Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: Visa rất vui mừng khi luôn là một phần của chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt, tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ và các đối tác thúc đẩy thanh toán số ở Việt Nam. Ngày không tiền mặt là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình của nền kinh tế số Việt Nam, mang đến những trải nghiệm mua sắm tiện lợi, nhanh chóng hơn cho người tiêu dùng. Chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của Chính phủ hướng đến xã hội không tiền mặt, Visa cung cấp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và các lĩnh vực công của Việt Nam đa dạng các giải pháp thanh toán số thuận tiện, an toàn và hiệu quả nhất.
Đồng hành bền bỉ với Ngày không tiền mặt từ những ngày đầu, Visa trực tiếp tham gia nâng cao nhận thức về thanh toán số và lợi ích của xã hội không tiền mặt. Tại hội thảo Ngày không tiền mặt diễn ra ngày 16-6, ông Kelvin Utomo, Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm và giải pháp, Visa Việt Nam và Lào, chia sẻ: Thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt thanh toán không tiếp xúc, là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á và Việt Nam.
Ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc hoặc mã QR, nhờ vậy, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ của toàn thị trường Việt Nam năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm ngoái. Theo đó, bộ giải pháp thanh toán số đa dạng và toàn diện của Visa cũng đã góp phần giúp nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phục vụ tốt các giao dịch giữa người mua và người bán.
Trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2023, Visa mang đến nhiều khuyến mãi và giảm giá cho người dùng thanh toán số tại các đơn vị bán lẻ và điểm chấp nhận thanh toán, ví dụ, ưu đãi giảm 10.000 đồng khi thanh toán không tiếp xúc thẻ Visa tại Starbucks cho thức uống size vừa và lớn. Visa cũng tổ chức các hoạt động thú vị trong Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town từ ngày 16 đến 18-6 tại đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM.
Kỷ nguyên thanh toán số tại Việt Nam
Trong đại dịch Covid-19, tại Việt Nam, việc sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng vượt bậc. Nhiều người dùng lần đầu trải nghiệm sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ để thanh toán cho đơn hàng giao tận nhà hoặc chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch, dù việc sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến, tỷ lệ người tiêu dùng chọn các thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.
Theo Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Trên thực tế, theo dữ liệu từ mạng lưới VisaNet số lượng giao dịch không tiếp xúc trên thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Cũng theo nghiên cứu, việc sử dụng ví điện tử để thanh toán, nhất là thanh toán trực tuyến và quét mã QR, cũng tăng mạnh trong năm qua.
Số liệu của nghiên cứu cho thấy 2/3 người được khảo sát kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2030. Góp phần đáp ứng mong muốn về những đổi mới và cơ hội trải nghiệm mua sắm thuận tiện và an toàn hơn từ thanh toán kỹ thuật số, hình thức tích điểm UP by UrBox triển khai qua hình thức liên kết thẻ Visa, đã là cầu nối giữa các thương hiệu và tổ chức tài chính, ngân hàng với hàng triệu người dùng.
Mọi chi tiêu trở nên thú vị hơn khi người dùng có thể tích điểm tới 20% giá trị đơn hàng thanh toán qua thẻ Visa. Liên kết thẻ một lần duy nhất trên ứng dụng UrBox, người dùng có thể đổi điểm thưởng tích lũy lấy ưu đãi và tận hưởng những dịch vụ yêu thích tại hơn 350 thương hiệu.
Với cam kết thúc đẩy các giải pháp thanh toán số tại Việt Nam, Visa trở thành đối tác thanh toán chính thức của Michelin Guide tại Hà Nội và TPHCM trong 2 năm tới. Ngày 6-6 vừa qua, danh sách những nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội và TPHCM nhận ngôi sao Michelin danh giá đã được công bố.
Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bước vào nền kinh tế số
Visa đã dẫn đầu một loạt sáng kiến có tác động tích cực tới thanh toán số, hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ tiếp cận các phương thức thanh toán kỹ thuật số và tăng cường sự tham gia vào nền kinh tế số. Đáng chú ý, Visa đã vượt qua nửa chặng đường của mục tiêu đồng hành phát triển số hóa cho 50 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, Visa vừa hợp tác với SmartPay, cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước những thiết bị cần thiết cho việc chuyển đổi số, như cổng thanh toán tại điểm bán hàng (POS). Visa cũng thực hiện thỏa thuận kết nối với công ty công nghệ tài chính hàng đầu Bizzi và ngân hàng Shinhan Bank, ra mắt gói giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm giải pháp thanh toán tiện lợi Thẻ Doanh nghiệp Visa. Cụ thể, nền tảng Quản lý chi tiêu Bizzi được thiết kế doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình quản lý chi phí và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ bởi ngân hàng Shinhan Bank.
Visa cũng đang hỗ trợ người dùng thẻ doanh nghiệp Visa Commercial với những chiết khấu và ưu đãi đặc biệt từ hàng loạt đối tác, gồm Qatar Airways, Avis, Adobe, Microsoft, AWS và Google. Cũng trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt, khi sử dụng thẻ Visa Platinum, Signature, Infinite hoặc thẻ doanh nghiệp Business/Corporate để mua vé bay của Vietnam Airlines, khách hàng được tặng thêm dặm thưởng hoặc giảm 20% khi mua thẻ hội viên Accor Plus Explorer.
Visa còn mang đến loạt giải pháp B2B đảm bảo rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể khai thác các thị trường mới để phân phối và cung ứng, đồng thời thực hiện giao dịch trực tuyến một cách bảo mật. Với Nhà cung cấp Giải pháp Thanh toán Doanh nghiệp Visa (BPSP), doanh nghiệp có thể kích hoạt thanh toán B2B và kiểm soát quy trình thanh toán tốt hơn với nguồn lực tối thiểu. Khi kết nối với các Giải pháp Thanh toán Doanh nghiệp của Visa, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa dòng tiền bằng cách tận dụng chiết khấu thanh toán sớm khi thanh toán hóa đơn, bảng lương và chi phí thuê văn phòng bằng thẻ doanh nghiệp Visa Commercial cho các đơn vị không chấp nhận thanh toán Visa.
Ưu tiên thanh toán an toàn, bảo mật
Với sự phổ biến của việc ứng dụng thanh toán số, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc bảo mật thông tin. Tội phạm kỹ thuật số đã gia tăng, từ gian lận thẻ tín dụng đến tội phạm thương mại, đánh cắp danh tính, phần mềm độc hại. Tội phạm mạng dự kiến tiêu tốn của các công ty 10.500 tỷ USD vào năm 2025, trong khi hơn 33 tỷ hồ sơ dự kiến bị tội phạm mạng đánh cắp vào năm 2023, tăng 175% so với năm 2018.
Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tăng, các công ty và tổ chức phải thực hiện chiến lược bảo mật tối ưu nhất, bao gồm xác định rủi ro và khả năng có thể xảy ra, đồng thời lựa chọn chiến lược hiệu quả để giảm thiểu rủi ro và đánh giá hiệu quả của chiến lược đó khi các mối đe dọa tiếp tục phát triển.
Visa đã không ngừng nỗ lực cung cấp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số an toàn cho các doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, Visa đã đầu tư 10 tỷ USD trên toàn cầu để tăng cường an ninh mạng và chống gian lận. Để giúp chống lại tội phạm mạng, bảo vệ hệ sinh thái thanh toán và giữ an toàn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, Visa gần đây đã cập nhật Lộ trình An ninh thanh toán tại Việt Nam. Các biện pháp bảo mật mới này được phát triển để cung cấp khả năng bảo vệ nâng cao cho giao dịch được thực hiện trực tuyến và tại điểm bán lẻ trên thị trường.
Nhằm khẳng định cam kết của Visa về hỗ trợ bảo mật kỹ thuật số cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam, mới đây, Visa đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh về bảo mật Việt Nam 2023 do Bộ TT-TT Việt Nam tổ chức, với phần trình bày của ông Louis Smith, Giám đốc Rủi ro, Visa khu vực Đông Nam Á.