Doping - nỗi ám ảnh trước thềm Olympic
LTS: Chưa bao giờ trước thềm một kỳ Olympic, giới thể thao lại trở nên lo lắng đến vậy khi đề cập đến vấn nạn doping. Từ đầu năm 2016 đến giờ, hàng loạt vụ việc bị phanh phui và thậm chí vẫn chưa có điểm dừng, nhiều VĐV đang nằm trong diện nghi ngờ và có nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua ở Brazil mùa hè này. Thể thao Việt Nam cũng không là ngoại lệ nếu thiếu sự nghiêm túc trong giai đoạn chuẩn bị…
Bóng ma doping đang bao trùm làng thể thao thế giới, nhất là sau khi hàng loạt môn xưa nay vốn được xem là nhạy cảm với doping như điền kinh, bơi lội, quần vợt, xe đạp… bị đặt dấu hỏi về tính trung thực. Rio de Janeiro 2016 còn cách chẳng bao xa, nhưng người ta bắt đầu lo sẽ hao hụt một số lượng VĐV nếu WADA (Tổ chức chống doping thế giới) thỉnh thoảng lại công bố 1 trường hợp sử dụng chất cấm…
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bỗng dưng lại băn khoăn vì nhiều môn nằm trong chương trình thi đấu ở Brazil 2016 tới đây chưa thể chốt số lượng VĐV tham dự, nhất là khi dấu hiệu sử dụng chất cấm trong danh mục của WADA đang có dấu hiệu gia tăng. Lần lượt các môn quan trọng như điền kinh, bơi lội, quần vợt và cử tạ lọt vào “tầm ngắm” của WADA. Và nên nhớ, một khi tổ chức này công bố trường hợp nào thì đều không thể chối cãi.
Nhưng, có vẻ như “cơn bão” doping tiếp tục tràn qua nhiều quốc gia và nối dài danh sách VĐV cố tình dùng tiểu xảo để mưu cầu thành tích. Đây là vấn đề khó kiểm soát, bởi lẽ chính WADA cũng đã thừa nhận mỗi khi họ công bố danh mục chất cấm, sẽ lại xảy ra tình trạng các quốc gia “sáng tác” thêm kiểu xài thuốc mới và được cho là không vi phạm luật. Cuộc chiến này vì vậy không thể có hồi kết.
Trong quá khứ và ở cả hiện tại, ngay cả khi biết hậu quả của việc dùng thuốc quá đà phục vụ mục đích giành huy chương Olympic, thì nhiều nước vẫn cứ trung thành với phong cách tiêu cực của mình, bất chấp sự lên án của bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, ở SEA Games 2011, điền kinh Indonesia từng bị các đoàn trong khu vực chỉ trích và khiếu nại dùng chất cấm để nâng cao thành tích, nhưng nước chủ nhà cố tình lờ đi và không kiểm tra bất kỳ VĐV nào, hoặc nếu có cũng chỉ rất qua loa. Ngược lại, chiêu thường dùng là tập trung kiểm tra rất nhiều VĐV nước khác để khiến họ phải bận rộn và dần quên đi tiểu xảo của VĐV nước chủ nhà.
Ở các kỳ Asiad, Olympic hay nhiều giải Vô địch thế giới trong quá khứ, không thiếu các trường hợp VĐV bị phát hiện doping ngay khi đang thi đấu hoặc sau khi rời giải. Án phạt thường là cấm thi đấu từ 2 năm đến vĩnh viễn. Những VĐV từng được ví là huyền thoại, là tấm gương trong thế giới thể thao như tay đua Lance Amrstrong (xe đạp Mỹ), Marion Jones, Ben Johnson, Tim Montgomery (điền kinh), Diego Maradona (bóng đá)… đã bị phát hiện trong các vụ bê bối doping khiến sự nghiệp tiêu tan…
***
Vài tháng trước ngày hội lớn, thể thao Việt Nam cũng trở nên thận trọng hơn với chuyến xuất ngoại của mình. Đến hiện tại, đã có 15 VĐV giành vé chính thức ở các môn bơi lội, điền kinh, bắn súng, cử tạ, TDDC, đấu kiếm… và đang ráo riết tập huấn, chuẩn bị cho một cuộc “vượt vũ môn” trên đất Brazil. Thế nhưng điều quan trọng nhất để giúp hạn chế tình trạng dùng thuốc bừa bãi và ít nhiều VĐV từng dính doping thì chúng ta chưa làm được, chủ yếu vẫn trông chờ vào việc lấy mẫu thử VĐV khi họ tham gia tranh tài ở giải đấu quốc tế vì được… miễn phí!
Xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu thường xuyên ở các giải VĐQG là chuyện hiếm, chủ yếu vì quá tốn kém tiền bạc để xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cỡ ở Bắc Kinh, hoặc trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên về khoa học TDTT không cao. Thế cho nên, tiềm ẩn trong Đoàn thể thao Việt Nam là mối lo khó nói thành lời, bởi lẽ chính nhiều vị lãnh đạo đoàn thể thao thừa nhận rằng họ không kiểm soát được vấn đề sử dụng thuốc của VĐV, chỉ được báo cáo bằng miệng và lời hứa đảm bảo từ các HLV, còn đúng hay sai thì… bó tay (!?).
Thể thao Việt Nam đã chính thức ký vào công ước quốc tế về việc chống doping trong thể thao, nên nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành giống như ngồi trên lửa trước “tiềm năng” dùng chất cấm mà không ai kiểm soát nổi. Họ nhấn mạnh việc xây dựng các Trung tâm kiểm tra là cần thiết nhưng vì thiếu kinh phí nên chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức, sự chuyên nghiệp của các VĐV là chính.
Cố TTK Liên đoàn Xe đạp-Mô tô Việt Nam - ông Đoàn Kim Phách - từng có tuyên bố gây sốc: “Nói thật, trong giới xe đạp Việt Nam sử dụng doping nhiều lắm nhưng chúng tôi không phát hiện được vì ở Việt Nam chưa có công nghệ xét nghiệm doping. Nếu muốn thử doping phải lấy mẫu ở Việt Nam rồi gửi sang nước ngoài xét nghiệm. Trong danh mục các chất cấm sử dụng của WADA có rất nhiều chất cấm, do đó VĐV nếu ăn uống hay vô tình sử dụng một loại thuốc nào đó mà không kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ bị dính doping ngay. Chúng tôi băn khoăn vấn đề này lắm nhưng để thử một mẫu doping tốn hàng chục triệu đồng, nên rất khó khăn để phát hiện”. |
THANH LÂM
Từng có những cú sốc
Trong hơn 1 thập niên qua, rất nhiều VĐV của Việt Nam dự tranh các giải đấu quốc tế đã được kiểm tra doping. Hầu hết mẫu thử của họ đều cho kết quả âm tính, ngoại trừ 2 trường hợp điển hình bị phát hiện là “búp bê” TDDC Đỗ Thị Ngân Thương (tại Olympic Bắc Kinh 2008) và lực sĩ từng đoạt HCB cử tạ Olympic là Hoàng Anh Tuấn (trước khi khởi tranh Asiad Quảng Châu 2010). Nhưng cho dù có cố ý hay vô tình thì điều đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của thể thao Việt Nam trong những chuyến xuất ngoại.
Trước đó, ở SEA Games 22 năm 2003, đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, nhưng thành tích này bị che mờ đôi chút vì trong số 5 VĐV bị phát hiện dính doping có đến 4 VĐV của Việt Nam là Hồng Anh (2 HCV canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV lặn), Toàn Thắng (3 HCV lặn), và Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước). Sau đó, cả 4 đều bị tước huy chương và cấm thi đấu 2 năm. Ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 diễn ra tại Đà Nẵng, nữ lực sĩ Ngô Thị Hạnh (đoạt 3 HCV hạng cân 75kg nữ) bị phát hiện dương tính với chất cấm Methandienone, cũng bị tước huy chương và ngừng thi đấu 4 năm. Trong khi đó, lực sĩ thể hình Nguyễn Văn Tuấn từng đại diện cho Việt Nam dự giải thể hình Đông Nam Á vào năm 2004 nhưng bị phát hiện dùng chất cấm nên bị cấm thi đấu 2 năm và nộp phạt số tiền 2.000 USD.
Trường hợp hy hữu thoát khỏi nghi án doping là tay đua Nguyễn Trường Tài - người từng bị Liên đoàn Xe đạp quốc tế (UCI) - thông báo mẫu thử A của anh dương tính với chất cấm Prednisone trong danh mục thuốc cấm của Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA), sau khi dự Tour de Singkarak 2013 ở Indonesia. Tuy nhiên sau đó, mẫu thử B của Trường Tài cho kết quả âm tính, không khiến anh bị cấm thi đấu 2 năm như quy định.
LÊ QUANG
HỌ ĐÃ NÓI
* Tay đua Mai Nguyễn Hưng (đội xe đạp VUS TPHCM):
“Tôi chơi xe đạp đỉnh cao của Việt Nam được 15 năm qua nhưng chưa bao giờ thấy một giải nào tổ chức trong nước kiểm tra doping. Chính vì không kiểm tra nên các tay đua Việt Nam không chú trọng tới việc sử dụng thuốc hỗ trợ có chất cấm doping hay không, ngay cả tuyển thủ quốc gia. Khoác áo đội tuyển quốc gia trên 10 năm thi đấu nhiều giải trong khu vực và thế giới, tôi thấy các giải nước ngoài họ kiểm tra doping thường xuyên. Tại một chặng đua, họ kiểm tra 3 tay đua về đầu và 2 tay đua ngẫu nhiên. Thật sự kiến thức về doping của các tay đua Việt Nam còn rất mơ hồ, trong khi đi mua thuốc thì rất dễ dàng. Chỉ cần ra tiệm thuốc tây muốn loại nào thì người ta bán chứ không như ở nước ngoài mua thuốc phải có toa chỉ định của bác sĩ. Với việc không có kiểm tra doping, các tay đua trong nước có sử dụng chất cấm thì chỉ có trời mới biết”.
* HLV đội tuyển trẻ xe đạp quốc gia Mai Công Hiếu:
“Thật sự kiến thức vế doping, các HLV trong nước cũng có biết nhưng rất hạn chế. Nếu ở Việt Nam có sử dụng thì cũng là những loại chất cấm thông thường để tăng cơ bắp và hồng cầu. Việc ngăn ngừa các VĐV sử dụng doping hay không thì tùy vào lương tâm của các HLV. Nếu chạy theo thành tích, có thể họ sẽ ngó lơ cho VĐV sử dụng. Còn những HLV có tâm, tuyệt đối họ ngăn cản ngay lập tức. Bởi sử dụng doping ở Việt Nam, loại thuốc sử dụng và kiến thức y học thấp nên rất nguy hiểm. Trong khi nước ngoài, họ sử dụng doping là có bác sĩ theo dõi. Họ đưa vào nhưng biết cách đào thải ra để hạn chế sự nguy hiểm cho VĐV sử dụng”.
QUANG TRỰC (ghi)