Tại hội thảo, nhiều quy định liên quan tới điều chỉnh phụ tải điện cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phối hợp điều chỉnh phụ tải điện được trình bày như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực (Luật số 50/2010/QH12); Quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Thông tư số 23/TT-BCT); Quy trình hướng dẫn thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Quyết định số 54/QĐ-ĐTĐL). Đồng thời, các chuyên gia sẽ phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp giải pháp phát triển doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện. Đại diện Cục điều tiết điện lực, EVN, EVNHCMC trực tiếp giải đáp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia điều chỉnh phụ tải điện.
Trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện. Việc điều chỉnh phụ tải điện là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành Điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR) là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của Đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện, đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện còn nhiều khó khăn, đặc biệt vào cao điểm nắng nóng như hiện nay, điều chỉnh phụ tải không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giúp đảm bảo cung ứng điện.
Ông Lê Phương Bình - Trưởng phòng quản lý năng lượng - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa ra các giải pháp điều chỉnh phụ tải điện và tiết giảm sử dụng điện tối đa trong các giờ cao điểm, đưa việc tiết kiệm điện trở thành thói quen thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ sở kinh doanh, sản xuất là những vấn đề được cần ưu tiên, xem đây giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng.
Góc độ của một DN sản xuất, ông Trần Hoài Nam - Phó chủ Hội cơ khí điện TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật công nghệ Ánh Dương Sài Gòn cho chia sẻ: Nhà nước đã có chính sách cụ thể ưu đãi với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực năm 2011 quy định cụ thể về các vấn đề như ưu đãi về thuế, vốn vay. Thậm chí, các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế không phải DN nào cũng biết hết các chính sách này. Đặc biệt là DN tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện cần phải đáp ứng những điều kiện thế nào và những lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình này là gì.