Trái tim nhiệt huyết trên đường đua

Thường xuyên góp mặt tại các giải marathon trong vai trò pacer (người dẫn tốc), cô gái nhiệt huyết Phan Thị Bảo Trâm luôn cho thấy niềm đam mê cháy bỏng với chạy bộ và còn tạo nên bao câu chuyện truyền cảm hứng đến cộng đồng.

Trong những năm qua, phong trào chạy dẫn tốc (pacer) ngày càng trở nên phổ biến tại các giải chạy marathon ở Việt Nam. Pacer luôn bên cạnh đồng hành và lên dây cót tinh thần cùng các “chân chạy”, thắp ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần không bỏ cuộc. Với tâm niệm như thế, Phan Thị Bảo Trâm đã quyết định trở thành một pacer và luôn kết nối, chia sẻ việc tập luyện của bản thân với mọi người, cũng như hỗ trợ cộng đồng chạy bộ. Bảo Trâm chia sẻ: “Vốn là một VĐV chạy phong trào, nhưng dần dà, tôi lại phát hiện mình phù hợp với công việc hỗ trợ, truyền cảm hứng cho những người mới tập chạy marathon (newbie). Niềm hạnh phúc và nét mặt hân hoan của họ khi hoàn thành được cự ly tại những giải chạy đã truyền cảm hứng ngược lại cho tôi”.

h1g-3970.jpg
Pacer (người dẫn tốc) tiếp thêm động lực để người tham dự hoàn thành cự ly Ảnh: NVCC

Tưởng chừng đã quen với việc chạy bộ, thế nhưng để trở thành một pacer lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Ngoài việc chạy tốt, thì tinh thần hỗ trợ và thấu hiểu là những yếu tố quan trọng cần có để hoàn thành tốt công việc này. “Khi dẫn tốc, bạn phải đặt sự hoàn thành của người tham dự là ưu tiên hàng đầu. Bạn không chạy vì bản thân mà còn vì nhiều người khác nữa. Thành công của một pacer không phải là về đúng giờ, mà là có thể đưa càng nhiều người tham dự về đúng giờ nhất có thể. Quan trọng nhất, chúng tôi phải trở thành người truyền lửa, người bạn mà mọi runner có thể tin tưởng”, nữ pacer nói.

Là phái nữ, song Bảo Trâm luôn phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt nhất để trở thành pacer. Người dẫn tốc như bạn đồng hành, nhắc các “chân chạy” giữ tinh thần, chú ý các khúc cua, điểm tiếp nước hay chụp ảnh... Ngoài ra, họ còn phải được huấn luyện kỹ về những sự cố xảy ra trên đường chạy. Đôi khi danh sách việc cần làm dài đến nỗi Trâm phải mất nhiều tháng để làm quen, thực hành trước khi tham gia hỗ trợ tại các giải bán marathon hay marathon. Theo Trâm, mỗi giải có điều kiện thi đấu khác nhau đòi hỏi pacer phải tìm hiểu kỹ cung đường, vị trí trạm nước, trao đổi với các thành viên để có chiến thuật phù hợp. Họ phải nắm rõ từng khúc cua, đoạn rẽ để đảm bảo không bị lạc, nhầm đường.

Bảo Trâm đồng hành với các “chân chạy” tại một giải marathon. Ảnh: NVCC
Bảo Trâm đồng hành với các “chân chạy” tại một giải marathon. Ảnh: NVCC

Vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe, Phan Thị Bảo Trâm được lựa chọn trở thành người dẫn tốc tại giải chạy Run To Live - Chạy vì cuộc sống 2024 (do Báo SGGP phối hợp cùng Sở VH-TT TPHCM và Công ty Miracle Entertainment Group tổ chức). Cô sẽ đảm nhận vai trò tại mốc thời gian sub 2:30 trên cung đường chạy tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Nữ pacer cho biết: “Tôi đánh giá cung đường chạy Run To Live rất lý tưởng, phù hợp cho cả VĐV phong trào lẫn chuyên nghiệp. VĐV phong trào có thể vừa chạy và trải nghiệm, trong khi các VĐV chuyên nghiệp có cơ hội phát huy sở trường của mình để đạt thứ hạng cao. Dĩ nhiên, từ 3 đến 5 ngày trước khi giải chạy diễn ra, mọi người nên chuẩn bị dinh dưỡng phù hợp, kỹ lưỡng và chăm chút cho giấc ngủ hơn”.

Cô cũng bật mí thêm, Run To Live 2024 đã là giải thứ 13 cô tham gia với vai trò pacer. “Khi biết tin trở thành pacer tại một giải chạy lớn hơn 6.000 người tham dự do một tờ báo có uy tín như Báo SGGP tổ chức, tôi đã phải nghiêm túc để lên các kế hoạch chuẩn bị. Nghiêm túc không chỉ trong tập luyện, đảm bảo cho thể chất và vận động để có thể hoàn thành nhiệm vụ, đưa các chân chạy về đích. Mà ở đây còn là sự nghiêm túc chú ý đến các thông tin của giải và giới thiệu sự kiện đến với mọi người cùng thông điệp chạy vì cuộc sống tươi đẹp”, Trâm chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục