Đang “rơi vào ngõ cụt” về đề tài không khí World Cup ở TPHCM, tôi được một đồng nghiệp rủ đến Thư viện Bóng đá 2109 chơi và đi kèm câu chắc nịch: “Ở đó, có nhiều thứ hay ho lắm!”. Sợ không tin, người bạn còn khẳng định nếu không vui sẽ mời... chầu bia. Bản tính tò mò đưa tôi tìm đến cái thư viện bóng đá ấy. Thật ra, đó là một căn biệt thự 3 tầng rộng chừng 400m vuông, ẩn sâu trong con hẻm của phố Ba Tháng Hai sầm uất. Ấn tượng ban đầu: Địa chỉ gì mà khó tìm thế!
6 tấn áo và đồ lưu niệm khổng lồ
Đúng là cái lạ, cái độc thì... khó tìm. Tôi bị đập vào mắt ngay trước cổng là áo đấu của David Trezeguet, Robert Pires và Zinedine Zidane - bộ 3 từng đưa Pháp đăng quang World Cup 1998. Đã 24 năm trôi qua, những “bộ cánh” ấy vẫn còn mới. Chỉ một lát cắt nhỏ như thế đã làm tôi thích thú và nghĩ về những điều mới mẻ khi tiến sâu bên trong.
Tôi được giới thiệu để gặp Trần Minh Tú (biệt danh Tú “Luka”) - chủ nhân của Thư viện Bóng đá 2109. Tôi có biết Tú “Luka” thông qua các hoạt động thiện nguyện với HAGL. Vì thế, những kỷ vậy có liên quan đến đội bóng phố Núi từ thời Kiatisak, Sakda... đến thế hệ Công Phượng hiện tại vô cùng phong phú ở thư viện.
Thư viện Bóng đá 2109 đang lưu trữ khoảng 15.000 hiện vật bóng đá gồm: áo đấu, giày, sách, tượng, chân dung, các vật phẩm lưu niệm... từ các đội ít tên tuổi đến những CLB lớn trên thế giới và cả đội tuyển quốc gia. Những kỷ vật có liên quan đến World Cup, EURO, Champions League, Asian Cup, AFF Cup... trong “ngôi nhà” của Tú “Luka” đều có đủ và đa dạng.
Những kỷ vật thời “cổ chí kim” của 2 huyền thoại Pele và Diego Maradona có giá trị nhất trong thư viện. Ngay cả đến kết quả xét nghiệm Covid-19 của Isco, hay vé máy bay của Benzema cũng được Tú cất giữ trong tủ kín đầy trân trọng. Khi tôi đến thăm quan, chỉ có khoảng hơn một nửa số sản phẩm được trưng bày. Số còn lại được cất giữ trong kho để chờ hoàn thiện các hạng mục của thư viện sẽ đem ra giới thiệu.
Mỗi sản vật có ý nghĩa riêng
“Là người đam mê bóng đá và để có thể gắn bó nhiều hơn với nó, tôi đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Trước đây, tôi không có đủ điều kiện để theo đuổi đam mê sưu tầm hiện vật bóng đá. Nhưng sau một khoảng thời gian dài, khi đã đủ điều kiện kinh tế, tôi bắt đầu sưu tập và luôn mong muốn rằng có thể tạo ra một nơi kết nối những người có cùng đam mê lại với nhau. Đặc biệt tôi muốn những fan bóng đá có thể đến để tìm tòi, học hỏi về những thứ liên quan với cầu thủ”, Minh Tú trải lòng.
Với Tú, những thứ khó sưu tập nhất hiện tại vẫn là các hiện vật có liên quan đến Maradona, bên cạnh Lionel Messi. Bởi một người đã khuất, và người còn lại đang là ngôi sao bóng đá số 1 thế giới, để tiếp cận được thì mất rất nhiều thời gian lẫn công sức.
Thế giới có thì Việt Nam cũng phải làm được
Thư viện Bóng đá 2109 không chỉ là nơi lưu trữ các sản phẩm liên quan mà còn bảo quản áo đấu, các vật phẩm của các huyền thoại, cầu thủ đương thời của bóng đá Việt Nam và thế giới. Tú “Luka” tự hào về 21019 là một trong những thư viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam được thành lập để phục vụ người hâm mộ tham quan, tổ chức các buổi offline về áo đấu và tìm hiểu về lịch sử bóng đá.
“Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới và thấy được nhiều bảo tàng trưng bày áo đấu ở các nước. Đặc biệt, khi đến bảo tàng FIFA ở Thụy Sĩ, tôi thực sự choáng ngợp và tôi nảy sinh ý tưởng để tạo ra một bảo tàng. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trên thế giới có những bảo tàng đồ sộ như vậy thì ở Việt Nam cũng phải có. Để thế giới nhìn vào, thế giới có gì và Việt Nam có gì”, Tú chia sẻ.
“Tại kỳ World Cup lần này, tôi cỗ vũ cho Đức. Nhưng tôi cũng là người hâm mộ của Luka Modric. Hy vọng Croatia có thể tiến sâu. Còn với Đức, tôi dự đoán ở trận ra quân, các cỗ xe tăng sẽ có chiến thắng ít nhất 3-0 trước Nhật Bản. Tôi cũng nghĩ Đức dù không được đánh giá cao nhưng sẽ tiến vào đến trận bán kết”, Minh Tú chia sẻ. Một chiếc áo đấu của Modric ở EURO 2016 hay các sản phẩm liên quan đến bóng đá Đức tất nhiên được Tú “bảo quản” trong thư viện. |