Thảm kịch giẫm đạp ở Angola, 17 người chết

Có ít nhất 17 CĐV thiệt mạng trong vụ hỗn loạn ở một sân vận động (SVĐ) phía bắc Angola và không ít người bị thương nặng, AFP cho biết.

Bi kịch xảy ra trong một trận đấu ở giải quốc nội của Angola giữa 2 đội bóng mang tên Santa Rita de Cassia và Recreativo de Libolo ở thành phố Uige. “Đã có hiện tượng tắc nghẽn ở cổng vào SVĐ 4 tháng 1 và đây là nguyên nhân khiến 17 người chết và 56 người bị thương hiện đang được điều trị trong bệnh viện”, người phát ngôn Orlando Bernardo của cảnh sát nước này thông báo.Ông nói thêm rằng hiện chưa rõ có trẻ em trong số những nạn nhân hay không.

Thảm kịch giẫm đạp ở Angola, 17 người chết ảnh 1

Nhà chức trách Angola đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra.

Cảnh sát cho biết thêm hàng trăm NHM cố tình chen chúc để vào sân khi mà các khán đài đã không còn chỗ trống. Hậu quả là không ít người bị xô ngã giữa hỗn loạn rồi bị giẫm đạp đến chết.

Một số nhân chứng cho biết không ít CĐV trong vụ hỗn loạn không có vé trong khi một số nhân chứng khác kể rằng NHM bên trong sân đấu không hề hay biết về vụ việc cho đến khi nó kết thúc. Hãng tin Lusa của Bồ Đào Nha dẫn lời Chủ tịch Pedro Nzolonzi của CLB chủ nhà Santa Rita de Cassia và ông tin rằng lực lượng an ninh phải chịu trách nhiệm cho bi kịch này. “Lỗi nghiêm trọng của cảnh sát là để cho nhiều người tiếp cận SVĐ”, Nzolonzi nói. “Nhiều người trong số họ không muốn bỏ tiền ra trong lúc những người có vé thì lại không thể vào sân. Và rồi hỗn loạn xảy đến. Lỗi thuộc về cảnh sát và bi kịch này không đáng có”. Một nguồn tin khác cho biết chỉ có 2 nhân viên an ninh ở khu vực xảy ra vụ việc và khiến các CĐV không ngần ngại xô đẩy cho đến khi cửa sân bung ra.

Quang cảnh chật chội bên trong sân đấu.

Hãng thông tấn nhà nước Angop của Angola cho biết nhà chức trách nước này cũng đã nhanh chóng yêu cầu điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân. Hiện tuyển quốc gia Angola đang xếp tận vị trí 148 trên bảng xếp hạng Fifa và là một trong những nền bóng đá kém phát triển nhất châu Phi.

Bóng đá thế giới, đáng buồn là đã có không ít các vụ giẫm đạp thương tâm.Năm 2009, việc lực lượng an ninh yếu kém trong khâu kiểm soát đám đông ở sân đấu tại thành phố Abidjan khiến 19 người thiệt mạng ngay trước thềm trận vòng loại World Cup giữa chủ nhà Bờ Biển Ngà và Malawi. Hỗn loạn cũng bùng phát trên sân Accra Sports ở Ghana năm 2001 khiến con số người chết lên đến 127. Ở trận đấu đó, bực tức vì đội nhà thua trận, các CĐV đã ném nhiều pháo sáng và cả ghế ngồi xuống sân. Đáp lại, cảnh sát viện đến lựu đạn hơi cay và bi kịch sau đó xảy đến.

Lùi sâu hơn vào quá khứ, tháng 5-1964, 320 người cũng đã thiệt mạng và hơn 1000 người khác bị thương trong thời gian trận Peru – Argentina đang diễn ra ở SVĐ quốc gia ở Lima (thủ đô Peru). Hỗn loạn giữa bối cảnh có quá đông người chen chúc khiến cho con số thương vong quá lớn.

Tại Anh, nhà chức trách nước này cũng đã tiến hành tái tạo lại các sân đấu sau vụ hỏa hoạn ở một khán đài bằng gỗ năm 1985 làm 56 người chết và sau đó là vụ chen lấn cướp đi mạng sống của 96 NHM Liverpool trong trận bán kết FA Cup năm 1989.

VŨ ĐỨC

Tin cùng chuyên mục