Kỳ cuối: Kết quả sự cộng hưởng đầu tư

Thể thao TPHCM: Cho một lần vươn vai…

Nói một cách cụ thể, Tổng cục TDTT không thể quán xuyến hết mọi việc. Vì vậy, để tạo sự phát triển và đầu tư thực chất thì chính các địa phương cần nhận thức cách làm của mình. Địa phương kết hợp đầu tư cùng Tổng cục TDTT nhằm quy về một mối là đào tạo ra HLV, VĐV tốt nhất cho chiến lược dài lâu…

Trong đào tạo HLV, VĐV thực tế ở Việt Nam lúc này là khi VĐV của một đơn vị được lên tập trung tại ĐTQG thì xem như họ phó mặc quản lý đầu tư, trách nhiệm cho đội tuyển. Tuy nhiên, nếu tính về phương án xây dựng một lực lượng mạnh mẽ dài hơi có sự nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác thì địa phương phải là đơn vị đầu tầu. Chúng ta chỉ lấy đơn cử nhóm 5 môn trọng điểm số 1 hiện tại mà ngành thể thao ưu tiên hàng đầu gồm điền kinh, cử tạ, TDDC, bắn súng, bơi lội thì những địa phương đang có VĐV nằm trong nhóm trọng điểm môn này cũng phải đồng hành cùng Tổng cục TDTT về chi phí. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội của Quân đội) không thể phát triển mạnh mẽ nếu chỉ có Tổng cục TDTT đầu tư. Thạch Kim Tuấn (cử tạ, TPHCM), Phan Thị Hà Thanh (TDDC, Hải Phòng), Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng, Quân đội)… đều là người hưởng đặc thù ấy.

Võ sỹ karatedo Nguyễn Hoàng Ngân giành phần lớn thời gian tập, thi đấu ở Nhật Bản và được đầu tư khoảng 700-800 triệu đồng/năm từ kinh phí Tổng cục TDTT kết hợp với địa phương. Ảnh: T.L.

Các trường hợp cụ thể nhất trong điền kinh và đấu kiếm thời điểm vừa qua, nếu không có sự chung tay giữa địa phương thì chưa chắc chúng ta đã giành được những tấm vé dự Olympic 2016. Đấu kiếm tự hào đã giành 3 suất chính thức hay trước đây có suất dự Olympic 2012. Thực tế, đây là môn không phải có sự đầu tư nhiều. Vì vậy, 2 địa phương có thế mạnh là Hà Nội và TPHCM hằng năm vẫn tự bỏ chi phí để có VĐV ra nước ngoài tập huấn. Khi bước vào thi đấu, bộ môn đấu kiếm chỉ hỗ trợ phần nào, còn lại các địa phương có quân tham dự sẽ thực hiện hết. Nguyễn Tiến Nhật (TPHCM, dự Olympic 2012); Như An, Lệ Dung, Thành An (Hà Nội dự Olympic 2016) là những điển hình. Nếu không có quyết tâm của Đà Nẵng đầu tư cho nội dung đi bộ của điền kinh, khó lòng Nguyễn Thành Ngưng dự giải vô địch châu Á 2016 vừa rồi. Tuyển thủ này thi đấu giải trên hoàn toàn bằng kinh phí địa phương do không nằm trong dự tính của đội tuyển.

o 0 o

Vấn đề tài chính quyết định rằng địa phương có thể kết hợp đầu tư cùng TDTT về đào tạo VĐV hay không. Lúc này, thể thao Việt Nam đang có Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, Quân đội), Hoàng Quý Phước (bơi, Đà Nẵng), Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (bơi, TPHCM), Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (điền kinh, Thanh Hóa)… là các tuyển thủ được lấy ví dụ cụ thể rằng địa phương có đầu tư cùng ngành thể thao.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, trường hợp phải nhắc tới xác đáng nhất là Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo, Hà Nội). Nữ tuyển thủ này được giành phần lớn thời gian tập, thi đấu ở Nhật Bản. 8 năm ở Nhật Bản, Ngân được đầu tư khoảng 700-800 triệu đồng/năm hoàn toàn từ kinh phí Tổng cục TDTT kết hợp với địa phương của cô. Mỗi bên chi trả theo hình thức 50-50. Ánh Viên hay Lan, Lịch bây giờ cũng vậy. Tiền dành cho Viên được chia sẻ khoảng 4 tỷ đồng/năm và Tổng cục TDTT không thể đứng ngoài sự đầu tư ấy. Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cũng tỏ rõ quyết tâm bỏ tiền tạo “gà nòi” nên từ khi Lan, Lịch được phát lộ, họ cùng bỏ chi phí với Tổng cục TDTT cho VĐV ra nước ngoài.

Thế nhưng, số đông những địa phương còn lại hiếm nơi nào rủng rỉnh ngân sách nên dù rất muốn cũng chẳng thể cử VĐV ra nước ngoài tập dài ngày được.

NGUYỄN ĐÌNH


Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam:
Đừng dồn hết trách nhiệm cho tổng cục

Về hình thức các địa phương kết hợp đầu tư cùng Tổng cục TDTT cho VĐV, môn điền kinh có nhiều ví dụ cụ thể. Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy đã phân tích khá kỹ với SGGP Thể Thao…

- Phóng viên: Dưới góc độ làm nghề, ông đánh giá thế nào về sự tương tác giữa địa phương và Tổng cục TDTT trong câu chuyện đầu tư chuyên biệt cho VĐV?

>> Ông Dương Đức Thủy: Tôi thấy đã đầu tư thì phải có chiến lược và đánh giá tầm quản lý của nhà quản lý. Trong thể thao, phân tích và đánh giá năng lực VĐV, HLV tài năng thì các quốc gia trên thế giới có nhiều công cụ hỗ trợ từ khoa học kỹ thuật cho tới dinh dưỡng, kinh nghiệm thực tiễn. Hiện nay, với chúng ta, mọi thứ vẫn ở sự manh mún từng mảng, đa phần dựa vào nguồn lực từ Tổng cục TDTT. Vài năm trở lại đây, một số địa phương mới đầu tư thêm để chung sức cùng Tổng cục TDTT trong đào tạo.

- Ví dụ như điền kinh, điểm khó khăn phải chăng là rất ít địa phương hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư quyết liệt cho chính VĐV của họ. Nhiều nơi chỉ biết trông chờ vào Tổng cục TDTT?

Thực ra, chính bản thân chúng ta lâu nay cứ ngộ nhận rằng VĐV lên ĐTQG thì trách nhiệm thuộc hết về quản lý ở trên. Điền kinh thì thường nói về con người cụ thể, cá nhân cụ thể nên quên mất yếu tố tổng hợp. Nếu như một địa phương nào đó cũng có dàn chuyên gia, HLV tài giỏi, họ có nguồn lực tài chính tốt thì VĐV của địa phương đó cần lên tập cùng đội tuyển hay không. Khi đó, tôi nghĩ, nhiệm vụ của các đơn vị đầu ngành như Tổng cục TDTT, các Hiệp hội và Liên đoàn thể thao là những cơ quan sẽ định hướng và địa phương là nơi thực hiện. Công việc của cán bộ ở bộ môn được giảm tải và sẽ tập trung nhiều hơn để nắm rõ sự phát triển môn thể thao ở từng địa phương nhằm hoạch định chiến lược. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế thì đây là bài toán khó giải. Ngân sách chỉ được cấp một khoản cố định nên từng địa phương sẽ phải lựa chọn đầu tư vào môn thể thao nào, nội dung nào.

- Trường hợp 4 VĐV nữ từng đi Mỹ tập huấn năm 2013 và VĐV Quách Thị Lan, Quách Công Lịch của Thanh Hóa ở Mỹ dài hạn là điển hình cho cuộc đầu tư chung sức giữa Thanh Hóa với Tổng cục TDTT. Ông đánh giá điều đó ra sao?

Đầu tư dài hạn cho VĐV không chỉ trông chờ vào đạt chuẩn Olympic. Đầu tư đường dài thì lộ trình mất nhiều năm. Nhiệm vụ của điền kinh là tìm ra định hướng để làm sao phát triển tốt hơn qua từng giai đoạn. Đơn cử lúc này, tổ trung bình đang có sự thiếu hụt lực lượng, kể cả nhảy cao, cự ly ngắn… nhưng tổ 400m nữ được nhiều người biết tới. Với tổ 400m này, sẽ phải đầu tư quyết liệt để đạt hiệu quả hơn nữa. Từng nội dung của điền kinh đang lên xuống không đều về thành tích, biên độ dao động cao nên nếu muốn đạt sự ổn định thì phải có HLV giỏi hoặc chuyên gia ngoại tài năng huấn luyện.

- Ngoài Thanh Hóa, Hà Nội… điền kinh còn có những địa phương nào thực hiện chiến lược cộng hưởng chi phí đầu tư cùng Tổng cục TDTT thưa ông?

Hiện tại thì chưa có nhiều địa phương. Tôi đơn cử như điền kinh Nam Định đang có VĐV Nguyễn Thị Huyền nhưng nguồn lực tài chính hạn hẹp nên họ cũng không thể bỏ tiền tỷ cho VĐV ra nước ngoài tập huấn, mà vẫn chỉ trông vào tiền chi ra của Tổng cục TDTT. Tôi cho rằng các địa phương cũng có thể thực hiện bằng cách tập huấn ngay ở trong nước nếu nguồn lực kinh tế vừa đủ mà chưa thể ra nước ngoài.

MINH CHIẾN (thực hiện)

- Kỳ 2: Hãy sẻ chia và chung sức

Tin cùng chuyên mục