82.262 người đã có mặt tại MetLife để theo dõi trận giao hữu giữa Man. United và Arsenal. Ngày càng có nhiều người mong muốn Mỹ tổ chức một trận đấu tại Premier League như ý tưởng về trận đấu thứ 39 được đưa ra hồi năm 2008. Đó là kế hoạch của Richard Scudamore, Giám đốc điều hành Premier League, nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt chủ yếu từ các CLB ít quyền lợi hơn và bị hủy bỏ.
Ông Phil Murphy khá hài lòng về màn “biểu diễn” này của 2 đội bóng Anh: “Tôi rất thích nghĩ về các trận đấu của Premier League tại đây. Tôi cho rằng Man.United và Arsenal coi đây đất Mỹ là thương hiệu tốt, họ đưa những cầu thủ giỏi nhất đến, 82.000 người hâm mộ ở New York/New Jersey sẽ xem. Tôi thấy viển cảnh ấy thật tuyệt vời”.
Ông Phil Murphy cũng nói đến mô hình của NFL, bóng đá kiểu Mỹ đang tổ chức thi đấu ở châu Âu. Giải bóng đá nổi tiếng nhất thế giới của Mỹ đã làm như vậy trong nhiều năm. Lần đầu tiên là vào năm 2007, khi New York Giants đối mặt với Miami Dolphins tại sân Wembley. Riêng trong năm nay, một số đội NFL sẽ đến Châu Âu vào tháng 10 và tháng 11 để tham gia một sự kiện gọi là Đại hội Thể thao Quốc tế 2023 sẽ lại được tổ chức tại Wembley và sân của Tottenham Hotspur. Hai trận khác sẽ diễn ra tại Deutsche Bank Park ở Frankfurt (Đức).
Phil Murphy nói: “Mô hình của NFL rất tốt, họ đã có những trận đấu ở châu Âu rất thành công. Tôi là một người hâm mộ New England Patriots và họ sẽ đấu với Indianapolis Colts ở Frankfurt vào tháng 11 năm nay. Sân vận động không lớn lắm, chỉ có 55.000 chỗ ngồi vậy mà nhu cầu vé lên đến 700.000”. Ông Murphy cũng cho rằng nếu Super League được ra đời thì có thể mọi thứ sẽ dễ dàng hơn vì nhu cầu thương mại của các CLB khá lớn. Hai năm trước, Man.United và Arsenal có tham gia dự án này nhưng đề xuất đã sụp đổ ngay sau đó giữa sự phản đối gay gắt từ người hâm mộ và chính quyền. Vẫn Murphy: Tôi có thể nói thẳng là người hâm mộ Mỹ sẽ ham muốn đến chết về các trận đấu ở trình độ đó. Riêng tại New York hay New Jersey, có lẽ bạn chẳng thể mua nổi vé để xem đâu”.
Mùa hè năm nay, có đến 9 CLB của giải ngoại hạng Anh đến Mỹ du đấu mùa Hè. Thậm chí 6 đội Chelsea, Newcastle, Fulham, Brentford, Brighton và Aston Villa còn dự Premier League Summer Series lần đầu tiên tổ chức tại Mỹ. Ba đội còn lại là Arsenal, Man.United và C. Palace đến Mỹ vì chủ sở hữu của họ vốn là… dân Mỹ. Về cơ bản, Mỹ đang là điểm đến của bóng đá thế giới mà sự kiện Lionel Messi sang đá cho Miami là minh chứng không còn gì rõ ràng hơn. Đó là chưa nói đến yếu tố chủ quan khi rất nhiều công ty Mỹ đang sở hữu các CLB Anh. Wrexham vừa mới thăng lên hạng 4 nước Anh thôi mà khi sang Mỹ du đấu, cũng đã tạo ra lượng CĐV lớn, sắp đến còn có gói bản quyền bán riêng.
Trận Wrexham - Manchester United 1-3 đón lượng khán giả hơn 50.000 người |
Tuy nhiên, vẫn có nhiều rào cản. Ý tưởng về những trận đấu thứ 39 của Premier League rất hấp dẫn về khía cạnh kinh doanh nhưng dân làm chuyên môn như HLV và cầu thủ sẽ phản đối ý tưởng này. Nếu đơn thuần chỉ là một trận đấu giao hữu để bán vé theo kiểu “event” thì chẳng có vấn đề gì, nhưng về chuyên môn, giải ngoại hạng Anh phải bảo đảm được tính truyền thống và phục vụ cho người yêu bóng đá toàn cầu chứ chẳng riêng gì Mỹ.
Không phải tự nhiên mà Saudi Pro League đang gây áp lực lên chính giải ngoại hạng khi thu hút rất nhiều ngôi sao. Họ đang làm đảo lộn thị trường chuyển nhượng để biến giải đấu của mình thành sản phẩm thương mại cao cấp, nên nếu người Anh lơ là, cứ mãi lo chuyện kinh doanh, thì chắc gì đã làm tốt hơn các đồng tiền Ả Rập?!