Bài 1: Hình thành và hội nhập

Võ thuật TPHCM trên đường phát triển

Với tư tưởng phóng khoáng và tinh thần thượng võ của những người đi khai phá vùng đất phương Nam, TPHCM đã đón nhận nhiều nguồn văn hóa khác nhau, trong đó có các môn võ nổi danh từ Đông sang Tây. “Đất lành chim đậu”, những môn võ này đã nhanh chóng hòa nhập vào dòng chảy chung, góp phần xây dựng làng võ TPHCM ngày càng phong phú và đạt nhiều thành tích tốt đẹp.

1. Khoảng 1 năm sau ngày thống nhất đất nước, các môn taekwondo, judo, vovinam… bắt đầu được mở lớp dưới danh xưng võ tự vệ, võ dân tộc. Theo thời gian, các môn võ được trở lại với chính danh của mình. Đến thời kỳ đất nước đổi mới, Liên đoàn Võ thuật TPHCM được thành lập vào năm 1989 - một cơ sở quan trọng để phong trào võ thuật thành phố phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.

Ra mắt Liên đoàn Võ thuật TPHCM (Ảnh: Tư liệu)

Trên bước đường phát triển và hội nhập, sau chuyến biểu diễn của Liên đoàn Võ thuật TPHCM tại Belarus năm 1990, làng võ TPHCM ghi dấu ấn đầu tiên với 2 chiếc HCV của Trần Quang Hạ (taekwondo) và Cao Ngọc Phương Trinh (judo) tại SEA Games 16 (1991). Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức võ thuật quốc tế cùng các chuyến tập huấn ở nước ngoài đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, làng võ TPHCM đã tiếp tục cung cấp cho đội tuyển quốc gia nhiều võ sĩ xuất sắc qua ngôi vô địch của Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống (taekwondo), Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karatedo), á quân của Nguyễn Thị Huyền Diệu (taekwondo) tại các kỳ Asian Games; Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Kim Vui (judo), Nguyễn Đăng Khánh, Nguyễn Thị Xuân Mai, Nguyễn Thị Kim Nga (taekwondo)... ở các kỳ SEA Games tiếp theo.

Trong lúc đó, môn aikido vẫn ổn định số võ sinh tập luyện. Quyền Anh sau một thời gian tạm lắng, chỉ mới xây dựng lại từ đầu thập niên 2000. Riêng vovinam đã tổ chức những cuộc Hội diễn quốc tế từ cuối thập niên 1990 và gần đây đóng góp nhiều VĐV giành HCV ở SEA Games, châu lục và thế giới như: Phạm Thị Phượng, Mai Thị Kim Thùy, Nguyễn Văn Cường... Từ năm 2005, môn đấu kiếm (kiếm thuật phương Tây) được xây dựng lại và Nguyễn Tiến Nhật đã từng đoạt vé tham dự Olympic 2012. Hoặc võ cổ truyền cũng giành thành tích cao ở 4 giải quốc tế tổ chức tại TPHCM từ năm 2008.

TPHCM cũng đã du nhập một số môn võ mới và nhanh chóng gặt hái kết quả khả quan. Các võ sĩ wushu Nguyễn Huy Thành, Trần Duy Phương, Trần Bích Phương Khánh từng giành huy chương trên đấu trường quốc tế. Những năm gần đây, một số võ sĩ TPHCM bước lên bục đăng quang ở các giải thế giới như: Trần Thùy Minh Lý, Trần Huỳnh Thanh Quốc, Diệp Ngọc Vũ Minh (pencak silat), Nguyễn Trần Duy Nhất, Phan Thị Ngọc Linh (muay Thái), hoặc những chiếc HCV SEA Games của môn shorijin kempo.

2. Hiện nay, TPHCM đứng đầu cả nước về phong trào võ thuật với ước lượng hàng trăm ngàn võ sinh luyện tập 14 môn võ tại các trường học, Trung tâm TDTT, Nhà Văn hóa, CLB tư nhân…

HLV Phương Trinh đang hướng dẫn kỹ thuật judo (Ảnh: Hoàng Thịnh)

Ở khu vực trường học, CLB judo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (hình thành từ tháng 3-1997) là mô hình tương đối ổn định. Với sự quan tâm của Sở GD-ĐT, ngành TDTT và ban giám hiệu nhà trường, CLB đã có phòng tập đúng tiêu chuẩn. HLV Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh nhớ lại: “Nếu lúc đầu chỉ có 30 em theo tập thì nay CLB đã xây dựng được 1 lớp năng khiếu (30 em, tập luyện 12 tiết/tuần), 3 lớp dự bị năng khiếu (45 em/lớp; 6 tiết/tuần) cùng 3 lớp tự chọn (50 em/ lớp, 2-3 tiết/tuần)”. CLB judo Nguyễn Thị Minh Khai cũng từng giành HCV trên đấu trường quốc gia, SEA Games, HCĐ châu Á. Hội đồng Giáo dục, Hội Cha mẹ học sinh đã đánh giá cao hoạt động của CLB vì đã giúp các em rèn luyện sức khỏe, xả stress, sự tự tin, tinh thần tôn trọng kỷ luật…

THIỆN TÂM

Tin cùng chuyên mục