Bóng đá Việt Nam “đi” phần ngọn
| |
Bị bao phủ bởi cái bóng quá lớn của môn bóng chày, bóng đá Nhật Bản không được chú trọng phát triển trước năm 1993, còn hiện nay J-League là giải bóng đá hàng đầu châu Á. Bởi người Nhật làm bóng đá với tâm niệm đơn giản “Các đội tuyển quốc gia sẽ tốt nếu các đội bóng địa phương tốt, đội địa phương tốt nếu họ được hỗ trợ tốt tại địa phương, và hỗ trợ của địa phương sẽ mạnh nếu các đội tuyển quốc gia tốt”.
Thời sơ khai
JFA (Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản) giao JPF (Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Nhật Bản) xây dựng, quản lý J-League. Không chỉ vì mục tiêu năm 2093, Nhật Bản sẽ có 100 câu lạc bộ bóng đá (CLB) mà mỗi CLB phải nhận được sự yêu mến và ủng hộ của người hâm mộ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Dĩ nhiên, địa phương sẽ được CLB cung cấp một môi trường văn hóa thể thao lành mạnh.
Các đội muốn tham dự J-League phải đổi tên, gắn liền với địa phương nơi họ đại diện chứ không dùng tên đơn vị tài trợ. Thoạt nhìn, CLB sẽ khó thu hút nguồn thu hoạt động nhưng khán giả sẽ yêu thích và luôn kề vai - sát cánh đội bóng ruột của mình.
Áo đấu của danh thủ Sunsuke được các CĐV tìm mua
JFA thuê các chuyên gia Đức thực hiện một công trình nghiên cứu về môi trường thể thao Nhật Bản, con người Nhật Bản, về công ty Nhật Bản với những môn thể thao của người Nhật Bản. Dựa trên công trình nghiên cứu đó, sau khi đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan và có sự chuẩn bị một cách chu đáo về mọi mặt, mùa giải J-League đầu tiên được khởi tranh vào năm 1993 và chỉ sau hơn 20 năm phát triển, J-League đã được xem là giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á với bình quân 16.000 khán giả/trận và lợi nhuận hàng năm khoảng 150 triệu USD.
Tuy đạt được thành công trong 2 mùa đầu tiên, nhưng sau đó J-League giảm dần sức hút. Phải nhờ việc Nhật Bản đoạt vé dự vòng chung kết World Cup 1998 và việc đồng tổ chức World Cup 2002 cùng Hàn Quốc đã phần nào kéo khán giả trở lại với J-League. Tận dụng cơ hội ngàn năm có một này, JFA và JPF quyết định cải thiện J-League.
Sao ngoại kích cầu
Ngoài việc tạo giải đấu có tính cạnh tranh bằng thể thức thi đấu, quy định về chất lượng cầu thủ, yêu cầu khá nghiêm ngặt về bằng cấp huấn luyện viên, JPF còn buộc các đội phải biết tạo lợi nhuận, tránh phá sản vì chi nhiều hơn thu (gần giống Luật Cân bằng tài chính của châu Âu). “Cái khó ló cái khôn”. Các CLB phải đa dạng hóa nguồn thu từ tiền bán vé, nhận tài trợ phụ, bán vật phẩm lưu niệm…
Các CLB được khuyến khích mang những ngôi sao ngoại quốc nổi tiếng về nhằm nâng cao chất lượng đội bóng và giải đấu. Đến với J-League ngay trong những ngày khai sinh, các siêu sao Zico, Gary Lineker, Pierre Littbarski, Michael Laudrup, Stoichkov không vì tiền lương hay xem Nhật Bản là bãi đáp lúc hưu, mà vì họ bị hấp dẫn bởi môi trường thi đấu mới và cảm tình với nước Nhật. Sao ngoại đã góp phần làm thay đổi diện mạo J-League ở khía cạnh chuyên môn lẫn hiệu quả thương mại.
Danh thủ Stoichkov từng khoác áo CLB Kashiwa Reysol
Cổ động viên là đồng chủ sở hữu
Định hướng vận hành theo mô hình kinh doanh, mỗi CLB phải có chiến lược riêng gồm tổng thể các yếu tố: Chiến lược phát triển và truyền thông đội bóng, Lựa chọn tham gia các cấp độ giải phù hợp, Phong cách thi đấu, Xây dựng đội ngũ cầu thủ, Thu hút người hâm mộ, Tìm kiếm tài trợ và quảng cáo,… Trong đó yếu tố quan trọng là xây dựng sự tương tác của CLB với địa phương bởi khán giả nhà sẽ là nguồn thu chính và quan trọng nhất cho họ. Cổ động viên phải được xem như đồng chủ sở hữu của CLB thông qua việc tham gia quản lý các hoạt động trước và sau trận đấu (quản lý cổ động viên, quản lý vé, hướng dẫn khán giả, phát tờ rơi trận đấu, giúp CLB bán hàng trong sân). Có như thế, họ mới sẵn sàng sống chết với đội bóng. Khi đó, CLB có thể tồn tại ngay cả khi thiếu những người ủng hộ tài chính dồi dào.
CĐV Sanfrecce Hiroshima luôn cuồng nhiệt cổ vũ tại sân đấu
CLB làm việc chăm chỉ để duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với các địa phương nơi đóng quân, và cố gắng tạo nên xu hướng “mọi người thích đi xem thể thao vào thứ Bảy”. Họ thường xuyên tổ chức các sự kiện thu hút người hâm mộ địa phương tham gia để qua đó tương tác mạnh mẽ với các cầu thủ. Trước trận đấu khoảng 5 giờ, hàng ngàn cổ động viên đến khuôn viên sân tham gia các hoạt động quảng bá hay trò chơi mà các nhà tài trợ cung cấp. Thậm chí, cả gia đình có thể đến khu vực trước sân vận động từ sáng sớm để mua sắm, xem phim, ăn uống rồi mới vào sân cổ vũ đội nhà. Các sân có khu trò chơi cho trẻ em để ba mẹ gửi con yên tâm xem trận đấu.
Cổ động viên có thể ghé vào các quầy hàng lưu niệm của đội bóng để chọn những chiếc áo cầu thủ mà mình yêu mến, hay mua thêm các đồ lưu niệm, khăn choàng cho bản thân để thể hiện tình yêu với đội bóng. Ngoài việc thưởng thức trận đấu, khán giả còn được phục vụ tận răng nước uống, thức ăn. Khi trận đấu kết thúc, các fan trung thành có thể xin chữ ký và chụp ảnh chung với cầu thủ và cùng hát vang các ca khúc truyền thống của CLB. Dần dà, lượng khán giả nghiện không khí này và hình thành thói quen cuối tuần tới sân xem J-League ngày càng đông. Dĩ nhiên, các nhà tài trợ đua nhau móc hầu bao chi cho giải đấu và các CLB…
HOÀNG PHAN
Ảnh: T.L.
>> Không Anh, không Nhật cũng chẳng phải... Việt Nam