Kỳ 2 - Ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Hãy sẻ chia và chung sức

Kỳ 1 - Tính chuyện tương lai

Thể thao TPHCM: Cho một lần vươn vai…

>> Kỳ 1 - Tính chuyện tương lai

Thừa nhận thể thao TPHCM vẫn chưa phát triển xứng với tầm vóc của một trung tâm đào tạo VĐV lớn của cả nước, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Mai Bá Hùng cho rằng ngành vẫn đang nỗ lực cải thiện mọi khâu, từ hoạch định nguồn nhân lực cho đến kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ HLV, trong đó nổi bật là vấn đề khai thác nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ đào tạo VĐV trẻ. Ông Mai Bá Hùng đã dành cho SGGP Thể Thao cuộc trao đổi rất thẳng thắn.

Hợp tác đầu tư để đột phá

* Phóng viên: Nhân chuyện Công ty Nutifood liên kết với ngành TDTT thành phố để đầu tư cho kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm tập huấn và thi đấu nước ngoài, ông đánh giá điều đó ra sao trên cương vị nhà quản lý trực tiếp?

Kỳ 2 - Ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Hãy sẻ chia và chung sức ảnh 1

Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM

- Ông Mai Bá Hùng: Nutifood đến với thể thao TPHCM như một làn gió tươi mới và chúng tôi rất trân trọng điều đó. Nhưng thể thao TPHCM cần nhiều hơn thế để phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp trong tương lai. Có một điều chắc chắn là những VĐV tài năng sẽ được chăm lo đầy đủ hơn khi cả ngành TDTT lẫn doanh nghiệp cùng hợp sức đầu tư. Từ chuyện của Nutifood, Sở VH-TT TPHCM vẫn sẽ nỗ lực vận động tìm kiếm thêm nhiều nhà đầu tư nữa tham gia vào cuộc xã hội hóa thể thao của thành phố, như cách đang liên kết làm cho xe đạp, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt… Nên nhớ rằng trường hợp của Phương Trâm không phải là duy nhất, mà sẽ như một sự khởi đầu đầy hứa hẹn. TPHCM rất giàu tiềm năng thể thao mà!

* Thể thao TPHCM đúng là có nhiều môn thế mạnh, sở hữu không ít VĐV tài năng vẫn đang chờ được đầu tư lớn…

- Thì đấy, chẳng hạn ngoài VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm, bơi lội TPHCM còn có Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật; điền kinh không chỉ có Trần Huệ Hoa mà có cả tổ cự ly ngắn nữ, triển vọng ở một vài nhóm môn khác; cầu lông có Đan Vy, Cao Cường; đấu kiếm, quần vợt, bóng bàn hay cử tạ cũng đều có VĐV trẻ đầy hứa hẹn… Cái khó nhất vẫn là làm sao để người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu được thể thao cùng chia sẻ gánh nặng đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn lực con người thì họ mới mạnh dạn chung lưng, đấu cật với ngành. Tức là, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng niềm tin về triển vọng phát triển của thể thao, chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất đủ đầy, bày biện ra trước mắt nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi nhất cho một mối hợp tác mang tính bền vững và tạo nên cú đột phá thực sự trong tương lai.

* Theo ông, sự kết hợp giữa ngành TDTT và doanh nghiệp có góp phần giải quyết được những khúc mắc tồn tại giữa VĐV và đơn vị đào tạo hay không, chẳng hạn là vụ rắc rối giữa Phương Trâm với CLB Yết Kiêu?

- Tất nhiên rồi. Sự xuất hiện của Nutifood gần như đã giải vây cho chúng tôi khỏi cơ chế bị ràng buộc về ngân sách nhà nước, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của gia đình VĐV Phương Trâm là được đầu tư lớn cho con em mình phát triển tài năng. Chuyện vừa qua cũng giúp các môn thể thao khác rút ra được bài học trong công tác quản lý và đào tạo VĐV trẻ để hoàn thiện mình hơn nữa.

Chỉ có tiền thôi thì chưa đủ

* Trước, thể thao TPHCM từng có chương trình “Thế hệ vàng” nhưng chưa thành công lắm. Liệu bước chuyển mới về phương thức đầu tư và cách tận dụng các nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ ngành có khác không thưa ông?

 

Nằm ở địa bàn quận 2, khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc kể từ lúc được manh nha ý tưởng đến nay đã hơn 15 năm và nếu tính từ khi Chính phủ phê duyệt đã tròn 10 năm, thế nhưng giờ thì nơi đây chỉ được bao bọc xung quanh là nhà dân, còn bên trong là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm. Rất kỳ vọng về công trình này nhưng nhiều năm qua, người hâm mộ thể thao thành phố vẫn chưa thấy " hình hài" của nơi được dự kiến sẽ trở thành Khu liên hợp thể thao hiện đại và có thể tổ chức các sự kiện thể thao lớn của đất nước và khu vực..

 

- Tôi thì lại cho rằng chương trình trong quá khứ là hay và cho một số hiệu quả nhất định, chứ không hẳn là thất bại. Thậm chí, đến hiện tại vẫn còn vài VĐV thuộc “thế hệ vàng” đang đóng góp cho thể thao TPHCM như Mai Hoàng Mỹ Trang (bóng bàn), Trần Tâm Hảo (quần vợt)… Dù chưa thành công ở tầm SEA Games, châu lục, nhưng ở cấp độ quốc gia, họ vẫn rất hữu dụng trong thời gian dài. Bây giờ thì đương nhiên phải khác, khi mà yêu cầu ngày càng cao. Chính vì vậy, cần có sự kết hợp giữa ngành TDTT với doanh nghiệp và cả gia đình VĐV để đi vào con đường chuyên nghiệp thực sự. Ở đây, chúng ta không phó mặc tất cả cho nhà đầu tư, mà ngành luôn là chỗ dựa, kịp thời hỗ trợ về công tác quản lý và hướng dẫn khi cần thiết. Nên nhớ rằng, làm thể thao chỉ có tiền thôi chưa đủ, còn cần giáo dục văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh cho VĐV nữa thì mới được xem như toàn diện.

* Vậy thì giữa ngành TDTT và nhà đầu tư có sự chia sẻ kinh phí hay không, hay chỉ xuất phát từ phía nhà đầu tư là chính?

- Thực tế là ngay cả khi VĐV nhận được khoản đầu tư lớn thì ngành vẫn giữ chế độ như cũ, nhà tài trợ hỗ trợ thêm để bù đắp khoảng trống thiếu hụt cho các em. Chẳng hạn, trường hợp VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm được Nutifood đầu tư lớn và kéo dài 9 năm, nhưn g Sở VH-TT TPHCM vẫn duy trì khoản ngân sách của mình để giúp Trâm phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, sớm gặt hái được thành công.

Điền kinh nằm trong chiến lược phát triển mới của thể thao TPHCM. Ảnh: Nhật Anh

* Triển vọng nào cho thể thao TPHCM trong tương lai và theo ông, ngành cần làm thêm những gì để lấy lại và giữ vững vị thế như một Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao hàng đầu của cả nước?

- Chúng ta vẫn đang được xem là trung tâm thể thao hàng đầu của cả nước đấy chứ, nếu nhìn ở góc độ phát triển những môn thể thao nói chung, cũng như sự đóng góp nhân lực cho thể thao Việt Nam khi tham dự các đấu trường quốc tế. Thời nay, thể thao TPHCM sẽ không chạy theo số lượng huy chương giành được mỗi năm, mà nhắm đến chất lượng đào tạo VĐV ở nhóm những môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, cử tạ, cầu lông, xe đạp, bóng bàn, võ thuật… cho đấu trường Olympic, đúng với chiến lược và quy hoạch của thể thao Việt Nam đề ra. Điều quan trọng đi kèm như tôi đã nói, tức là phải huy động và tận dụng được các nguồn lực ngoài xã hội phục vụ sự nghiệp chung.

Lẫy lừng một thuở, nhưng giờ đây điền kinh TPHCM chỉ đóng góp vỏn vẹn 2 gương mặt cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 28 là Trần Huệ Hoa và Lưu Thị Kim Phụng. VĐV điền kinh của TPHCM hiếm được triệu tập lên tuyển trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. TPHCM có hẳn một Liên đoàn làm các công tác về quản lý lẫn chuyên môn, nhưng rõ ràng việc cải thiện thành tích vẫn chưa tiến triển. Người hâm mộ điền kinh thành phố chắc phần nào cũng thấy buồn tủi bởi nơi đây đang sở hữu SVĐ lớn thứ nhì cả nước (SVĐ Thống Nhất), có Trung tâm HLTTQG TPHCM, có các trường nghiệp vụ thể thao, có Trung tâm huấn luyện TDTT và đội ngũ HLV tên tuổi.

THANH LÂM (thực hiện)

Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Phát triển đồng bộ trên mọi phương diện

“TPHCM đã có nhiều giai đoạn đóng góp tích cực cho nền thể thao nước nhà và có những giai đoạn thăng trầm, có bộ môn chựng lại. Vấn đề ở đây là sự nhận thức về phát triển TDTT ra sao. Lộ trình, những chương trình cụ thể phụ thuộc các mục tiêu khác nhau. Về đại chúng, tôi thấy thể thao thành phố được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư, sự tiếp sức của các mạnh thường quân, sự động viên quan tâm của nhiều thế hệ cán bộ. Chúng tôi cần lộ trình, bước đi vững chắc hơn để trả lời rằng thể thao đang mang lại gì, đang cần gì và những người làm thể thao như chúng tôi cần giải quyết vấn đề gì qua đó khẳng định lại thành phố là nơi cung cấp VĐV, tổ chức giải đấu quan trọng cho thể thao nước nhà. Thể thao TPHCM có nhiệm vụ rà soát tổng thể, hoạch định chiến lược 5 và 10 năm nữa. Hiện tại, chúng ta có chiến lược phát triển của TDTT tới năm 2020 của ngành TDTT. Những người làm thể thao TPHCM sẽ thực hiện phát triển cơ sở vật chất tới chính sách cho HLV, VĐV hay chương trình đào tạo dài hạn ở nước ngoài cho nhân tố xuất sắc, đầu tư thêm vào phát triển khoa học công nghệ với thể thao. Chúng tôi tìm ra điểm nghẽn để khơi thông và thể thao phát triển hơn”.

MINH CHIẾN (ghi)

Tin cùng chuyên mục