trên thực tế, lượng người xem bóng đá qua truyền hình tính theo số thuê bao không thể bằng với các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia… những nơi mà việc quản lý thuê bao được mã hóa chứ không có chuyện chỉ đăng ký 1 thuê bao như các quán cà phê tại Việt Nam có thể phục vụ cho hàng chục người xem bằng những màn hình lớn.

Số thuê bao không nhiều và số tiền trả cho việc xem bóng đá lại quá thấp. Chỉ cần bỏ ra 120.000 đồng/tháng là có thể xem khoảng hơn 200 trận đấu EPL trên SCTV hay VTVCab. Với K+, số tiền này vào khoảng 200.000 đồng. Như vậy, bình quân mỗi thuê bao bóng đá ở Việt Nam chỉ phải trả chưa đến 10% so với một thuê bao ở Thái Lan hay Singapore.

Đây chính là cốt lõi của vấn đề BQTH EPL tại Việt Nam sẽ còn tăng trong tương lai. Thứ nhất:  chi phí xem bóng đá đã thấp đến mức cực đáy, đương nhiên sẽ chỉ tăng lên mà thôi và việc các đài truyền hình tăng giá thuê bao thì chắc chắn là các nhà phân phối sẽ biết và họ chẳng dại gì không thổi giá. Thứ hai, dù thuê bao thấp nhưng thực tế thì lượng người xem lại vô cùng đông, ước tính hiện có đến 10 triệu người thường xuyên xem bóng đá Anh trên truyền hình.

Sẽ không có chuyện giảm giá dù các đài Việt Nam có mua hay không.

Như vậy, nếu việc quản lý sở hữu trí tuệ sắp đến mạnh mẽ hơn, không còn cảnh “xem chùa”, “coi lén” thì lượng thuê bao cũng sẽ tăng nữa. Và cuối cùng, lượng người xem đông còn có phần lớn đến từ hoạt động cá cược bất hợp pháp. 80% người đến quán xem bóng đá có đánh cược, hình thành một nhu cầu vô cùng lớn để buộc các đài truyền hình cũng phải lệ thuộc bằng cách có được BQTH EPL.

Những yếu tố nói trên, không thể nằm ngoài khả năng quan sát của những nhà kinh doanh bản quyền thế giới khi họ có đủ công cụ để thống kê, khảo sát những nhu cầu nằm ngoài số lượng thuê bao mà các nhà đài Việt Nam đang có. Với những điều kể trên, BQTH EPL không thể có chuyện giảm giá dù các đài Việt Nam có mua hay không.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục