Bài 1: Chuyện con gà và quả trứng

Có người theo thuyết âm mưu còn cho rằng, trong câu chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) có ẩn chứa chính sách “Cây gậy và củ cà rốt” của giới thương mại Tây phương đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam. Thực hư ra sao?

Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) - Vòng Xoáy Kim Tiền

Có người theo thuyết âm mưu còn cho rằng, trong câu chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) có ẩn chứa chính sách “Cây gậy và củ cà rốt” của giới thương mại Tây phương đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam. Thực hư ra sao?

Cung hay cầu có trước?

Trước hết, cần biết rằng EPL không còn đơn thuần là một giải bóng đá. Ngay tại nước Anh, người ta còn đưa ra khái niệm “Văn hóa Ngoại hạng Anh” để nói đến mức độ phổ biến của giải đấu này. Một số quan điểm cực đoan thậm chí đã nói về một "cuộc xâm lăng" của EPL trên toàn thế giới bằng cách chứng minh rằng, ngay thị trường Mỹ vốn là lãnh địa của bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chày mà còn đang dần bị EPL thôn tính. Phải dựa trên nền tảng đó thì mới có thể giải thích được việc các nhà đài ở Việt Nam hoàn toàn thụ động trong cuộc đua BQTH EPL.

Bản quyền Premier League trong 3 mùa bóng vừa qua (2013-2016) được phía Canal Plus mua với giá 40 triệu USD. Ảnh: T.L

Mô tả cho dễ hiểu thế này: Nếu dựa trên lượng người xem bóng đá theo kiểu “người hâm mộ” đơn thuần, có thể chỉ khoảng 1 triệu người có nhu cầu xem EPL. Nhưng nếu có đến 4 triệu người khác dù không am hiểu lắm bóng đá, nhưng đã “lỡ” bị những Man.United, Chelsea, Arsenal "mê hoặc" thì sao? Một thị trường 5 triệu người khác hẳn 1 triệu, lại càng khác hẳn việc con số 5 triệu đó còn có thể tăng thêm. Dễ hình dung, chúng ta cứ lấy trường hợp của K-Pop, nghe nhạc thì ít mà xem phim, mua sắm, đi du lịch, thay đổi phong cách thời trang thì nhiều…

Và một khi Cung có trước Cầu thì rõ ràng, các nhà đài của Việt Nam sẽ luôn bị đặt trong tình trạng bị động. Họ không biết chính xác con số thuê bao của đài mình sẽ tăng lên là bao nhiêu nếu có BQTH EPL, nhưng họ biết chắc rằng nếu để đối thủ có còn mình không thì kiểu gì cũng sẽ thua kém trong kinh doanh. Nguồn gốc của “cuộc chiến bản quyền” nằm ở chỗ này.

Nhu cầu hay thị hiếu

Từ khi Canal Plus Overseas liên doanh với VSTV để ra đời K+ đến nay, năm nào cũng lỗ. BQTH EPL trong 3 mùa bóng vừa qua (từ 2013-2016) được phía Canal Plus mua với giá 40 triệu USD và “tặng” cho K+, trong khi đó, số thuê bao của K+ không quá 500.000. Thử tính: một thuê bao trả cho K+ mỗi năm khoảng 3 triệu đồng (chưa bao gồm khuyến mãi) thì tăng thêm 100.000 thuê bao chỉ đem về doanh thu 30 tỷ đồng, trong 3 năm là khoảng 100 tỷ đồng, một con số quá bé nhỏ so với số tiền bỏ ra cho BQTH EPL và càng bé nhỏ so với những gì mà K+ đã bỏ ra gần 10 năm qua.

Nhà đài có thuê bao lớn nhất như SCTV, được cho là hơn 1 triệu thuê bao. Trung bình mỗi năm chỉ thu được khoảng 1,5 triệu đồng/thuê bao và không thu thêm phí ngay khi có phát sóng các trận đấu của EPL ngày thứ Bảy. Số tiền mà SCTV bỏ ra cho gói không độc quyền ngày thứ Bảy cũng vài chục tỷ đồng/năm, chưa kể khoảng 4-5 gói độc quyền thể thao khác. Như vậy, số tiền bản quyền này hoàn toàn không đem lại nguồn thu đáng kể cho SCTV mà chủ yếu để họ duy trì số lượng thuê bao hiện có.

Nếu không có BQTH EPL thì sao? Đương nhiên SCTV cũng chẳng “chết” nhưng họ khó phát triển lượng thuê bao đặc biệt là tại TP.HCM, những thuê bao này sẽ chuyển sang xem K+ hay VTVCab, dần dà thì SCTV cũng sẽ mất đi đáng kể thuê bao trong khi các chi phí hạ tầng thì vẫn tăng lên hằng năm theo nhu cầu phát triển.

Tóm lại, không có nhiều lý do để tin rằng nhu cầu xem EPL quyết định đến “cuộc chiến bản quyền” mà chủ yếu là từ các bộ phận thuộc nguồn Cung. Tức là ở đây, Con gà có trước Quả trứng.

Hồ Việt
 

Cuộc chơi của VTV

Bộ Thông tin - Truyền thông, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đều luôn yêu cầu các nhà đài phải “đoàn kết” và “không được mua bằng mọi giá”. Đấy là đứng ở góc độ quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đại diện phía Việt Nam đi đàm phán đều là VTV hoặc một phần của VTV. “Cuộc chiến bản quyền” nghe thì có vẻ to tát chứ thực ra, trong cuộc chơi này, những đài như VTC hay AVG đều không “có cửa” khi mà hệ thống các đài có thuê bao chiếm 80% thị phần đều liên quan đến VTV. đó là VTVCab (truyền hình cáp VTV), VSTV (tức K+, cũng là VTV DTH trước đây), SCTV (liên doanh giữa VTV và Saigon Tourist). Thậm chí, đến HTVC dù về lý thuyết là không liên quan nhưng mối quan hệ giữa VTV và HTV đâu phải là không tồn tại.

Nếu chúng ta nhìn dưới góc độ Mẹ - Con của hệ thống VTV ấy thì sẽ dễ giải thích tại sao dù khá rất cao giá nhưng bản quyền truyền hình EPL vẫn có mặt tại Việt Nam. Với 1 đài riêng lẻ như K+ chẳng hạn, bỏ ra 40 triệu USD để mua là “hơn cả điên rồ” bởi vượt xa số vốn tự có. Nhưng nếu Canal Plus Overseas mua, rồi “san sẻ” cho K+ như 1 phần góp bổ sung vốn với VTV trong liên doanh, rồi chia sẻ tiếp cho các đài khác thì số tiền tự nhiên sẽ giảm đi. Nói cho dễ hiểu, với vài trăm ngàn thuê bao mà mua thì phi lý, nhưng nếu cộng cả hệ thống của VTV lại, với khoảng vài triệu thuê bao (chưa kể kênh quảng bá VTV6), với tổng doanh thu toàn hệ thống lên vài ngàn tỷ thì có thể tin rằng, số tiền 1 ngàn tỷ mua bản quyền chưa phải là con số quá khủng khiếp.

Nói cách khác, đài này mà cạnh tranh với đài kia thì chẳng có ai dại đột đến mức bỏ chừng ấy tiền để phát triển vài trăm ngàn thuê bao. Nhưng nếu đó là một hệ thống đài thì lại khác.

Việt Long

***

Tự đưa mình vào bẫy

Bản quyền truyền hình đơn thuần là câu chuyện kinh doanh. Nơi bán (các đại lý của EPL) hay nơi mua (nhà đài Việt Nam) trên thực tế đều đặt lên bàn đàm phán chuyện lợi – hại và để đi đến điểm chung, để EPL có mặt tại Việt Nam suốt 20 năm qua, hẳn nhiên mỗi bên đều có được cái lợi của mình, không thể nói các nhà đài Việt Nam “ném tiền qua cửa sổ” bởi chẳng ai biết, nếu không có BQTH EPL thì chắc gì đã không tốn tiền cho các thể loại bản quyền khác mà về bản chất khác gì EPL đâu.

Bài 1: Chuyện con gà và quả trứng ảnh 2

Người hâm mộ bóng đá Anh vẫn còn rất ít so với thị trường châu Á và Thái Bình Dương. Ảnh: Minh Bảo

Vấn đề nằm ở chỗ, thị trường Việt Nam có nắm được sự chủ động trên bàn đàm phán hay chính chúng ta “tự đưa mình vào bẫy” như cái thuyết âm mưu “Cây gậy và củ cà rốt” của những nhà kinh doanh nước ngoài?

Chúng tôi tin rằng, các nhà đài Việt Nam đang ở thế bị động. Trên thực tế, 60% doanh thu của BQTH EPL là thuộc trong lãnh thổ Vương quốc Anh. 40% còn lại là trên toàn thế giới mà châu Á chiếm khoảng 40% lượng người xem. Theo bản quyền 3 mùa gần nhất, châu Á Thái Bình Dương chi khoảng 1,7 tỷ USD/năm, điều này có nghĩa là thị trường Việt Nam còn rất bé đối với những nhà kinh doanh nước ngoài.

Thị trường nhỏ thì có bất lợi nhưng cũng đi kèm ưu thế. Bất lợi là nếu không mua, những nhà kinh doanh BQTH EPL cũng chẳng quan tâm lắm, như vậy thì người hâm mộ dễ bị thiệt thòi. Còn ưu thế là nếu chúng ta biết cách đàm phán thì sẽ có một chi phí hợp lý khi mà đối tác nước ngoài ở trong tâm trạng “được chút nào, hay chút đó”.

Phân tích như vậy để thấy việc BQTH EPL có tăng lên theo từng thời kỳ có lẽ xuất phát từ chính các nhà đài Việt Nam đã không thực sự chủ động và kiên định trên bàn đàm phán. Nói cách khác, vì sự "thèm muốn" mà chúng ta “đưa mình vào bẫy”.

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục