Vẻ đẹp bóng đá tấn công

Có 2 sự kiện lớn ở làng cầu thế giới: Một là Tây Ban Nha vô địch Euro 2012 và gợi lên đề tài tranh luận liệu đây có phải là đội bóng vĩ đại nhất hay không; hai là cuộc tranh cãi khác liên quan đến Messi, người đang tiến dần đến ngôi vị cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Có 2 sự kiện lớn ở làng cầu thế giới: Một là Tây Ban Nha vô địch Euro 2012 và gợi lên đề tài tranh luận liệu đây có phải là đội bóng vĩ đại nhất hay không; hai là cuộc tranh cãi khác liên quan đến Messi, người đang tiến dần đến ngôi vị cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Sẽ khó mà tìm ra điểm kết thúc của các cuộc tranh cãi trên khi gần 100 năm qua, bóng đá thế giới biến đổi không ngừng về quan điểm chơi bóng, những mô hình chiến thuật và sự tương tác sâu sắc giữa cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, có một điều không ai phủ nhận đó là vẻ đẹp của bóng đá tấn công đã lên ngôi.

Tại Euro 2012, Tây Ban Nha không phải là đội bóng ghi nhiều bàn nhất, tấn công hay nhất nhưng chắc chắn, đó là đội bóng đáng ngưỡng mộ nhất. Với việc sở hữu tỷ lệ chuyền bóng đến 60%-70% thời gian trận đấu, họ gần như bóp nghẹt mọi đối thủ và biến sân cỏ là cuộc trình diễn riêng mình. Họ đã tạo ra một tỷ số kinh hoàng trong trận chung kết trước một chuyên gia phòng thủ như người Italia. Cách chơi của đội tuyển Tây Ban Nha là chiếm hữu tối đa trận đấu và triệt hạ đối phương bằng những cơ hội tưởng chừng như là nhỏ nhất. Sẽ có vô số sự tranh cãi về sức mạnh của Tây Ban Nha nhưng tại Euro 2012, đội bóng đến từ xứ sở bò tót này đã giới thiệu cho thế giới thấy ngay khi đá với sơ đồ 4-6-0, tức là chẳng cần có tiền đạo thực thụ, họ vẫn có thể đánh bại mọi đối thủ.

Và nếu chúng ta nhìn cách họ thắng Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012, chẳng ai có thể xác định đâu mới là giới hạn của Tây Ban Nha trong công cuộc “khai sáng” thế giới bằng lối chơi Tiqui-taca được phát triển đến mức cao nhất.

* * *

Tiqui-taca là danh từ được nhắc đến khi Barcelona trình diễn thứ bóng đá mà HLV Wenger của Arsenal phải thốt lên “họ đá như trong trò chơi Play Station”. Và ở Barcelona, có Messi thiên tài, người được ví như viên ngọc cuối cùng được đặt trên chiếc vương miệng mang tên Tiqui-taca.

Năm 2012, Messi thổi bay mọi giới hạn của lịch sử. Anh vượt qua cột mốc 85 bàn thắng trong một năm của huyền thoại Gerd Muller. Anh cùng Barcelona thống trị La Liga và dẫn dắt Argentina tiến gần đến VCK World Cup 2014.

Người ta không còn muốn bàn nhiều đến những bàn thắng của Messi nữa mà đang nói về sự tái hiện một mẫu hình thiên tài trong bóng đá tưởng chừng đã quên lãng kể từ sau huyền thoại Maradona: đó là liệu một con người có thể đưa một đội bóng đến vinh quang bằng tài năng của mình hay không.

Messi vẫn chưa thoát khỏi cuộc tranh cãi ấy bởi anh đang chơi ở một Barcelona quá toàn diện chứ không phải là một Napoli hầu như không có gì trước khi Maradona đến để biến đội bóng thành Naples thành quyền lực Serie A. Vì vậy, người ta chờ đợi Messi sẽ giúp Argentina vô địch World Cup 2014 như Maradona đã làm ở World Cup 1986. Thời gian vẫn còn phía trước, Messi vẫn khát khao chinh phục mọi giới hạn mà người ta tưởng chừng như đã bị chính anh phá sập tự lúc nào.

Tạ Khánh

Tin cùng chuyên mục