Nam Mỹ không thể có Tiqui-Taca

Nam Mỹ không thể có Tiqui-Taca

Tiqui-taca, tức lối chơi “đập - nhả” liên tục, giữ bóng và tấn công bằng các đường chuyền ngắn liên tục, vốn là lối chơi quen thuộc của Brazil nói riêng cũng như bóng đá Nam Mỹ nói chung. Một thời, thiên hạ phải thán phục cách chơi như thế của đội Brazil, nhưng không phải vì đấy là Brazil của những Zico, Socrates, Falcao. Điều mấu chốt, đó là Brazil của các ngôi sao đã tỏa sáng ngay tại Brazil. Họ vươn lên trong cùng một trường phái, hấp thụ cùng một lối chơi và họ hiểu nhau chứ không chỉ hiểu chính mình.

Brazil ngậm ngùi rời Copa America.

Brazil ngậm ngùi rời Copa America.

Đấy cũng là lối chơi của Bồ Đào Nha, từng làm người xem say đắm, khi đội bóng này quy tụ Luis Figo, Rui Costa, Paulo Sousa, Joao Pinto. Họ đều có kỹ thuật cá nhân ở đẳng cấp hàng đầu thế giới nhưng điều quan trọng vẫn nằm ở chỗ: họ hiểu nhau, có cùng triết lý bóng đá và vươn lên đỉnh cao trong cùng một môi trường.

Lối chơi Tiqui-taca mà Barcelona làm cả thế giới khâm phục trên hành trình chinh phục Champions League 2011 dựa trên cùng một nền tảng như các đội Brazil hoặc Bồ Đào Nha trước đây. Chỉ có một khác biệt quan trọng: Barcelona chơi hiệu quả hơn, đưa bóng đến vị trí có thể ghi bàn nhanh hơn, khai thác khoảng trống trong hàng thủ đối phương tốt hơn nên họ thành công.

Trước thềm Copa America 2011, ai cũng chờ đợi Argentina vô địch bằng lối đá đẹp, như Barcelona ở Champions League, vì Argentina hay Barcelona đều là đội bóng của ngôi sao Lionel Messi. Cũng vì Argentina đang “đói” danh hiệu suốt 18 năm, nay lại có ưu thế sân nhà, không còn đường nào khác hơn là phải thắng. Bây giờ, giải vô địch tầm châu lục của Nam Mỹ coi như chẳng còn gì đáng xem, khi Argentina và Brazil cùng dừng chân ở vòng tứ kết.

Argentina, hay Brazil, hay bất cứ đội Nam Mỹ nào khác, đều không thể đá đẹp. Nguyên nhân cơ bản là các tuyển thủ Nam Mỹ chỉ thỉnh thoảng tập trung, trở về từ khắp mọi nơi. Có người quanh năm chơi bóng ở nơi chỉ lấy hiệu quả phòng thủ làm ưu tiên một (Serie A), có người chuyên phối hợp tấn công (như các ngôi sao Barcelona, Real Madrid), có người lại chỉ nêu cao tinh thần kỷ luật vì chơi bóng ở Bundesliga. Ráp nối các thành phần ấy để tạo ra một lối chơi nhuyễn là điều không thực tế. Không bao giờ có được lối chơi Tiqui-taca trong đội Argentina như ý muốn của HLV Batista, trừ phi đấy là một Argentina “nội địa”, gồm toàn các cầu thủ quanh năm chơi bóng trong nước và hiểu rõ về nhau.

Brazil cũng vậy. Đời nào có một lối chơi đẹp mắt trên nền tảng phối hợp đồng đội, khi Brazil thậm chí không có cả Kaka - ngôi sao Brazil đậm chất đồng đội nhất. Chờ đợi các pha trình diễn tài nghệ cá nhân nơi các ngôi sao Argentina, Brazil thì được. Đá đẹp, theo nghĩa phối hợp đẹp, thì không bao giờ. Copa America 2011 hay World Cup 2014 cũng vậy thôi.

Cát Phương

Tin cùng chuyên mục