Bài 4: Giá nào cũng phải mua?

Như đã phân tích về phần cung - cầu ở các bài trước, vấn đề bản quyền truyền hình EPL tại Việt Nam sẽ tồn tại 2 yếu tố tưởng là liên quan nhưng thực ra lại khác xa nhau: Thứ nhất, giá ra thầu tại thị trường sẽ không thể giảm so với 3 mùa gần nhất. Thứ hai, các nhà đài Việt Nam có thể mua được giá thấp, với điều kiện phải biết cách mua.

Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) - Vòng Xoáy Kim Tiền

Như đã phân tích về phần cung - cầu ở các bài trước, vấn đề bản quyền truyền hình EPL tại Việt Nam sẽ tồn tại 2 yếu tố tưởng là liên quan nhưng thực ra lại khác xa nhau: Thứ nhất, giá ra thầu tại thị trường sẽ không thể giảm so với 3 mùa gần nhất. Thứ hai, các nhà đài Việt Nam có thể mua được giá thấp, với điều kiện phải biết cách mua.

Không khác gì 1 trận bóng

Một trận đấu sẽ luôn có đội mạnh và đội yếu, nhưng quan trọng là đội nào cũng muốn thắng. Đội mạnh thì thường có nhiều cách để thắng, còn đội yếu thì ít cơ hội hơn và thường chỉ thắng khi dựa trên sức mình để có thể đá chiến thuật hợp lý.

“Trận đấu BQTH EPL” cũng vậy. Từ chỗ chỉ xem Việt Nam là một phần trong thị trường Đông Dương cách đây 9 năm, thì bây giờ Việt Nam đã là một gói thầu độc lập của BTC giải Ngoại hạng Anh. Họ không căn cứ trên sức mua của các nhà đài Việt Nam mà dựa trên các số liệu về người xem thực tế, tức nhu cầu thật của giới mộ điệu trong nước, bao gồm mảng cá cược bất hợp pháp. Hơn nữa, họ đâu có bán cho nhà đài mà là mở thầu công khai cho những đại lý phân phối bản quyền quốc tế. Chính vì vậy, giá gốc của BQTH EPL chẳng liên quan gì đến chuyện các đài Việt Nam có đủ sức để mua hay không. Vấn đề này thuộc về đơn vị trúng thầu, tức các đại lý kiểu như MP&Silva. Họ nhắm thấy bán lại được với giá cao thì bỏ thầu.

Đài Canal Plus Overseas từng mua bản quyền 3 mùa vừa qua và chuyển giao cho K+.

Đây chính là ưu thế của các nhà đài Việt Nam. Trong “trận đấu” này, chúng ta biết chắc là các đối tác phân phối bản quyền là “đội mạnh”, bắt buộc phải đá tấn công nếu như đã trúng thầu, không thể không bán lại. Với tiềm lực tài chính có hạn, cách duy nhất để thắng “trận đấu” ấy là đá bằng thực lực của mình, tức là phải “phòng thủ” và chờ thời cơ trên bàn đàm phán. Xin nhớ là gói thầu này tính từ mùa bóng 2016-2017, tức là vẫn còn nhiều thời gian để nghiên cứu cách “đá” và quan trọng là chờ xem “đối thủ” của mình là ai sau khi BTC giải ngoại hạng công bố đơn vị thắng thầu thị trường Việt Nam.

Ma trận bản quyền

Bộ Thông tin - Truyền thông và Hiệp hội truyền hình trả tiền đã khuyến cáo các đài phải cử đại diện đàm phán và không được “mua bằng mọi giá”. Tuy nhiên, trong cuộc chơi BQTH EPL không hề đơn giản.

Hiện nay, trên hệ thống của các đài vẫn đang có những kênh thể thao quốc tế và đây cũng là những đối thủ rất quan trọng trong “cuộc chiến bản quyền”. Ví dụ như kênh Fox Sports hiện đang phát Bundesliga có bình luận tiếng Việt, một ngày đẹp trời họ mua gói độc quyền của EPL thì sao? Trường hợp này đã xảy ra trong việc Canal Plus Overseas mua bản quyền 3 mùa vừa qua rồi chuyển giao cho K+. Như vậy, vẫn có thể xảy ra trường hợp chẳng có đài nào tại Việt Nam mua trực tiếp BQTH EPL nhưng trên hệ thống của họ vẫn có thể phát sóng bóng đá Anh với điều kiện trả phí để những kênh thể thao quốc tế “mở khóa tín hiệu” trên lãnh thổ Việt Nam. Cách đây 12 năm, điều này đã xảy ra trên các kênh Stars Sports của truyền hình cáp Việt Nam.

Nói như vậy để thấy, mong muốn của cơ quan quản lý là một chuyện nhưng việc mua BQTH EPL với giá nào, phát ở đâu, thông qua đối tác nào thì thật là khó để kiểm soát.

Và đây cũng là điểm xuất phát của thắc mắc: tại sao các đài không thể liên kết với nhau mà luôn có một “cuộc chiến ngầm” để giành quyền phát sóng. Những đơn vị kinh doanh bản quyền quốc tế quá lọc lõi và có đủ thời gian để đánh giá tiềm năng của từng hệ thống đài truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Họ cũng chẳng loại trừ các kênh quảng bá miễn phí cho người xem như VTV6 bởi có thể “ăn chia” miếng bánh quảng cáo như trường hợp của Heineken trong gói phát sóng Champions League trên VTV3 hợp một thập niên qua. Nói cách khác, họ là những người nắm luật chơi, giữ “thế trận” và có đủ thời gian để lựa chọn “cách chơi”. Như vậy, để có thể kiểm soát được vấn đề giá cả, không đơn thuần chỉ là những khuyến cáo từ cơ quan quản lý mà cần có những cam kết rõ ràng giữa các đơn vị với nhau thông qua một “trọng tài độc lập” mới tránh được việc mỗi nơi mua một kiểu để rồi tổng lượng ngoại tệ chảy vào túi các nhà kinh doanh quốc tế vẫn cao hơn trước.

Hồ Việt

***

Nghệ thuật tăng giá

Sẽ có nhiều người thắc mắc vì sao giá bản quyền truyền hình EPL ngay tại Anh đã tăng đến mức kỷ lục từ 3,7 tỷ bảng lên đến 5,5 tỷ trong 3 mùa kế tiếp (mức tăng là 71%). Ai cũng biết, dân số Vương quốc Anh cũng chừng đó, số người xem cũng khó mà tăng đột biến, tại sao chi phí cho bản quyền lại tăng cao.

Nguyên nhân nằm ở các bộ óc kinh doanh của giải ngoại hạng đã không chịu đứng yên để chờ các đài tăng giá thuê bao để tăng thêm nguồn thu cho họ. Bằng một biện pháp kỹ thuật, họ đã giải quyết mọi chuyện rất đơn giản.

Sơ đồ tiền bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh từ mùa bóng năm 1992 đến 2019. (đơn vị tính tỷ bảng Anh).

Số trận đấu của giải ngoại hạng là 380, mỗi vòng đấu có 10 trận, nếu đem chia thành 7 múi giờ thi đấu khác nhau thì sẽ có ít nhất 7 trận/vòng được phát trên truyền hình. Thế là từ mùa 2016 trở đi, sẽ có 28 trận đấu diễn ra vào tối thứ Sáu và thứ Hai, ngang với số trận đấu đá sớm nhất và muộn nhất của ngày thứ Bảy. Với cách chia này, từ chỗ chỉ có 138 trận được phát trực tiếp trên truyền hình Anh quốc thì trong 3 mùa tới, có 168 trận được phát trên hệ thống đài Sky và BT. Như vậy, giá mỗi trận đấu sẽ không tăng so với trước nhưng vì số trận được mua phát sóng nhiều hơn thì số tiền thu về tăng thêm, tính trung bình sau khi cộng doanh thu toàn cầu, mỗi trận đấu của giải ngoại hạng sẽ có giá khoảng 17 triệu bảng.

Và đây chính là lý do để các CLB “chịu khó” thi đấu ở các khung giờ khác nhau dù điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và kế hoạch tập luyện, nhất là với các đội phải đá Cúp châu Âu. Doanh thu từ truyền hình sau khi chia đều 50% cho các CLB, 25% khác được chia theo thứ hạng và 25% cuối cùng được chia cho các đội được chọn để phát sóng. Ví dụ như mùa bóng vừa qua, dù kết quả thi đấu không đạt yêu cầu nhưng Man.United lại có đến 25/38 trận được trực tiếp tại Anh và họ bỏ túi thêm 18,7 triệu bảng từ 25% này. Riêng với bản quyền toàn cầu thủ 100% sẽ được chia đều cho các đội. Mùa trước, mỗi đội bỏ túi 32 triệu bảng. Chính những nguồn lợi này khiến các đội có muốn phàn nàn về lịch thi đấu cũng chẳng thể quyết liệt.

Việt Long 
 

Bao nhiêu thì vừa

Bản quyền truyền hình EPL tại Anh hiện được chia thành 7 gói khác nhau cho giai đoạn từ 2016-2019 sau khi có thêm các trận đấu vào ngày thứ 6, mỗi gói 1 giá. Từ 7 gói này, các đơn vị phân phối bản quyền có thể chia thêm thành 8-9 gói bởi các trận đấu tập trung vào ngày thứ hoặc giữa tuần thường đá cùng giờ và không phải đài nào cũng có thể trực tiếp hết các trận đấu cùng lúc.

Với một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, càng nhiều gói thì càng dễ bán khi hiện có đến 5 hệ thống truyền hình chọn việc phát bóng đá làm chiến lược phát triển thuê bao. Từ cách tính này của những đơn vị phân phối, số tiền cho mỗi gói bản quyền cũng không đến mức quá cao và các nhà đài cứ tự lượng sức mình mà mua. Có nhiều tiền thì mua những gói độc quyền, ít tiền thì chọn những gói “đại chúng” vào đêm thứ Bảy hay giữa tuần để mua, cũng được coi là “có bóng đá Anh để phục vụ người hâm mộ”.

Như 3 mùa giải gần nhất, các gói của SCTV, VTC và VTV Cab mua không nằm ngoài năng lực tài chính của nhà đài bởi đó là các gọi chọn trận để phát. Số tiền cũng nằm trong khoảng 40 tỷ đồng trở lại. Tuy nhiên, với cách chia gói mới của 3 mùa kế tiếp thì số trận độc quyền nhiều hơn, muốn mua thì phải tốn thêm tiền nếu không chỉ phát được những trận ít quan tâm.

Đây chính là điểm quan trọng để cơ quan quản lý nên giám sát hoạt động mua bản quyền của các nhà đài. Nếu không có sự điều hành chung, dẫn đến tình trạng mỗi đài mua 2-3 gói nhỏ không độc quyền nhưng lại mua trùng nhau, số tiền bỏ ra tưởng là không lớn nhưng nếu cộng chung lại thì có thể còn cao hơn trong khi người hâm mộ thì cũng chỉ xem được một vài trận hay trong một vòng đấu, đài nào cũng giống đài nào, trở nên lãng phí.

Đăng Linh

>> Bài 3: Cá cược - mảng tối của truyền hình bóng đá

Tin cùng chuyên mục