Thể thao TPHCM 39 năm sau ngày thống nhất - Dấu ấn tiên phong

1. Thể thao TP đã thể hiện một sức sống kỳ lạ ngay từ những ngày đầu khi đất nước thống nhất. Không những nhanh chóng khôi phục lại hoạt động thể thao mà còn phát huy được vai trò đầu tàu, sự đóng góp của TPHCM vào sự phát triển của thể thao Việt Nam là vô cùng to lớn.

Trong 39 năm qua, điều ấn tượng nhất của thể thao TPHCM chính là những cột mốc mang tính tiên phong. Không ai có thể quên được hình ảnh xúc động của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ khi trở thành VĐV đầu tiên đoạt HCV tại kỳ Asiad 1994 được tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản). 4 năm sau, võ sĩ taekwondo Hồ Nhất xuất sắc đem về cho thể thao Việt Nam chiếc HCV duy nhất tại Asiad 1998. Rồi chính thể thao TPHCM góp công lớn cho huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic khi nữ võ sĩ đại diện cho TPHCM Trần Hiếu Ngân đoạt HCB tại Olympic 2000 ở Sydney (Australia). Đấy đều là những mốc son của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Trong thời kỳ đầu khi thể thao Việt Nam hội nhập với thế giới ở thập niên 80, 90 thế kỷ trước, TPHCM luôn đóng góp lực lượng VĐV đông đảo nhất và đạt thành tích nhiều nhất cho đất nước. Ngay từ đầu, hướng phát triển của thể thao TPHCM đã tập trung vào những môn cơ bản, có khả năng tranh đua trên đấu trường quốc tế như điền kinh, bơi lội, võ thuật, bóng bàn…

Võ sĩ Trần Hiếu Ngân (trái) giành chiếc HCB đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Olympic Sydney 2000. Ảnh: HUY THẮNG

Võ sĩ Trần Hiếu Ngân (trái) giành chiếc HCB đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Olympic Sydney 2000. Ảnh: HUY THẮNG

2. Sự phát triển của thể thao TPHCM trong 39 năm qua không chỉ nằm ở chiều sâu mà còn ở bề rộng. Có những thời điểm cuối thập niên 90, số lượng các CLB bán chuyên nghiệp các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… tại TPHCM chiếm đến 1/4 thành phần tham gia các giải vô địch quốc gia. Tính đến nay, TPHCM vẫn đứng đầu về số lượng chức vô địch ở các bộ môn này. Đấy là chưa kể các mô hình xã hội hóa, tiền thân của thể thao chuyên nghiệp đều được áp dụng đầu tiên tại TPHCM thông qua mô hình hoạt động của các công ty, tổ chức đóng trên địa bàn TP. Cũng chính tại TPHCM là nơi ra đời các liên đoàn thể thao cấp địa phương đầu tiên trong cả nước, tạo nền tảng cho sự phát triển sâu rộng của thể thao trong đời sống xã hội.

Nói đến thể thao TPHCM là nói đến chiếc nôi đầu tiên tại sân Tao Đàn của bóng đá nữ do Trung tâm thể thao quận 1 gầy dựng từ 20 năm trước để giờ đây, đội tuyển nữ Việt Nam với nhiều thành viên nòng cốt từ TPHCM đang có cơ hội đoạt vé dự World Cup. Chúng ta cũng có thể nhắc đến giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng, sự kiện đầu tiên được chứng nhận mang đẳng cấp châu Á. Hay các giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, Cúp xe đạp Truyền hình TPHCM… đều là những sự kiện tầm vóc quốc gia và được duy trì bền bỉ gần 20 năm qua.

3. Nhưng điều đáng tự hào nhất của thể thao TPHCM chính là khát khao thay đổi chính mình. 10 năm gần đây, thể thao TPHCM có những sa sút nhất định, đặc biệt là ở phần đỉnh cao. Nhiều môn vốn thế mạnh này không còn giữ được vai trò tiên phong. Sự đóng góp của thể thao TPHCM với nước nhà cũng đã giảm về tỷ trọng. Đã xuất hiện những cuộc khủng khoảng không nhỏ ở một số môn từng là niềm tự hào của cả nước như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội…

Tại cuộc hội thảo về thực trạng thể thao TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây, điều đáng mừng là tinh thần của những người làm thể thao của TP vẫn còn tràn trề nhiệt huyết. Dám nhìn thẳng vào các thất bại và trăn trở tìm một hướng đi mới là nội dung của hàng chục tham luận được gửi đến hội thảo, điều đó cho thấy khát khao trở lại với ngôi số 1 trong nền thể thao nước nhà vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của người làm thể thao TPHCM.

Có thịnh thì ắt có suy. Sự chững lại của thể thao TPHCM âu cũng là cần thiết để có cái nhìn toàn diện và căn cơ hơn cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng nhìn lại 39 năm của thể thao TPHCM, xét trên một chiều dài lịch sử đặc biệt của TP, không thể không tự hào về những đóng góp, thành công mà thể thao TP đã mang lại.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục