V-League 2014 - Cơn ác mộng của nhà tổ chức. Bài 2: Lấy ngoại đè nội

Cho đến nay, vẫn không ai biết những đóng góp cụ thể của ông Trưởng giải người Nhật Bản Tanaka Koji với V-League là gì? Đương nhiên ông Koji có làm việc, điều phối hoạt động điều hành nhưng trong bối cảnh V-League chẳng có chuyển biến gì về bản chất, liệu sự có mặt của chuyên gia Nhật Bản có lãng phí?

Cho đến nay, vẫn không ai biết những đóng góp cụ thể của ông Trưởng giải người Nhật Bản Tanaka Koji với V-League là gì? Đương nhiên ông Koji có làm việc, điều phối hoạt động điều hành nhưng trong bối cảnh V-League chẳng có chuyển biến gì về bản chất, liệu sự có mặt của chuyên gia Nhật Bản có lãng phí?

Bình phong hay “ngáo ộp”

Có một chi tiết dù nhỏ trong buổi trao giải cho nhà vô địch B. Bình Dương rất đáng suy nghĩ. Người ta cũng mời ông Trưởng giải Koji lên phát biểu theo đúng vai trò và thông lệ nhưng lại không bố trí người phiên dịch hoặc chí ít là một bài phát biểu đã được dịch ra tiếng Việt để đọc phụ họa. Thế là phần quan trọng nhất của lễ trao giải, tức là công bố chính thức từ người đứng đầu giải đấu, lại chẳng có chút ấn tượng nào cả.

Trưởng giải người Nhật Bản Tanaka Koji (trái) ngày chính thức nhận nhiệm vụ tại giải V-League 2014.

Những hình ảnh về ông Koji trong lễ tổng kết cũng là hình ảnh của ông để lại trong mùa bóng, tính từ vòng thứ 8, khi ông chính thức nhận chức danh Trưởng ban tổ chức (BTC). Nhạt nhòa, không chút dấu ấn, thậm chí chẳng ai buồn quan tâm ông trưởng giải nghĩ gì. Mùa bóng 2014 là mùa giải nhiều sự cố nhất lịch sử bóng đá Việt Nam nhưng thử hỏi ông Koji đã được bao nhiêu lần bày tỏ chính kiến của mình. Người ta chỉ thấy vai trò của VFF, còn cái BTC của Công ty VPF mà ông Koji đứng đầu chẳng khác nào những người thừa hành. Kiểu như một bộ phận tổ chức sự kiện, “sai đâu đánh đó”.

Thật lòng mà nói, các biến cố của V-League 2014 chỉ có tầm VFF mới đủ khả năng giải quyết nên BTC trở nên thừa thãi cũng là điều dễ hiểu. Nhưng một khi BTC giải chỉ làm công tác hành chính, sự vụ thì chuyện mời một chuyên gia từ Nhật Bản sang để làm gì?

Từ đó, người ta mới suy ra rằng hoặc là ông Koji chỉ là “bức bình phong” trong cái xu thế “dùng hàng Nhật” mà VFF khởi xướng, hoặc là ông được xem như một “ông kẹ” để hù dọa các CLB với cái “mác” đến từ Nhật Bản của ông. Thực tế, công việc của ông Koji thích hợp với một chuyên gia tư vấn hơn.

Chỉ cần “hàng ngoại” là đủ?

Sau trường hợp của ông Koji, đến lượt 3 trọng tài người Nhật được mời sang thổi V-League. Xét về chuyên môn, đây là chuyện bình thường trong thế giới bóng đá. Nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam, nó mang ý nghĩa hoàn toàn khác.

Nếu đây là hoạt động “trao đổi trọng tài” giữa các giải đấu thì chẳng nói làm gì, đằng này 3 trọng tài ngoại đều phân công thổi 3 trận cầu được dự báo quyết định đến chức vô địch. Người ta nghĩ đến 2 lý do: Một là, trọng tài Việt Nam quá kém, không cầm còi nổi trận quan trọng. Hai là, BTC sợ kiện cáo, sợ giải bị đổ bể, nên mời trọng tài ngoài để có cớ… “đổ thừa”.

Ngoài 2 lý do đó ra, chúng tôi chẳng thấy cơ sở nào khác. Trọng tài Việt Nam từ trước đến nay, chủ yếu bị phản ứng ở các trận liên quan đến chuyện trụ hạng. Đây là kiểu trận đấu có chất lượng kém, cầu thủ đá xấu. Các vụ đuổi đánh trọng tài đều diễn ra ở những trận thế này trong khi tỷ lệ những trận cầu đinh có vấn đề trọng tài thì rất ít gặp. Nếu thật sự muốn chứng minh cho trọng tài nội thấy sự khác biệt của trọng tài ngoại thì lẽ ra phải bố trí thổi các trận như thế. Nếu không tin, cứ hỏi giới trọng tài, họ sợ thổi những trận nào nhất. Chắc chắn, trọng tài nào cũng thích được thổi các trận đỉnh cao, đó không phải là “ca khó” mà ngược lại, là vinh dự nghề nghiệp.

Đằng này VPF làm ngược lại. Kết quả là việc mời trọng tài ngoài cũng chẳng khác mấy chuyện mời ông Koji. Hoàn toàn là kiểu hình thức, mang tính đối phó.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục