Nhiều tiền chưa hẳn đại gia

Paris St.Germain (PSG) đã một lần nữa khiến cả châu Âu phải giật mình khi họ chiêu mộ tiền đạo Cavani. Mặc dù vậy, việc đầu tư lớn ấy không đảm bảo sẽ đưa PSG trở thành CLB tên tuổi lớn.
Nhiều tiền chưa hẳn đại gia

Paris St.Germain (PSG) đã một lần nữa khiến cả châu Âu phải giật mình khi họ chiêu mộ tiền đạo Cavani. Mặc dù vậy, việc đầu tư lớn ấy không đảm bảo sẽ đưa PSG trở thành CLB tên tuổi lớn.

Các cầu thủ PSG trong ngày đăng quang giải vô địch Pháp mùa bóng 2012 - 2013.

Các cầu thủ PSG trong ngày đăng quang giải vô địch Pháp mùa bóng 2012 - 2013.

Về thành tích ghi bàn, nếu Falcao đã tới 52 bàn ở giải Tây Ban Nha thì Cavani cũng 52 bàn ở Italia kể từ mùa bóng 2001 - 2012. Về chuyển nhượng, bản hợp đồng ước tính 64 triệu euro mà PSG ký với Cavani đã được xếp vào hàng thứ 5 trong lịch sử bóng đá thế giới, đẩy Falcao (đầu quân cho Monaco với 60 triệu euro) xuống thứ 8. Nếu là ở Anh, Italia, Đức hoặc Tây Ban Nha, những thương vụ ngút trời như vậy chắc chắn đã làm dư luận sôi lên sùng sục.

Thế mà giới truyền thông Pháp vẫn tương đối im lìm. Trong ngày Cavani ký với PSG, sự kiện thể thao hàng đầu của nhật báo Le Parisien vẫn là Leonardo rời chiếc ghế giám đốc thể thao ở CLB này. Trước đó một ngày, Le Parisien có đăng bức ảnh Cavani đến Pháp nhưng cũng lại chọn chủ đề chính là... những thay đổi trong quy định đỗ xe ở Paris. Tương tự, chủ đề lớn của nhật báo thể thao L’Equipe là xe đạp chứ không phải bóng đá, là cua-rơ Contador đang đua ở Tour de France chứ không phải tiền đạo Cavani mới đến với PSG.

Tại sao lại như vậy? Như các cây bút của ESPN ghi nhận, câu trả lời rất đơn giản: Nước Pháp không giống như những cường quốc bóng đá chung quanh họ. Trước nhất là không giống về bối cảnh. Hình như người Pháp chỉ muốn nói về khủng hoảng kinh tế. Thương cho hàng chục CLB bóng đá đang phải thắt lưng buộc bụng thay vì mừng cho sự giàu lên bất chợt và những vụ mua sắm tới bến của PSG và Monaco.

Cái không giống thứ nhì, cũng theo ESPN, là mức độ hâm mộ. Paris chiếm tới khoảng 1/6 dân số nước Pháp và Paris chỉ có đúng một đội dự giải VĐQG là PSG. Tuy nhiên, hiếm ở đây lại không hẳn là quý. Bất kể 2012 - 2013 là mùa bóng đầu tiên, PSG vô địch Pháp trong gần 20 năm nay, những khán đài ở sân Công viên các hoàng tử vẫn thường xuyên vơi một chút. Dân Paris chỉ thật sự sốt vé ở vòng tứ kết Champions League và sốt là do họ muốn xem Messi của Barca chứ không phải Ibrahimovic của đội nhà! Nếu ngay chính người hâm mộ PSG cũng không thật hết mình với PSG, trách chi cái chuyện báo chí không nhiệt tình ủng hộ.

Đó là một rào cản rất đáng kể trước mắt những người chủ PSG. Từ lúc mua lại CLB vào năm 2011, Tập đoàn đầu tư Qatar Sports Investments đã không nề hà đầu tư công sức, tiền của nhưng hình như cũng không ngớt vỗ ngực xưng tên. Với nhiều bản hợp đồng giống như Cavani vừa rồi, PSG đã có một đội hình được ví như là Man.City của nước Pháp. Trong lễ ra mắt Cavani, Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi đắc ý tuyên bố, PSG đang đặt mục tiêu vô địch Champions League, muộn nhất là trong vòng 4 năm tới và sớm nhất là ngay năm tới. Cùng với lộ trình đó, Al-Khelaifi còn muốn mở rộng sức chứa sân Công viên các hoàng tử lên ít nhất 60.000 người cho xứng với tầm vóc của PSG.

Chẳng lẽ ông ta không biết lượng khán giả trung bình mỗi trận ở mùa qua - mùa bóng lịch sử của PSG - chỉ đạt chừng 43.000 người? Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin như bây giờ, muốn trở thành một thương hiệu tầm cỡ, bắt buộc phải huy động được một cộng đồng CĐV rộng lớn và toát ra được một sức hút mãnh liệt đối với giới truyền thông. Để được như vậy, có vô vàn chuyện phải làm từ bên trong sân bóng ra bên ngoài sân bóng chứ đâu phải chỉ bỏ tiền ra mua cầu thủ nổi tiếng là xong.

Về khía cạnh này, ESPN bình luận khá chí lý: Nỗ lực tạo ra “một đội bóng mạnh” có thể sẽ thành công tốt đẹp. Ngược lại, chiến lược tạo ra “một tên tuổi lớn” sẽ tốn thêm nhiều mồ hôi và thậm chí cả máu mà rồi vẫn có thể kết thúc trong nước mắt.

HƯNG NGUYÊN tổng hợp

Tin cùng chuyên mục