Bài 3: Cá cược - mảng tối của truyền hình bóng đá

Bất kỳ ai xem bóng đá Anh trên truyền hình hẳn sẽ quen thuộc với những con số thống kê, từ phạt góc đến số lần phạm lỗi, số thẻ… Trước và sau trận đấu, từ những kênh ngoại quốc cho đến nhà đài Việt Nam, đều có những show bình luận mà cuối cùng, vẫn là dự báo tỷ số. Những chi tiết đó phục vụ cho cái gì?

Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) - Vòng Xoáy Kim Tiền

Bất kỳ ai xem bóng đá Anh trên truyền hình hẳn sẽ quen thuộc với những con số thống kê, từ phạt góc đến số lần phạm lỗi, số thẻ… Trước và sau trận đấu, từ những kênh ngoại quốc cho đến nhà đài Việt Nam, đều có những show bình luận mà cuối cùng, vẫn là dự báo tỷ số. Những chi tiết đó phục vụ cho cái gì?

Thị trường ngàn tỷ đô

Giáo sư Stefan Szymanski của Đại học Michigan (Mỹ), một chuyên gia hàng đầu về kinh tế thể thao đã viết trong cuốn “Cẩm nang kinh tế thể thao” như thế này: “Nền công nghiệp bóng đá đã khiến lợi nhuận ròng của cá cược bất hợp pháp lẫn hợp pháp tại vùng Viễn Đông đạt đến con số 1 tỷ USD/mỗi cuối tuần, một nửa con số này đến từ các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh. Giải Ngoại hạng Anh đang đầu tư khủng khiếp cho thị trường này để tăng lượng CĐV, doanh thu từ các sản phẩm thương mại đi kèm thông qua hệ thống phân phối bản quyền truyền hình. Tất cả những thứ ấy là nền tảng cơ bản để tạo ra một thị trường cá cược hợp pháp cho dù các quốc gia có muốn hay không”.

Còn theo con số công bố từ Sportradar, một công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu các trận đấu bóng đá có trên thị trường cá cược online, trong tổng doanh thu lên đến 1 ngàn tỷ USD thì có đến 70% thuộc về các trận bóng đá. Sportradar chuyên theo dõi 55.000 trận bóng đá mỗi năm và hoạt động của 350 “nhà cái” có quy mô toàn cầu.  

Trên thị trường cá cược online có tổng doanh thu lên đến 1 ngàn tỷ USD thì có đến 70% thuộc về các trận bóng đá. Ảnh: T.L

Những con số trên đã cho thấy doanh thu từ bản quyền truyền hình EPL (BQTH EPL) trên toàn cầu thật ra chẳng là gì so với các nguồn lợi mà sự quảng bá rộng rãi của EPL đem lại cho thị trường cá cược bóng đá. Người ta không biết giữa các công ty sản xuất chương trình và tiếp thị của EPL như IMG có liên quan hoặc chịu sự chi phối từ những tập đoàn cá cược hay không, nhưng rõ ràng, những gì mà người ta đang cung cấp trên truyền hình, thông qua các trận đấu chủ yếu là phục vụ cho những người tham gia cá cược. Tình hình phức tạp đến mức, BTC giải Ngoại hạng đã từng có những chiến dịch điều tra và yêu cầu mọi cầu thủ tham gia giải phải ký thỏa ước không liên quan đến hoạt động cá cược, dù với bất kỳ hình thức nào.

Mảng tối tại Việt Nam

Bất chấp những động thái quyết liệt về mặt pháp lý lẫn kỹ thuật từ các đơn vị phân phối BQTH EPL, hàng trăm website chuyên cung cấp các đường dẫn (link) xem bóng đá Anh vẫn đang hoạt động rầm rộ trên internet, chỉ cần người xem cài đặt phần mềm miễn phí là đủ. 99% các website này là sản phẩm của những công ty cá cược online đang kinh doanh bất hợp pháp ở thị trường Việt Nam và hình ảnh của các trận đấu “chui” ấy cũng đều lấy nguồn từ các đài truyền hình có tổ chức cá cược trực tiếp trên tivi (phần lớn đến từ Nga và Đông Âu).

Nói cách khác, các trận đấu của EPL đang chiếm lĩnh phần lớn mảng cá cược bóng đá toàn cầu và từ đó, ở nhiều nơi trên thế giới, việc xem bóng đá Anh cũng đồng nghĩa với việc đánh cược. Hay đúng hơn, sự phổ biến của bóng đá Anh càng lớn, thị trường cá cược toàn cầu càng có cơ hội để tăng doanh thu.
Việt Nam không ngoại lệ. Do cá cược là bất hợp pháp nên khó có thể thống kê được bao nhiêu phần trăm người xem bóng đá Anh hiện nay chủ yếu là để… đánh cược.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng số lượng fan của các CLB hàng đầu nước Anh hiện nay không quá lớn trong khi sự hào hứng của các nhà đài trong việc phát bóng đá Anh cho thấy số lượng người xem là khổng lồ, ước tính đến gần 10 triệu người theo dõi giải đấu này trên truyền hình mỗi năm. Đây là lý do mà dù việc sở hữu BQTH EPL không thúc đẩy đột biến lượng thuê bao nhưng các “cuộc chiến bản quyền” vẫn cực kỳ khốc liệt, nhất là ở gói độc quyền.

HỒ  VIỆT


“Bắt” phải xem bóng đá


Đã có một kết luận không biết nên vui hay buồn: Không ở đâu xem bóng đá “rẻ” như ở Việt Nam. Bỏ 120.000 đồng/tháng, có khi cả mấy hộ gia đình cùng được xem bóng đá. Không chỉ có giải Ngoại hạng Anh mà hiện nay các đài truyền hình đều phát sóng ít nhất 70% các giải đấu hay nhất thế giới. Xin nhắc lại, coi nhiều hay coi ít cũng chỉ mất chừng đó tiền.

Nghịch lý ấy không phù hợp với quy luật kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Tại sao cứ đầu mỗi mùa bóng, hết đài này đến đài nọ họp báo “khoe” mình sở hữu hàng ngàn trận đấu hay trên thế giới nhưng lại luôn tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi? Lẽ ra, đã tốn thêm tiền mua bản quyền, đã đưa thêm sản phẩm tốt đến người xem, thì phải tăng thêm doanh thu mới đúng.

Ở Việt Nam chỉ cần trả 120.000 đồng/tháng là có thể xem hầu hết các trận bóng đá đỉnh cao tại châu Âu Ảnh: T.L

Còn nữa, 3 năm qua, các nhà đài tại Việt Nam có phong trào “giải nào cũng có” trên sóng của mình. Họ “lách” các quy định về quản lý kênh, tần số bằng cách hợp tác mua kênh hoặc chia các trận đấu thành 2 dạng SD và HD để làm sao trong cùng một thời điểm có thể phát sóng đến 3-4 trận đấu ở nhiều giải khác nhau trên hệ thống của mình. Có những ngày, người xem truyền hình “ngập” trong bóng đá từ 5 giờ chiều đến tận 8 giờ sáng hôm sau với khoảng 20 trận đấu được trực tiếp. Hãy đặt câu hỏi: ai, và vì sao lại có ham muốn xem tất tần tật mọi trận đấu, mọi giải đấu ở mọi thời điểm như vậy?

Chúng tôi không kết luận nhưng chắc chắn, phần lớn trong số người xem đó có tham gia cá cược và đặc biệt là cá cược online. Về nguyên tắc, nếu không cá cược hoặc chỉ “bắt độ” theo kiểu giải trí vui vẻ thì bạn sẽ không có nhu cầu xem truyền hình trực tiếp. Nhưng một khi đã chơi cá độ chuyên nghiệp, đã mở tài khoản để chơi online thì những “con bạc” buộc phải xem trận đấu để còn có thể “xả kèo”, “nhả xương” hoặc “xuống xác”…

Phải chăng, cái thị trường ngầm có quy mô khủng khiếp đó chính là nguồn gốc của “cuộc chiến bản quyền” cho dù bản thân các nhà đài không hề có chủ trương phục vụ cho cá cược?!


VIỆT   LONG

 Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Câu chuyện bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc tế tại Việt Nam, mà cụ thể là bản quyền giải Ngoại hạng Anh, đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực khi chi phí bỏ ra mua bản quyền liên tục tăng với tốc độ phi mã. Mới đây, việc các đài truyền hình trong nước chuẩn bị bước vào thương lượng mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải, từ năm 2016 đến năm 2019, lại khiến nhiều người phải giật mình khi chi phí mua bản quyền dự báo sẽ vượt qua con số 50 triệu USD.

Trước những diễn biến không bình thường trong việc mua bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký gửi các đài truyền hình. Công văn nhấn mạnh, giá bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh phát sóng tại Việt Nam liên tục tăng nhanh trong các giai đoạn vừa qua và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong các mùa giải tới. Việc mua bản quyền với mức giá tăng cao liên tục và hình thức mua độc quyền đã gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và tới quyền lợi của số đông người xem trên toàn quốc.

Như vậy, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thấy những thiệt hại to lớn cho ngân sách nhà nước và thiệt hại về quyền lợi của xã hội trong việc các đài truyền hình đua nhau tranh mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh, khiến chi phí bỏ ra cho các công ty môi giới bản quyền truyền hình nước ngoài ngày càng cao. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc nhở các đài truyền hình trong việc tranh mua bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế nhưng bằng cách này hay cách khác, các nhà đài vẫn có cách để tranh mua bằng được gói bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh.

Hồi năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng có ý kiến với các đài truyền hình trong nước về việc mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam.Vậy nhưng khi ấy, các nhà đài mà cụ thể là kênh truyền hình K+ đã "lách luật" một cách ngoạn mục khi dùng pháp nhân của kênh truyền hình Canal Plus (Pháp) - đối tác chiếm 49% cổ phần ở K+, đứng ra mua bản quyền rồi bán lại cho chính doanh nghiệp mà mình góp vốn. Khi ấy, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đơn vị nắm cổ phần chi phối 51% ở K+, đã bị các đài truyền hình trong nước chỉ trích kịch liệt, đặc biệt là từ phía Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV). Thế nhưng, hiệp hội này lại bị VTV chi phối gần như hoàn toàn khi đơn vị này và các công ty "con" của mình đang giữ vai trò lãnh đạo và nắm thị phần áp đảo. Vậy nên, với việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trên thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam, VTV đang có quá nhiều lợi thế để lách luật như hồi 2012 cho dù cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn nhắc nhở.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục