HAGL vừa sa thải HLV người Hàn Quốc Choi Yoon Gyum, còn ông thầy người Anh Dylan Kerr của Hải Phòng có lẽ chẳng còn bao nhiêu “nốt nhạc”. Hai đội bóng có HLV ngoại của V-League đều đã thất bại ở mùa giải 2014 và gần như trào lưu dùng thầy ngoại sẽ chẳng còn đất sống ở V-League.
Ông Lê Thụy Hải và thành công với B. Bình Dương chính là minh chứng rõ nhất cho cái tài của HLV nội. Kể từ khi ông Hải rời B. Bình Dương sau mùa 2008, đội bóng này đã nhiều lần tìm cách “thoát” khỏi những “ám ảnh” thành công mà ông Hải để lại, trong đó có cả việc dùng HLV ngoại sau khi nhiều HLV nội khác đã “chào thua”. Rốt cục, ông Hải vẫn là người duy nhất giúp B. Bình Dương vô địch Việt Nam.
Ông Lê Thụy Hải và HLV Dylan Kerr. Ảnh: Quang Minh
Trường hợp của ông Hải là minh chứng rõ nhất về vai trò mang tính quyết định của một HLV. B. Bình Dương chưa bao giờ là đội bóng yên bình trong nội bộ, nhưng ông Lê Thụy Hải lại giải quyết tốt đẹp những khó khăn tưởng chừng không thể của B. Bình Dương. Khi đăng quang, ông già 69 tuổi ấy không giấu sự tự hào về cá nhân mình: “Tôi đã chứng minh mình chưa quá già để trở thành người thừa thãi”.
Tất nhiên, dấu ấn của ông Hải không chỉ ở trong phòng thay đồ. Ông Hải đến B. Bình Dương sau vòng 4, tức là đa số cầu thủ mà B. Bình Dương mua trước đó không phải do ông đề xuất. Ông Hải đã tiếp tục giúp Anh Đức tỏa sáng, tìm lại cho Kesley Huỳnh niềm vui ghi bàn như thời đỉnh cao, sử dụng hiệu quả Abbas, chân sút được kỳ vọng nhất của B. Bình Dương. Ở giai đoạn giữa mùa, ông có thêm Lê Tấn Tài và ngay lập tức, đặt cựu tiền vệ của Khánh Hòa trở về với vị trí ngôi sao ngày nào. Như chúng tôi từng phân tích, B. Bình Dương chưa bao giờ thiếu cầu thủ giỏi, cái khó là làm sao để họ ra sân với khát khao thể hiện lớn nhất, đấy chính là cái tài của ông Lê Thụy Hải.
* * *
Nhưng nếu nói về HLV nội nào để lại dấu ấn lớn nhất, thì đó lại là ông Mai Đức Chung. Việc ông rời khỏi Thanh Hóa trước khi mùa bóng kết thúc cho thấy ông thất vọng thế nào với lãnh đạo CLB này. Thanh Hóa ở giai đoạn 1 không phải là đội bóng mạnh về lực lượng, các ngoại binh của họ đều quá già trong khi nội binh lại không có ngôi sao. Nhưng ông Chung vẫn đưa Thanh Hóa đến vị trí rất gần với cơ hội lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, các bổ sung trong giai đoạn giữa mùa đều không hiệu quả, chủ yếu là “hàng dạt” từ V. Ninh Bình, hoàn toàn không phải là các giải pháp mang tính đột phá. Trên cơ sở đó, việc Thanh Hóa kết thúc với vị trí thứ 3 đã là thành công và đội bóng này nên ghi công cho ông Mai Đức Chung.
V-League 2014 cũng chứng kiến một “hiện tượng” lạ đó là không có những biến động lớn nào trên băng ghế huấn luyện, bao gồm cả đội chót bảng HV An Giang. Những thay đổi ở cuối mùa tại Thanh Hóa, HV An Giang chỉ là khi mọi thứ đã rồi.
Phải chăng là V-League đang cạn nguồn HLV? Trên thực tế, với tình hình khó khăn của bóng đá Việt hiện nay, có thể nói các HLV trong mùa giải 2014 đã làm tốt nhất những gì có thể. Như trường hợp của HV An Giang, liệu ai có thể làm tốt hơn ông Nhan Thiện Nhân? Hoặc ở SLNA, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã cho thấy khả năng xoay xở của mình dù mất hàng loạt trụ cột hồi đầu mùa.
Ngược lại, với HAGL và Hải Phòng, thứ hạng chung cuộc của họ đúng là thất bại. Đáng tiếc nhất là HAGL khi họ có trong tay những cầu thủ ngoại tốt và một dàn nội binh đã chơi chung nhiều năm nhưng lại phải đứng ở vị trí kém nhất kể từ khi thăng hạng đến nay.
Hồ Việt
- Bài 3: Vì sao B.Bình Dương vô địch?