Chelsea có thể đã chi khoảng 600 triệu bảng cho một trong những mùa giải tồi tệ nhất trong lịch sử CLB, nhưng theo góc nhìn của tờ Independent thì cái giá dài hạn cho một năm dư thừa và thiếu hiểu biết có thể còn nghiêm trọng hơn. Bởi vì chưa từng ai đã chi đậm đến như vậy nhưng hiệu quả lại quá ít. Họ đã rời khỏi 2 cúp quốc nội mà không ghi được bàn thắng nào. Họ không thể đánh bại được đội nào trong tốp 8 hiện nay và con đường dự Champions League mùa sau dường như chỉ còn trông đợi vào chuyện… vô địch ở giải đấu này mà thôi.
Sa thải đến 2 HLV trong cùng mùa giải thì rất khó mà biết ai có lỗi trong 2 người Tuchel và Potter, thế nên mọi thứ có lẽ nằm ở Todd Boehly, kiến trúc sư của sự hỗn loạn tại Chelsea hiện nay. Sẽ thật mỉa mai nếu Tuchel cùng Bayern Munich vô địch Đức cũng như Champions League mùa này. Việc đầu tiên khi nắm quyền ở Chelsea là Boehly đã loại bỏ một trong những HLV giỏi nhất thế giới và thay thế ông ấy bằng một nhân vật kém cỏi hơn. Không chỉ đền bù tiền cho Tuchel, còn phải trả cho Brighton 21 triệu bảng để có Potter, và giờ lại chuẩn bị đền bù tiếp để Potter ra đi. Nếu xem đây là một công việc của ông chủ, thì có vẻ như Boehly đến từ hành tinh khác.
Vấn đề thật ra còn nghiêm trọng hơn. Vì niềm tin với Boehly và tập đoàn của ông ta Clearlake Capital, đã không còn. Hãy nhớ là đế chế của Abrahimovic có những vấn đề tương tự nhưng thành tựu thì khổng lồ. Vậy mà các ông chủ người Mỹ chỉ làm được một việc: cho thấy mình có thừa tiền để phung phí, còn làm sao để đem đến thành công, hay to lớn hơn, là tái hồi vị thế của một đế chế màu xanh, thì không biết. Lẽ ra họ không nên làm gì cả ngoài việc cấp tiền cho người khác làm. Vậy nên tờ Independent mới dùng một cái tít đầy vẻ châm biếm: “Bài học của Chelsea dưới thời Boehly là: Làm thế nào để không điều hành một CLB bóng đá”.
Boehly và Clearlake mắc sai lầm với sự kiêu ngạo của các tỷ phú. |
Chuyện gì qua, tệ đến mấy, thôi thì cũng qua nhưng trước mặt Chelsea thực sự là một bờ vực. Hãy nhớ là 2 năm trước đây họ là đội bóng vô địch châu Âu, cộng với khoản tiền mua sắm khổng lồ, lẽ ra phải to lớn hơn mới đúng. Nhưng với cái đà này, khi đã chi quá mạnh tay trong khi nguồn doanh thu mùa tới chắc chắn sẽ giảm mạnh, thâm hụt ngân sách sẽ xảy đến và về nguyên tắc thì Chelsea phải bán bớt cầu thủ để cân đối. Hay đúng hơn, họ không thể mua thêm được nữa. Ví dụ như “con cưng” Mason Mount sẽ phải ra đi trong khi tân binh Koulibaly ở lại do Chelsea lỡ ký với anh ta đến tận năm 36 tuổi. Trường hợp Raheem Sterling cũng thế, đang hưởng mức lương khổng lồ cho đến tận năm 2027. Ngay như Aubameyang chả đóng góp gì nhưng vẫn còn hợp đồng đến 2024. Đại loại là nếu phải bán, thì lại toàn “hàng tốt” và thế là Chelsea có thể vẫn là tù nhân của mùa giải 2022-2023 của họ trong một thời gian khá dài.
Câu chuyện kế tiếp, đó là với quá nhiều cầu thủ mới và được ký dài như vậy thì tân HLV sẽ rất khó làm. Họ có thể không đúng ý ông ta, nhưng vẫn phải dùng vì không thể mua sắm thêm. Thông thường, đây là công việc của một HLV theo kiểu chữa cháy, chứ nếu Chelsea tìm một tay sành sỏi, có tiếng tăm thì chắc chắc ông ta đòi một sự thay đổi. Điều đó cũng có nghĩa là phải cố bán đi một số cầu thủ và chịu thua lỗ lớn.
Graham Potter chỉ là bản hợp đồng sai ngay từ lúc ban đầu, vì mấu chốt của vấn đề là cách người ta đang vận hành văn phòng quản lý của Chelsea. Boehly và Clearlake mắc sai lầm với sự kiêu ngạo của các tỷ phú, những người cho rằng sự giàu có của họ đồng nghĩa là họ biết rõ nhất cách dùng tiền nhưng lại biết quá ít và thậm chí còn hiểu ít hơn. Họ không tệ trong việc mua sắm cầu thủ, nhưng mua xong và dùng như thế nào, là câu chuyện của những người am hiểu bóng đá chứ không phải chuyện của các tỷ phú.