Novak Djokovic nên tái hợp với Boris Becker

Thông tin Novak Djokovic đột ngột chia tay với người HLV lâu năm Marian Vajda và “phần còn lại của đội hỗ trợ” của anh, bao gồm cả vị HLV thể lực Gebhard Phil-Gritsch và bác sĩ vật lý trị liệu Miljan Amanovic, đang gây ra một cú sốc lớn lao trong lòng giới mộ điệu và giới chuyên môn của làng quần vợt nam thế giới. 
Radmilo Armenulic: “Djokovic nên tái hợp với Becker”.
Radmilo Armenulic: “Djokovic nên tái hợp với Becker”.
Tuy vậy, theo cựu HLV trưởng đội tuyển Davis Cup của Nam Tư cũ, sau này là HLV của đội tuyển Davis Cup Serbia, ông Radmilo Armenulic – người thầy một thời của lứa thế hệ đầy tài năng bao gồm Bruno Oresar, Goran Prpic, Slobodan Zivojinovic và cả Goran Ivanisevic… với Djokovic ngay vào lúc này, phải có thứ gì đó “cần phải thay đổi”, và Armenulic cũng đưa ra lời khuyên tay vợt cựu số 1 thế giới người Serbia nên quay trở lại tái hợp với “đại sư phụ” Boris Becker để cứu vãn sự nghiệp của mình trước khi quá muộn.
Giai đoạn Djokovic chật vật với phong độ và cả sự tự tin của mình đã kéo dài suốt từ cuối tháng 6 năm ngoái – khi anh bất ngờ để thua Sam Querrey ở vòng 3 Wimbledon, cho đến 4 tháng đầu năm nay. Trong suốt quãng thời gian này, Djokovic chỉ giành được 2 danh hiệu, đó là ngôi vô địch Canada Masters hồi tháng 7-2016 và danh hiệu Qatar Open đầu năm nay. Ngược lại, anh đã để thua rất nhiều trận đấu quan trọng như thua Juan Martin del Potro ở vòng 1 Olympic Rio de Janeiro, thua Stan Wawrinka ở chung kết US Open 2016, thua Andy Murray ở chung kết ATP World Tour Finals tại London, thua Denis Istomin ở vòng 2 Australian Open 2017, 2 lần để thua Nick Kyrgios ở Acapulco và Indian Wells, và mới đây nhất là thua David Goffin ở tứ kết Monte Carlo Masters. Như vậy là… quá nhiều!
Và rõ ràng, việc Djokovic đưa ra quyết định “đồng thuận từ nhiều bên” với sự chấm dứt hợp tác cùng với đội hỗ trợ trong suốt thời gian vừa qua của anh xem như là một động thái để chấm dứt sự sa sút và khủng hoảng trong suốt thời gian qua. Djokovic đã quyết tâm hành động một cách triệt để, và điều này đã nằm trong dự liệu của HLV lão luyện Armenulic. Nhưng ông này cho rằng, thay đổi như vậy là chưa đủ, vì Djokovic cần phải tái hợp với Boris Becker, nguồn gốc thành công của chính bản thân anh trong giai đoạn 3 năm phát triển rất rực rỡ – thắng 6 danh hiệu Grand Slam đình đám cùng với nhau suốt từ tháng 12-2013 cho đến tháng 12-2016, thời điểm Becker quyết định dừng lại vì không hài lòng với cách tập luyện và thế giới quan, nhân sinh quan mới với quần vợt của Djokovic.
“Tôi đã chờ đợi nước cờ này của Djokovic, bởi vì thành tích của cậu ấy trong vài tháng vừa qua là thấp hơn mức đáng để mong chờ với một tay vợt tầm cỡ cựu số 1 thế giới như là cậu ấy. Phải có thứ gì đó cần phải thay đổi, bởi vì cái đội hỗ trợ này đã trở thành một kiểu như là gia đình thân thiết của cậu ấy, và tôi nghĩ rằng, Djokovic đã đưa ra một quyết định đúng đắn. Còn giờ đây, cậu ấy sẽ phải đặt bên mình một đội ngũ hỗ trợ mới nặng ký với một HLV có tên tuổi lớn dẫn dắt như là Boris Becker chẳng hạn, hoặc là Pete Sampras hay ai đó là một cựu tay vợt hàng đầu thế giới có đẳng cấp và có nhiều kinh nghiệm. Theo quan điểm của riêng tôi, việc đưa Becker quay trở về có thể là hành động tốt nhất vì cậu ấy đã từng chơi bóng với đẳng cấp cao nhất sau khi vị HLV người Đức gia nhập đội hỗ trợ của cậu ấy hồi năm 2013”, HLV Armenulic nhận định.
Cũng theo Armenulic, Djokovic cần phải thay đổi phong cách chơi bóng của mình cho phù hợp với tình trạng thể lực ở thời điểm hiện tại, anh nên tránh né việc lao vào những pha bóng giằng co kéo dài, thay vào đó, nên tập trung kết liễu sớm điểm số ở các pha bóng. Vị HLV 77 tuổi tin rằng, phong cách huấn luyện của Becker sẽ giúp Djokovic thay đổi lối chơi của anh: “Cậu ấy không cần phải quá vội vã và cũng chính vì lẽ đó, thay vì lao vào các pha bóng giằng co, cậu ấy nên tập trung giành các điểm số ngắn hơn. Sự thay đổi đó nghĩa là, cậu ấy cần phải tiến lên lưới nhiều hơn, cố gắng thắng các điểm số cuối sân nhiều hơn và điều này đòi hỏi cậu ấy cần được huấn luyện dưới phong cách của Becker. Tôi chắc chắn, quyết định để cho đội hỗ trợ lâu năm ra đi là quyết định riêng của bản thân cậu ấy, nhưng cũng có thể cậu ấy đã nhờ sự tư vấn từ ai đó bởi vì đôi khi, người trong cuộc không thể sáng nước bằng người đứng ngoài quan sát cả cục diện trong một thời gian”.

Tin cùng chuyên mục