Premier League và FIFA bất lực trước các ông trùm Saudi Arabia, tạp chí Forbes: “Pep Guardiola đã nói đúng”

Riyad Mahrez có thể đã 32 tuổi nhưng Manchester City không có ý định để anh ra đi. The Citizens trao cho cầu thủ chạy cánh người Algeria một hợp đồng gia hạn vào mùa hè năm ngoái, họ nhìn thấy Mahrez vẫn còn khả năng lâu dài. Đó là một thỏa thuận này là chưa từng có đối với một cầu thủ Man.City ở độ tuổi của Mahrez, vì rõ ràng Man xanh đã để Ilkay Gundogan, người có tầm ảnh hưởng tương tự và lớn tuổi hơn, ra đi trong năm nay.
Premier League và FIFA bất lực trước các ông trùm Saudi Arabia, tạp chí Forbes: “Pep Guardiola đã nói đúng”

Giám đốc bóng đá của Man.City, Txiki Begiristain cho biết vào thời điểm đó: “Anh ấy đã mang lại rất nhiều điều cho CLB bằng kỹ năng, tài năng, sự cam kết và khát khao giành chiến thắng của mình ngay từ khi mới đến. Tôi cũng biết rằng Pep và ban huấn luyện rất thích làm việc với Mahrez”. Vậy mà tiền đạo này đột ngột ra đi để gia nhập Al-Ahli với mức phí gần 40 triệu USD. Pep chỉ còn biết nói: “Cầu thủ nào thì cũng là cầu thủ. Chúng tôi không tìm kiếm sự thay thế Mahrez về mặt kỹ năng vì mỗi người chơi đều khác nhau. Nhưng rõ ràng Saudi Arabia đã thay đổi thị trường. Vài tháng trước, khi C.Ronaldo sang đấy, chẳng ai nghĩ nhiều cầu thủ hàng đầu sẽ chơi ở giải vô địch của Saudi Arabia. Nhưng điều đó đã xảy ra và trong tương lai, sẽ có nhiều hơn nữa”.

Mặc dù là người chỉ trích rất nhiều về việc các ngôi sao xế chiều sang chơi bóng ở bán đảo Ả rập chỉ vì tiền, nhưng cựu danh thủ Jamie Carragher cũng phải thừa nhận là khá nhiều cầu thủ vẫn đang ở độ tuổi phát triển tài năng. Tiền đạo chạy cánh 24 tuổi Jota gia nhập Al Ittihad từ Celtic là một ví dụ. Trong khi Sergej Milinkovic-Savic vốn đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp và được nhiều đội bóng hàng đầu theo đuổi khi chỉ mới 28 tuổi, cũng đã sang Saudi Atrabia. Thêm vào đó là Ruben Neves, 26 tuổi, được Barcelona để mắt trước khi chuyển đến Al Hilal với giá 60 triệu USD. Trường hợp như Kante dù lớn tuổi nhưng Chelsea vẫn sẳn sàng trao cho anh bản hợp đồng mới. Vậy nhưng họ vẫn ra đi.

Tạp chí kinh doanh nổi tiếng thế giới đặt ra câu hỏi: Liệu cái mệnh đề mà người ta hay dè bỉu về Saudi Pro là 'không có lịch sử và truyền thống' có còn đúng hay không? Một vài thông tin trên Google cho biết nhiều đội bóng ở Giải VĐQG Saudi Arabia đã tồn tại gần 100 năm, thi đấu ở các đấu trường hàng đầu châu Á, đã có những cuộc đua tranh trong nước khá lâu đời với những yếu tố kình địch đâu kém gì bóng đá Anh. Vấn đề là giải đấu này nằm ở châu Á, ít được quảng bá bằng một công nghệ tiếp thị hiện đại, nên bây giờ họ mua cầu thủ giỏi về là cách để sánh ngang với Premier League.

Cần phải rạch ròi 2 khái niệm. Đội tuyển quốc gia hoặc nền bóng đá Saudi Arabia có thể vẫn kém hơn các quốc gia châu Âu, nhưng chẳng có lý do gì để giải đấu Saudi Pro League lại không thể sánh ngang với Premier League nhất là khi nó xuất phát ngay từ …vạch đích. Premier League ra đời hơn 30 năm trước nhằm để tạo ra dòng tiền từ bản quyền truyền hình, thì bây giờ Saudi Pro League không cần tiền, mà họ dùng tiền để tạo ra Premier League theo phiên bản vùng Vịnh.

Henderson (phải) cũng rời Liverpool sang Saudi Arabia dù cầu thủ này là đại diện của cộng đồng LGBT vốn không hợp pháp tại Saudi Arabia

Henderson (phải) cũng rời Liverpool sang Saudi Arabia dù cầu thủ này là đại diện của cộng đồng LGBT vốn không hợp pháp tại Saudi Arabia

Các quốc gia châu Phi từ lâu đã thất vọng với cách các đội bóng châu Âu giành lấy những tài năng sáng giá nhất của họ, rồi dùng chiêu trò đổi quốc tịch để phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Điều đó khiến những cầu thủ vĩ đại nhất mà lục địa này từng sản sinh hầu như không bao giờ chơi một trận đấu cấp CLB nào ở châu Phi cả. Nam Mỹ, nơi từng có các giải đấu trong nước và châu lục cạnh tranh với châu Âu về uy tín, giờ bị biến thành dây chuyền sản xuất những thần đồng tuổi teen, những người sẽ được đưa sang bên kia thế giới trước khi người hâm mộ ở quê hương họ có cơ hội nhìn thoáng qua khả năng của họ .

Các quốc gia tự hào về bóng đá có lịch sử lâu đời và những cổ động viên cuồng nhiệt, như Mexico hay Saudi Arabia bị xem nhẹ chỉ vì các nền bóng đá này không được sở hữu các tài năng lớn. Thế nên, họ quyết thay đổi điều đó bằng tiền, theo cách mà các CLB châu Âu đã từng làm. Chưa biết họ có thay đổi được vị thế của Premier League, nhưng có một điều chắc chắn là vị thế đó đang và sẽ bị chia sẻ, ít nhất là lượng CĐV theo dõi các ngôi sao.

Báo chí Anh tỏ ra cay cú. Họ bắt đầu cho rằng Saudi Pro đang dùng bóng đá để làm chính trị, kiểu như tạo ra “quyền lực mềm” cho quốc gia theo kiểu Qatar tổ chức World Cup. Họ nghi ngờ Saudi Arabia đang dùng công quỹ để đầu tư bóng đá và FIFA bất lực, hoặc có thể phớt lờ. Họ cay cú lập luận rằng Premier League có đến 30 năm để tạo dựng giá trị mà đâu có dùng đến nguồn tiền như dự án 7 tỷ đô phát triển hình ảnh mà Saudi Arabia bơm một phần vào bóng đá.

Nhưng thực tế thì ngay cả điều đó có xảy ra, thì Saudi Pro cũng chẳng có lỗi gì khi lôi kéo các ngôi sao về châu Á thi đấu. Ngẫm cho cùng, họ đá ở đâu thì cũng là … đá bóng.

Tin cùng chuyên mục