Bài 2: TPHCM khẳng định vị trí trên đấu trường quốc tế

Billiards Việt Nam - từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp

Một sự kiện tác động đến nhận thức đối với billiards ở TPHCM là giải giao hữu giữa các tay cơ serie B tại CLB Nguyễn Du vào đầu năm 1990 do ông Trần Thanh Ngữ (Tư Ngữ), Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, chịu trách nhiệm tổ chức và ông Trần Thanh Hồng hỗ trợ về vật chất. Tháng 9 cùng năm, quận Bình Thạnh cũng tiến hành giải mở rộng…

Về chuyện bước ra đấu trường quốc tế, một HLV billiards kể lại: “Khoảng năm 1996, nghe nói ở SEA Games 19 (Indonesia) có thi đấu billiards, được sự ủng hộ của ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, anh Tư Ngữ vận động cho các tay cơ Việt Nam tham dự. Để tuyển chọn VĐV, anh Tư Ngữ xin tổ chức giải billiards 3 băng mừng Xuân Đinh Sửu (1997). Tuy nhiên, khi nhận đơn xin phép, lãnh đạo cũng còn đôi chút băn khoăn. May mà trong lần tham quan triển lãm ở Hà Nội (1995), anh Tư Ngữ xin được một bức ảnh Bác Hồ đang chơi billiards. Trước trắc trở trên, anh Tư đã “khăn gói” mang bức ảnh đó đi trình cùng lãnh đạo và nhờ “bửu bối” này, giải mới được tiến hành”. Sau giải, đội tuyển billiards TPHCM được thành lập và tham dự giải Hà Nội mở rộng nhân dịp nơi đây thành lập Liên đoàn Billiards.

Khi dự SEA Games 19, cả đoàn billiards Việt Nam phải tự túc chi phí nhưng Lý Thế Vinh và Dương Hoàng Anh lần lượt giành HCV và HCB partie libre, Đặng Đình Tiến chiếm HCĐ (3 băng) và Lê Phước Lợi đoạt HCĐ (1 băng). Một thành công bất ngờ. Nhờ vậy, khi về nước, các VĐV mới được hoàn lại tiền vé máy bay và tưởng thưởng. Năm 1999, giải vô địch toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội và các tuyển thủ được tranh tài tại SEA Games 20 (Brunei), nhưng chỉ xếp hạng 4 đôi nam billiards Anh và đồng đội billiards pool.

Tuy điều kiện vật chất chưa đầy đủ, nhưng với niềm đam mê và nỗ lực rèn luyện nhiều năm qua, các cơ thủ Việt Nam đã chơi thành công tại ASIAD 14 (Busan, 2002). Lần đầu xuất ngoại và thi đấu quốc tế, bằng bản lĩnh và tài năng, 2 cơ thủ của TP.HCM là Trần Đình Hòa và Dương Hoàng Anh đã lần lượt đoạt ngôi quán quân và á quân carom libre. Và đến SEA Games 22 (2003), các cơ thủ Việt Nam lại vươn lên xếp hạng nhất toàn đoàn với 4 HCV… Tiếp theo là các ngôi vô địch carom 1 băng của các cơ thủ TPHCM như: Dương Anh Vũ (Asian Indoor Games 2007), Đặng Đình Tiến (Asian Indoor Games 2009) và kỳ SEA Games nào có tổ chức thi đấu carom 1 băng thì HCV đều thuộc về các cơ thủ TPHCM.

Cơ thủ Trần Quyết Chiến (đang xếp hạng 17 thế giới)

Kể từ khi bước vào đấu trường thế giới năm 2001 đến nay, billiards carom 3 băng của TPHCM từng gây khó dễ cho các cơ thủ hàng đầu thế giới: Anh Vũ vào vòng 1/4 giải VĐTG 2006, còn ở đấu trường World Cup thì Trần Chí Thanh xếp hạng 2 (2007) và 3 cơ thủ từng xếp hạng 3 là Mã Xuân Cường (2011), Ngô Đình Nại (2013), Nguyễn Quốc Nguyện (2014). Một số cơ thủ hàng đầu thế giới cũng từng bị cơ thủ Việt Nam quật ngã như: Torbjörn Blomdahl (Thụy Điển, đang đứng hạng 1 thế giới), Merckx Eddy (Bỉ, hạng 3 thế giới)…

Theo HLV Nguyễn Việt Hòa, thành công này này nhờ vào truyền thống chơi billiards carom và các giải thi đấu của TPHCM luôn mang tính cạnh tranh mạnh mẽ, ngành TDTT cũng rất quan tâm đầu tư nên đã xuất hiện nhiều cơ thủ giỏi. Với ý thức chuyên nghiệp, một số cơ thủ còn tự bỏ tiền túi đi thi đấu các giải quốc tế hoặc nội bộ đội tuyển gồng gánh lẫn nhau vì kinh phí nhà nước có hạn.

Sau giải billiards carom 3 băng - Cúp TPHCM 2015, nhiều HLV và cơ thủ thành phố mong ước môn billiards sẽ sớm được thành lập liên đoàn. Sự góp sức của liên đoàn trong công tác vận động tài trợ sẽ tạo thêm nguồn kinh phí để các cơ thủ nâng cao trình độ chuyên môn, đạt thành tích tốt hơn và trở thành những cơ thủ chuyên nghiệp thật sự, vì hiện nay số lượng các giải quốc tế hàng năm mà Việt Nam tham dự vẫn còn khiêm tốn.

NGỌC THIỆN (tổng hợp)

>> Billiards trước thập niên 1980

Tin cùng chuyên mục