Câu chuyện về các cầu thủ nước ngoài chính là điểm nhấn của mùa giải V-League này. Sắp diễn ra có thể xảy ra tình huống: Một CLB sẽ tung ra sân đến 7 cầu thủ không sinh ra ở Việt Nam, hoặc có đến 70% số cầu thủ đang chơi trên sân ở trường hợp tương tự. Đây là kết quả của việc cho phép mỗi đội có 2 cầu thủ Việt kiều, những người không bị xem là ngoại binh.
Mặc dù số cầu thủ ngoại có mặt trên sân vẫn khống chế ở con số 3, nhưng nếu có 2 cầu thủ Việt kiều, cùng 2 ngoại binh nhập tịch, thì số cầu thủ 100% nội địa được ra sân chỉ còn khoảng 4 người. Với những người xem bóng đá quốc tế thì điều này không có gì lạ. Từng có những trận đấu ở giải ngoại hạng Anh không hề có một cầu thủ Anh nào đá trên sân. Nhưng với Việt Nam, thì hẳn là quá mới mẻ.
Tuy nhiên, đây là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh AFC không khống chế số lượng ngoại binh ở các giải đấu cấp CLB, còn tại giải vô địch các CLB Đông Nam Á, thì cho phép đến 6 ngoại binh + 1 cầu thủ châu Á. Các CLB Việt Nam mà không làm quen với việc dùng ngoại binh thì cũng khó cạnh tranh khi bước ra thi đấu quốc tế.
Trên thực tế, cơ chế sử dụng ngoại binh ở Việt Nam vẫn chưa là gì so với các quốc gia Đông Nam Á. Như giải J-League của Nhật Bản, các CLB được phép đăng ký 5 ngoại binh + 3 cầu thủ Đông Nam Á và không bị tính là suất cầu thủ nước ngoài. Trong khi đó Thai – League có chính sách khá thoáng với 9 cầu thủ ngoại có thể được đăng ký gồm: 5 cầu thủ không hạn chế quốc tịch, 1 suất cho cầu thủ thuộc khu vực AFC (châu Á) và 3 suất cho khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Cũng tại Đông Nam Á, nếu nói về số lượng cầu thủ ngoại binh không hạn chế quốc tịch, thì Malaysia Super League cũng ở tốp đầu khi cho phép 9 cầu thủ nước ngoài được đăng ký gồm: 7 cầu thủ không hạn chế quốc tịch, 1 suất AFC và 1 suất ASEAN. Tại Philippines và Indonesia đều cho phép 5 cầu thủ không hạn chế quốc tịch + 1 suất châu Á hoặc Asean. Nhìn chung, vấn đề ngoại binh không còn là các rào cản kỹ thuật dùng để giúp cầu thủ nội địa phát triển tài năng. Đa số đều chấp nhận “mở cửa” hòng nâng cao chất lượng của giải VĐQG đồng thời cũng để quảng bá cho giải đấu của mình. V-League không thể ngoại lệ.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến hậu quả ai cũng thấy đó là số cầu thủ nội địa sẽ không còn nhiều trên sân khi làn sóng ngoại binh lấn át. Bài toán ấy hiện vẫn chưa có lời giải khi thành tích thi đấu của các đội Đông Nam Á hiện chưa cải thiện so với trước. Ví dụ như Indonesia, khi ký hợp đồng với HLV Shin Tae-yong hồi năm 2021, ông này được giao xây dựng đội tuyển từ lứa U20. Nhưng thành công hiện tại của Indonesia lại đến từ những cầu thủ được nhập tịch ồ ạt ngay trên đội tuyển quốc gia. Đội tuyển Thái Lan có thể chơi thứ bóng đá chất lượng hơn phần còn lại của Đông Nam Á, nhưng xét trên thành tích của 30 năm đứng đầu khu vực, thì đến nay, thì người Thái cũng chưa thể vào tốp 10 châu Á.